QĐND Online – “Nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2015 được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước mặc dù có dấu hiệu phục hồi song vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Bộ Tài chính đã tập trung triển khai các giải pháp về tài chính-NSNN; thống nhất trong ý chí và hành động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2015”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Sơ kết thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 26-6, tại Hà Nội.
Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 446,12 nghìn tỷ đồng
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, thu ngân sách tuy chỉ đạt xấp xỉ một nửa kế hoạch năm nhưng vẫn tăng 6% so cùng kỳ năm 2014. Kết quả này có được nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất-kinh doanh và các giải pháp chống thất thu hiệu quả của ngành Tài chính.
Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong tổng thu ngân sách nói trên, thu nội địa ước đạt 328,18 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2014, nếu không kể tiền sử dụng đất thì tăng 13,2%, đạt khá so với cùng kỳ một số năm gần đây. Đây là con số tăng trưởng khá so với cùng kỳ một số năm gần đây. Đáng mừng là các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất- kinh doanh của các DN phục hồi mạnh mẽ; DN thành lập mới tăng cả về lượng và vốn đăng ký (trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 45,4 nghìn DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 282,4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% về lượng và tăng 22,3% về vốn)...
Những yếu tố trên đã góp phần tăng nguồn thu cho NSNN. Có được kết quả trên là do trong năm 2015, ngành Tài chính tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đặc biệt trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Số giờ nộp thuế sẽ giảm tiếp được khoảng trên 50 giờ (năm 2014 đã giảm được 370 giờ). Cơ quan Hải quan cũng thực hiện nhiều bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính để thực hiện phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng/cửa khẩu bằng mức bình quân chung của các nước ASEAN-6.
Trong cân đối thu ngân sách, số thu từ dầu thô giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đây cũng chính là yếu tố khiến cân đối ngân sách những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lũy kế thu 6 tháng đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán. Giá dầu thanh toán bình quân 6 tháng đạt khoảng 60 USD/thùng, giảm 40 USD/thùng so giá dự toán được Quốc hội thông qua.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế 6 tháng đạt 125,5 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Sau khi thực hiện hoàn thuế GTGT theo chế độ 45 nghìn tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động XNK ước đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46% dự toán. Theo Bộ Tài chính, mặc dù có sự gia tăng đáng kể về kim ngạch nhập khẩu, nhưng do chủ yếu tập trung vào nhóm hàng đầu vào của sản xuất có thuế suất thấp (linh kiện điện thoại, nguyên vật liệu dệt may, da giày...) và sự giảm giá của mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, nên số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đến nay chưa đảm bảo được tiến độ dự toán (dưới 50% dự toán).
Trong đó, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ; doanh nghiệp thành lập mới tăng khá cả về lượng và vốn đăng ký; tiêu dùng xã hội tăng; thị trường bất động sản phục hồi tích cực... góp phần tăng nguồn thu cho NSNN.
Bộ Tài chính cho biết, ước tính đã có 52/63 địa phương thu đảm bảo tiến độ dự toán (từ 50% dự toán trở lên). Tuy nhiên cũng còn một số địa phương thu đạt thấp. So cùng kỳ năm 2014, có 57/63 địa phương thu cao hơn, 6 địa phương thu thấp hơn.
Cùng với đó, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đến nay cũng chưa đảm bảo được tiến độ dự toán, do XNK có sự gia tăng đáng kể về kim ngạch nhập khẩu, nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm hàng đầu vào của sản xuất có thuế suất thấp (linh kiện điện thoại, nguyên vật liệu dệt may, da giày...); kết hợp với sự giảm giá của mặt hàng xăng dầu nhập khẩu. Các khoản thu còn lại của ngân sách trong 6 tháng qua, theo Bộ Tài chính, từ các kết quả thu khác và thu từ viện trợ...
Quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản được giao một cách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện chi trong phạm vi dự toán được giao và đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Cùng với đó, sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, cấp dưới, kịp thời khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả trong việc bố trí kinh phí và triển khai thực hiện các chương trình, dự án sử dụng ngân sách.
Nhằm chủ động điều hành NSNN trong điều kiện giá dầu thô giảm thấp, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2015, đề ra một số giải pháp về NSNN, như: Tiết kiệm thêm dự toán chi thường xuyên; điều hành sử dụng dự phòng ngân sách các cấp trong phạm vi 50% dự toán; dành nguồn để chủ động xử lý mất cân đối ngân sách trong trường hợp thu ngân sách giảm lớn... Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra tài chính- ngân sách, qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm.
 |
Ảnh minh họa theo Bộ Tài chính
|
Dự toán chi NSNN cả năm 2015 là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 6 tháng đạt 545,18 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 6 tháng đạt 86,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,4% dự toán; chi trả nợ và viện trợ 6 tháng đạt 75,95 nghìn tỷ đồng, bằng 50,6% dự toán, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.
Bội chi NSNN tháng 6 ước 27,25 nghìn tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng ước 99 nghìn tỷ đồng, bằng 43,8% dự toán năm.
Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trong bối cảnh những tháng đầu năm 2015 kinh tế chưa có sự tăng trưởng đột phá, hoạt động SX-KD của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn; giá dầu thô giảm mạnh so với mức giá xây dựng dự toán và diễn biến phức tạp khó lường... đã tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2015.
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao; ngay từ đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương, động viên và tranh thủ sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN. Đồng thời, tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức trong hệ thống Thuế và Hải quan về tầm quan trọng và các giải pháp để tăng cường quản lý thu, chống thất thu, hạn chế nợ đọng thuế, đẩy mạnh CCHC trong lĩnh vực thuế, hải quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Theo đó, lũy kế thu 6 tháng, thu NSNN ước đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 328,18 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2014; thu về dầu thô, luỹ kế thu 6 tháng đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2014; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, lũy kế thu 6 tháng đạt 125,5 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014…
Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu; thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Song song với đó, đẩy mạnh xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai số nợ đọng thuế của từng địa phương, doanh nghiệp; tiếp tục chấn chỉnh công tác hoàn thuế GTGT, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước. Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh công tác huy động vốn để chủ động, đảm bảo nguồn kịp thời cho các nhiệm vụ chi theo dự toán; tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, cũng như công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các khoản thu-chi ngân sách.
VƯƠNG THÚY