Thay đổi diện mạo nông thôn
Thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) có gần 400 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc S’tiêng. Đây là một trong những thôn khó khăn nhất của huyện Bù Gia Mập. Nguyên nhân chính là trước đây con đường từ thôn đến UBND xã gần 7km là đường đất, mùa mưa sụt lún, mùa khô gió bụi mù mịt; giao thông cách trở. Thôn Hai Căn gần như biệt lập; sản xuất, giao thương chậm phát triển; đời sống bà con rất khó khăn, nhiều hộ phải nhận cứu trợ. Từ khi được UBND huyện Bù Gia Mập đầu tư xây dựng tuyến đường nhựa kết nối từ UBND xã Phú Nghĩa vào thôn Hai Căn, bà con tiếp cận được nhiều dịch vụ, phát triển giao thương, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khắc phục được thâm canh tự phát, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu. Nhiều loại nông sản như điều, hồ tiêu, cao su... của bà con tìm được đầu ra thuận lợi. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 6 triệu đồng/tháng.
 |
Khởi công công trình giao thông tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. |
Theo đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, đây là một trong số nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước đổi thay từ chương trình đột phá về phát triển giao thông nông thôn những năm qua. Phát triển giao thông trở thành đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, Bình Phước có hơn 67% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hộ nghèo giảm còn 2%...
Để đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, Bình Phước triển khai cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” kết hợp vận động nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người dân, mọi tổ chức tích cực đóng góp công sức, tiền của. Địa phương triển khai phân cấp trách nhiệm trong thực hiện, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền làm cho mọi người thấy rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của phát triển giao thông nông thôn để cùng tích cực tham gia. Hơn 5 năm qua, Bình Phước có gần 2.000 tập thể, cá nhân tự nguyện đóng góp ở mức từ 10 đến 100 triệu đồng cho xây dựng giao thông nông thôn. Nhân dân hiến hơn 2.000ha đất làm đường giao thông. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã xây dựng được hơn 3.900km đường bê tông nông thôn. Nhờ vậy, địa phương đã khơi dậy tiềm năng phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi... khắc phục nhiều vùng "lõm" trong phát triển KT-XH ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng chất lượng cao. Điển hình là ứng dụng kỹ thuật trồng được hơn 100.000ha điều giống PN1, năng suất bình quân hơn 2 tấn/ha. Với hơn 141.400ha, 6 tháng đầu năm 2021, năng suất điều đạt hơn 199.400 tấn, tăng 10.459 tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Đẩy mạnh kết nối giao thông vùng
Tỉnh Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều tiềm năng về công nghiệp, du lịch, lâm nghiệp... Quốc lộ 13, đường ĐT 741 là những tuyến đường lưu thông huyết mạch của Bình Phước kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và kết nối TP Hồ Chí Minh đến các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Tuy nhiên, những tuyến đường này qua nhiều năm sử dụng, kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, nhiều đoạn xuống cấp, gây tắc nghẽn cục bộ. Đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển KT-XH, kết nối vùng của Bình Phước nói riêng và cả vùng Đông Nam Bộ nói chung. Khắc phục vấn đề này, thời gian qua, Bình Phước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt, hiệu quả.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức khởi công xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư), có chiều dài 50km. Trước đó, tỉnh cũng đã kêu gọi, huy động vốn của doanh nghiệp, hoàn thành một số dự án trọng điểm như: Dự án Quốc Lộ 13 đoạn An Lộc-Chiu Riu; dự án đường ĐT 741 đoạn TP Đồng Xoài-thị xã Phước Long giai đoạn I... Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Phước đã hoàn thành hơn 3.000km đường giao thông kết nối vùng và giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hiện, tỉnh đang khẩn trương thi công 8 công trình, dự án giao thông trọng điểm.
Theo đồng chí Trần Tuệ Hiền, đột phá phát triển hạ tầng giao thông là giải pháp hiệu quả tạo sự bứt phá phát triển KT-XH, thu hút vốn đầu tư của Bình Phước tăng cao. So với cùng kỳ năm 2020, trong 6 tháng đầu năm 2021, Bình Phước thu ngân sách Nhà nước đạt 6.826 tỷ đồng, tăng 66%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 2.234 tỷ đồng, tăng 15,9%; thu hút đầu tư được 73 dự án với số vốn đăng ký 5.522 tỷ đồng, tăng 143% dự án...
Phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng đã tạo động lực cho KT-XH của tỉnh tăng tốc nhanh, bền vững, tăng cường tiềm lực củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển...
Bài và ảnh: DUY HIỂN - HỒNG ÁNH