QĐND Online – Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 13-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật dân sự (BLDS) (sửa đổi). Đa số các đại biểu (ĐB) đều đồng tình đây là đạo luật rất quan trọng, là bộ luật nền, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình.

Việc sửa đổi, bổ sung BLDS không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng BLDS trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (đại biểu Thanh Hóa) nhận định đây là một bộ luật nền điều chỉnh tất cả các lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực dân sự nên luật cần phải ổn định. “Phạm vi của luật rất rộng, tác động đến nhiều quan hệ trong xã hội nhưng phải phù hợp với Hiến pháp, các luật chuyên ngành, với văn hóa, đạo đức tại mỗi địa phương” – Thượng tướng Đặng Văn Hiếu nói. Ông cũng đề nghị trong luật cần kế thừa cái cũ, nói rõ cái mới, vì sao phải sửa đổi, bổ sung cái mới và sửa đổi cái gì. Đặc biệt, cần tính toán, cân nhắc một số điểm quan trọng có liên quan đến an ninh quốc gia như: Cá nhân có quyền lập hội, có quyền bí mật thông tin… nhưng tùy trường hợp phải có quyền kiểm tra thư tín, do đó nên đưa vào luật cho phù hợp.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Vĩnh Long và Bạc Liêu thảo luận tại tổ. Ảnh: An Đăng – TTXVN.

ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng đây là bộ luật khó, điều chỉnh mọi phát sinh dân sự trong xã hội. Chính vì vậy đây là một trong những Bộ luật có nhiều Điều (710 điều) nhất, sau Bộ Luật hình sự. Bộ Luật dân sự sửa đổi lần này, sửa đổi cơ bản và sửa đổi rất lớn. Bộ Luật lần này chỉ giữ nguyên 265 điều trên tổng số 710 điều, bổ sung 174 tình huống và cũng bãi bỏ 147 việc, giảm 67 điều so Bộ Luật dân sự 2005. “Đồng tình với những quan điểm chính phủ trình Quốc hội sửa đổi luật này, cá nhân tôi cũng đồng tình phải sửa đổi. Bởi phải căn cứ vào Cương lĩnh, Hiến pháp, chiến lược phát triển kinh tế xã hội… Trong thực tế hiện nay có nhiều sự việc, sự vụ, tranh chấp xảy ra trong thực tế nhưng luật chưa quy định hay có thể nói luật chưa theo kịp, ví như Luật Đất đai liên quan đến vấn đề ủy quyền sử dụng…” – ĐB Sinh nói.

Theo ĐB Sinh, phạm vi điều chỉnh có bổ sung đối tượng, đặc biệt có bổ sung chủ thể nhưng trong quy định là điều chỉnh một số quyền, nghĩa vụ của các chủ thể khác như cơ quan Nhà nước, hộ gia đình, tổ hợp tác và những tổ chức khác… lại không có tư cách pháp nhân. Do đó, khi tham gia giao dịch dân sự, cần phải làm rõ đối với cơ quan Nhà nước cần phải quy định rõ ràng về tư cách pháp nhân, hay đối với hộ gia đình cũng cần phải hết sức cụ thể, rõ ràng… Nếu quy định chung chung, không xác định rõ, thì trong sẽ không hiệu quả và việc tổ chức thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về hình thức sở hữu ở Điều 206 theo dự thảo BLDS quy định 2 phương án: Phương án 1 xác định 3 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung; phương án 2 xác định 2 hình thức sở hữu là sở hữu riêng và sở hữu chung; đồng thời ghi nhận hình thức sở hữu đối với tài sản công thuộc sở hữu toàn dân là sở hữu chung hợp nhất do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Về quyền sở hữu quy định trong dự thảo Luật Dân sự, các ĐB đều tỏ ra không hài lòng, thậm chí dự thảo Luật đang mở quá rộng khiến nguy cơ luật chuyên ngành “chiếm dụng” cả Luật Dân sự. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đơn cử trong quyền sở hữu bất động sản và nhấn mạnh, thời điểm chứng nhận quyền sở hữu với bất động sản phải là thời điểm khai thuế trước bạ, được sự công nhận của Nhà nước đối với tài sản đó. Chứ không thể đưa ra quy định  kiểu “tiền trao cháo múc”, chỉ cần ký cam kết, giao tiền là công nhận quyền sở hữu thì không ổn. Đây là đặc thù nhân thân tài sản, nếu chúng ta dỡ bỏ quy định này thì sẽ khiến nảy sinh tranh chấp và rối loạn xã hội khó kiểm soát được. “Nếu quy định như vậy, thì cũng phải sửa Luật Hôn nhân gia đình, cần gì phải đưa nhau đi đăng ký kết hôn, chỉ cần làm đám cưới ăn ở với nhau đã thành vợ chồng rồi” - ĐB Trần Du Lịch nói.

ĐB Hà Công Long (Gia Lai) tán thành có 3 loại sở hữu, vì theo ĐB sở hữu toàn dân là loại hình sở hữu rất đặc thù của nước ta, không thể coi đó cũng như sở hữu chung được, sẽ gây nhầm lẫn. ĐB cho rằng trong các điều cụ thể rất nhiều chỗ nói đến tập quán, nên nếu không có quy định về tập quán trong luật sẽ không xử lý được những vấn đề cụ thể.

Về thời điểm xác lập quyền sở hữu, ĐB Long thiên về hướng theo pháp luật dân sự, có nhiều loại giao dịch mà tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong thực tiễn có nhiều lý do khách quan, chủ quan mà có quy định nếu không có giấy tờ thì rất khó giải quyết (Ví dụ, nhiều trường hợp có người đang sử dụng đất thì lại cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho người khác).

ĐB Lò Văn Muôn (Điện Biên) lại ý kiến về thời điểm chuyển quyền sở hữu. Theo ĐB, khi giao dịch dân sự giữa 2 người hoàn thiện thì lúc đó đã phát sinh quyền và nghĩa vụ, quyền sở hữu chuyển từ người A sang B. “Nay trong luật quy định phải đăng ký thì pháp luật mới bảo hộ, như vậy, đâu phải đăng ký xong thì mới hình thành quyền của họ với tài sản?”, ĐB Muôn nói.

Theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (đại biểu đoàn Quảng Bình) về thời điểm đăng ký chuyển quyền sở hữu thì trong bộ luật này quy định rất rắn, từ đó vướng víu rất nhiều luật cụ thể. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng hiện nay chỉ nên đặt ra việc chuyển quyền sở hữu có tính chất đối kháng, “anh không thể định đoạt được nếu giấy tờ chưa chuyển đăng ký cho anh. Chỗ này liên quan chặt chẽ đến rủi ro, thời điểm chuyển quyền sở hữu cũng đồng thời là thời điểm chuyển rủi ro. Ví dụ chuyển nhượng xong nhà thì nếu bị hỏa hoạn, sét đánh thì chủ mới phải chịu”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.

Ngoài ra, nhiều đại biểu ở các tổ đều đề nghị trong luật nên giải thích rõ một số thuật ngữ mới như: ngay tình, vật quyền, trái quyền,  điện dịch, quyền hưởng dụng để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện…

PHÚC THẮNG