QDND - Tại nhiều doanh nghiệp hiện nay, tỷ lệ lao động nữ chiếm tới 80%-90%, tập trung nhiều ở các công ty may mặc, giày da, có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đông lao động nữ thì ắt sẽ nhiều người sinh nở và nuôi con nhỏ. Không ít lao động nữ sau khi hết 6 tháng “ở cữ” đã thiếu tập trung trong làm việc, chỉ vì họ phải vắt bỏ nguồn sữa quý giá của mình đi, trong khi con ở nhà lại phải uống… sữa hộp.

Những năm qua, Vĩnh Phúc là địa phương có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung được đầu tư xây dựng trên địa bàn. Cùng với các doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng mạnh dạn liên doanh, liên kết, mở rộng đầu tư vào địa phương. Đây là những doanh nghiệp có số đông nữ công nhân và nhiều người đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ. Chỉ riêng Công ty TNHH Vina Korea (100% vốn nước ngoài), chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng may dệt kim xuất khẩu, có khoảng 4.300 công nhân lao động; trong đó, lao động nữ chiếm hơn 95% và có khoảng 300-400 công nhân lao động nữ thường xuyên trong giai đoạn nuôi con nhỏ từ 6 tháng đến dưới 24 tháng tuổi. Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 cũng có gần 900 lao động nữ; trong đó có 115 lao động nữ đang nuôi con nhỏ. Công ty Sản xuất Phanh Nissin có gần 500 lao động nữ và có khoảng 100 lao động nữ đang nuôi con nhỏ.

Trước thực tế đó, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương sớm quan tâm tới vấn đề rất nhân văn và thể hiện nét văn minh công nghiệp này. Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng một số phòng vắt, trữ sữa mẹ (còn gọi là ca-bin vắt sữa mẹ) nhằm phục vụ nhu cầu vắt và trữ sữa cho các nữ công nhân đang nuôi con nhỏ. Vị trí lắp đặt các ca-bin vắt, trữ sữa ngay tại nơi làm việc. Theo kế hoạch, trong năm 2015, tỉnh đầu tư xây dựng khoảng 20 ca-bin, nâng tổng số ca-bin vắt, trữ sữa trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 30 ca-bin.

Việc xây dựng các ca-bin vắt sữa là hết sức thiết thực đối với mỗi doanh nghiệp, giúp nữ công nhân sau khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản (6 tháng) có thể nuôi con bằng sữa mẹ, tiết kiệm được một khoản tiền mua sữa ngoài, bảo đảm sức khỏe, nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ cho trẻ, giúp công nhân yên tâm lao động sản xuất.

Vì vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp có đông lao động nữ cần được chủ sử dụng lao động quan tâm tới vấn đề này. Điều này thể hiện nét văn minh công nghiệp, tính khoa học và tôn trọng phụ nữ; thể hiện mọi người, mọi giới, mọi đối tượng... đều được quan tâm đúng mức, bởi đó là tác nhân để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng ca-bin vắt sữa mẹ, mời các chuyên gia tiến hành tư vấn, hướng dẫn, trang bị những kiến thức, lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ; quy cách vắt sữa, phương tiện và thời gian bảo quản sữa an toàn cho sức khỏe, để mỗi khi rời nhiệm sở, các nữ công nhân đang nuôi con nhỏ lại có một “món quà” hữu ích dành cho bé yêu...

Hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ sau thời gian nghỉ thai sản bằng việc xây dựng các ca-bin vắt, trữ sữa như ở Vĩnh Phúc là một việc làm cần nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; giúp người mẹ có thể yên tâm làm việc, trong khi con vẫn được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mà không một loại thức ăn nào có thể thay thế được.

NHẤT NGÔN