QĐND Online - Chiều 25-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Đánh giá cao về những kết quả đạt được trong kinh tế-xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, đồng thời cho rằng, các giải pháp của Chính phủ đưa ra khá toàn diện, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, cần có sự đổi mới cơ chế hỗ trợ, đầu tư, tiến hành các giải pháp để các giải pháp đưa ra được tiến hành hiệu quả, thiết thực hơn…
 |
Thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (đại biểu Quốc hội đoàn Lai Châu) nhấn mạnh, năm 2014 là năm thành công của đất nước nói chung và Chính phủ nói riêng. Việt Nam đã đưa ra mục tiêu từ đầu nhiệm kỳ khi tình hình còn rất khó khăn, lạm phát cao, thu hút đầu tư nước ngoài kém, nhiều doanh nghiệp trong nước đổ bể nên quốc tế và nhiều chuyên gia chưa thực sự tin tưởng Việt Nam trong vòng 3 năm có thể giải quyết được tình trạng khó khăn đó. Nhưng đến hết năm 2013, đặc biệt quý 4 năm 2013 tình hình bắt đầu ổn định. Năm 2014 là năm đầu tiên đất nước ta gần như hoàn thành trọn vẹn các chỉ tiêu đề ra, 13/14 chỉ tiêu, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt rất xa.
Tuy chúng ta đang trên đà tăng trưởng tốt, nhưng cũng bắt đầu nảy sinh một số khó khăn như đã dự đoán. Đó là nông nghiệp khó khăn, dịch vụ giảm, khu vực dân doanh chậm phát triển. Trong khi đây là 3 động lực chính thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Vấn đề là thời gian tới phải tập trung để có những biện pháp nhằm tiếp tục phát huy những mặt đang tăng trưởng tốt, thúc đẩy hỗ trợ những lĩnh vực khó khăn thoát khỏi khó khăn, tăng trưởng.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cũng cho rằng, bức tranh năm 2014 và đầu năm 2015 sáng hơn, nét hơn qua một loạt các con số vĩ mô. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những khó khăn như nhập siêu quay trở lại gây sức ép thị trường, sản xuất trong nước; nợ xấu còn cao. Đại biểu Thụ khẳng định, các giải pháp của Chính phủ đưa ra đã toàn diện rồi, điều quan trọng là cần tập trung vào lĩnh vực nào, giải pháp nào? Theo đại biểu Thụ, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút được các nguồn lực cho phát triển; giải quyết các vấn đề của thị trường trước việc hàng hóa nước ngoài đang vào ngày càng nhiều theo các hiệp định song phương và đa phương được ký kết; ngoài đầu tư cho các vùng, lĩnh vực trọng điểm cũng cần quan tâm đúng mức đến các vùng nghèo để tránh giãn cách giữa các vùng và nguy cơ tăng chi cho an sinh xã hội. Đồng tình với ý kiến nhiều đại biểu, đại biểu Thụ cho rằng, phương thức đầu tư thời gian vừa qua quá dàn trải, làm vụn nguồn vốn. Thực tế này đặt ra vấn đề phải đổi mới đầu tư.
 |
Đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) phát biểu ý kiến.
|
Đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cùng việc khẳng định những chuyển biến tích cực kinh tế-xã hội trong nước đã chỉ ra một loạt vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Đó là việc quản lý trong nông nghiệp của các Bộ, ngành, UBND các cấp dường như còn lỏng lẻo-một nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa nông sản hiện nay. Tình trạng tai nạn giao thông còn nhiều, kiểm tra an toàn lao động tại các khu vực, công trình còn kém nên xảy ra nhiều tai nạn… Từ đó đại biểu Công đề xuất Chính phủ cần xem xét thay đổi cách thức đầu tư cho bà con nông dân. Bà con nông dân hoan nghênh việc Chính phủ dành vốn cho bà con, nhưng cách thức, cơ chế hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả dẫn đến tình trạng manh mún, hiệu quả không cao. Cùng với đó, đại biểu Công kiến nghị cần nghiên cứu để kéo dài thời gian mua tạm trữ lúa gạo giúp cho bà con nông dân bán lúa, gạo được giá cao hơn.
Dành khá nhiều thời gian nói về lĩnh vực nông thôn, đại biểu Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) chỉ ra việc nông nghiệp tụt giảm sau khi có đề án tái cơ cấu nông nghiệp là điều rất đáng quan tâm. Đại biểu Cự chỉ ra, hiện nay, khi xem xét kỹ về nông nghiệp sẽ thấy mô hình chưa có, quy hoạch cũng không cụ thể, cây, con cho từng vùng chưa có, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vẫn mạnh ai lấy làm.
Trước tình trạng còn quá nhiều việc chưa làm được trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Cự nhấn mạnh: “Với nông nghiệp thì phải thực sự tâm huyết mới có thể làm tốt”. Các tỉnh cố gắng không thôi chưa đủ cần có sự liên kết vùng tốt; cần có chỉ đạo căn cơ gắn giữa kế hoạch và quy hoạch (vùng nào trồng con gì, nuôi con gì và gắn với nó là chế biến); phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương, “buộc chặt” trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương, vì hơn ai hết, chính quyền địa phương sẽ hiểu vùng, địa phương mình nhất.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ trong báo cáo của mình cần làm rõ hơn những chỉ tiêu, con số và ý nghĩa của nó. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) đưa ra một loạt các con số và chỉ tiêu và cho rằng, sẽ khó có thể hiểu đúng việc tăng hay giảm là mừng hay lo vì có những con số tăng lên nhìn qua thì tích cực nhưng đặt vào hoàn cảnh lại không phải như vậy. Do vậy, Chính phủ và Tổng cục Thống kê cần phân tích rõ những ý nghĩa của việc tăng giảm những con số để hiểu đúng hơn về tình hình kinh tế-xã hội.
XUÂN DŨNG