Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy Z115 có cuộc trao đổi với chúng tôi về những giải pháp tạo sự phát triển vượt bậc của đơn vị.

Phát triển cả hai lĩnh vực quốc phòng và kinh tế

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn. 

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể phác thảo đôi nét để bạn đọc biết về quá trình hình thành và phát triển của nhà máy trong 57 năm qua?

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Nhà máy Z115 ra đời ngày 16-6-1965, trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với nhiệm vụ ban đầu là sản xuất các loại mìn, lựu đạn. Trải qua 57 năm hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân viên nhà máy luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất quốc phòng, đặc biệt là nghiên cứu, sản xuất thêm nhiều sản phẩm vũ khí mới, bảo đảm tiến độ, số lượng, chất lượng, an toàn tuyệt đối; đồng thời, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm kinh tế phục vụ dân sinh, nhất là thuốc nổ công nghiệp. Với những nỗ lực không ngừng, nhà máy vươn lên thuộc nhóm dẫn đầu trong Tổng cục CNQP về hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Năm 2021, doanh thu của nhà máy đạt hơn 1.640 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt hơn 15,5 triệu đồng/người/tháng.

Với những thành tích đạt được, nhà máy vinh dự hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là tiền đề vững chắc để Nhà máy Z115 có bước phát triển nhanh, mạnh hơn trong những năm tiếp theo.

PV: Để trở thành thương hiệu uy tín trong SXKD các mặt hàng kinh tế-quốc phòng, theo đồng chí, đâu là nền tảng để Nhà máy Z115 bứt phá phát triển?

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Theo tôi, nền tảng quan trọng nhất chính là những chủ trương, giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo phát triển doanh nghiệp quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục CNQP. Từ đó, nhà máy xác định rõ nhiệm vụ chính trị trung tâm là ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ sản xuất quốc phòng; đồng thời, tận dụng công năng dôi dư, trình độ công nghệ và năng lực thiết bị để đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế. Từ nhận thức quan trọng này, nhà máy kiên trì thực hiện đồng bộ các nội dung, biện pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành sản xuất, đầu tư đổi mới kỹ thuật, công nghệ, xây dựng đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trình độ cao, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong hoạt động SXKD.

Thực tế đã chứng minh, cách làm này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, vừa bảo đảm sản xuất hàng quốc phòng, vừa phục vụ sản xuất hàng hóa cho nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, lợi nhuận từ các mặt hàng kinh tế giúp nhà máy tăng cường nguồn lực, đầu tư mua sắm hiện đại hóa trang bị, phương tiện, củng cố nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng.

Đưa cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất

leftcenterrightdel
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Z115. Ảnh: VIỆT TRUNG 

PV: Mục tiêu của nhà máy là hướng tới tự động hóa các quá trình sản xuất. Vậy theo đồng chí, đâu là giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu này?

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian qua, việc tự động hóa, cải tiến các trang thiết bị nhằm giảm sức lao động, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm đã được nhà máy thực hiện quyết liệt. Quan điểm của ban lãnh đạo nhà máy là công đoạn nào tự động hóa được, hiện đại hóa được là cố gắng làm. Theo đó, nhà máy tập trung nguồn lực, đầu tư nhập khẩu dây chuyền công nghệ hiện đại. Ví như, dây chuyền may bao bì tự động, trước đây, dây chuyền này cần 40 người, nhưng giờ chỉ cần 2 người. Hoặc dây chuyền sơn nhập khẩu: Với dây chuyền cũ, người lao động trực tiếp sơn, rất độc hại, nhưng với rô-bốt sơn, người công nhân chỉ đặt sản phẩm vào và nhặt sản phẩm ra. Vào xưởng sơn nhưng không hề ngửi thấy mùi sơn.

Đặc biệt, phát huy bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận sản xuất, cán bộ, công nhân viên nhà máy đã tự lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số trang thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất giúp giảm chi phí đầu tư. Gần đây nhất là dây chuyền thuốc nổ công nghiệp. Bởi, nếu nhập khẩu đồng bộ từ châu Âu, mức đầu tư lên tới gần 200 tỷ đồng, nhưng đội ngũ kỹ sư của nhà máy đã học tập, nghiên cứu, lựa chọn thiết bị phù hợp lắp đặt hoàn thành dây chuyền với chi phí khoảng 80 tỷ đồng. Có thể khẳng định, phấn đấu đưa cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất đã tạo bước phát triển đột phá cho nhà máy. Minh chứng là doanh thu của nhà máy giai đoạn 2015-2021 tăng gần gấp đôi, trong khi chỉ tăng khoảng 80 lao động. Người lao động rất ít khi phải làm thêm giờ, không phải làm thứ bảy, chủ nhật. Thu nhập trung bình của người lao động những năm từ 2011 đến 2015 vào khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, năm 2020 là 14 triệu đồng/tháng; năm 2021 là hơn 15,5 triệu đồng/tháng.

PV: Để đưa doanh nghiệp phát triển đột phá, vững chắc trong thời gian tới, nhà máy sẽ tập trung vào những giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhà máy nhiệm kỳ 2020-2025, nhà máy đề ra hai bước đột phá: Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; áp dụng các giải pháp quản lý tiên tiến nhằm tăng cường hiệu quả SXKD và đầu tư đổi mới dây chuyền, trang thiết bị công nghệ theo hướng tự động hóa các quy trình sản xuất. Trong chiến lược phát triển, nhà máy tích cực sản xuất đa dạng các sản phẩm, tăng cường tiếp thị mở rộng thị trường. Mặt khác, nhà máy còn tăng cường liên kết với các đơn vị sản xuất và cung ứng vật liệu nổ công nghiệp để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nâng cao hiệu quả SXKD.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

MINH DUNG (thực hiện)