QĐND - Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng tại Hà Nội, do Bác Hồ chủ trì đầu tháng 1-1959, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559 do Đại tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng. Ngày 19-5-1959 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 6-1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó, phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Bộ đội Đoàn 559 gùi hàng trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

 

Ngày 20-8-1959, chuyến hàng gùi thồ đầu tiên từ Khe Hó (Tây Nam Vĩnh Linh) vào bàn giao cho Liên khu 5 gồm: 20 khẩu súng tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường.

Những tên gọi khác của Bộ đội Trường Sơn

Từ ngày 19-5-1959 đến tháng 4-1965, tên gọi tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam là "Đoàn công tác quân sự đặc biệt", gọi tắt là Đoàn 559.

Từ ngày 3-4-1965, Đoàn 559 được nâng cấp tương đương Quân khu và tên gọi chính thức là Bộ tư lệnh 559. Từ thời gian này, bộ đội ta thường gọi "Đường dây 559" để chỉ giao liên Trường Sơn.

Từ năm 1965, báo chí phương Tây bắt đầu dùng tên gọi "Đường mòn Hồ Chí Minh" để chỉ đường Trường Sơn.

Từ sau Đại hội Mừng công năm 1967, tên công khai của Bộ tư lệnh 559 trên các phương tiện truyền thông là Đoàn vận tải Quân sự Quang Trung. Ký hiệu hòm thư là TQ 90.

Từ ngày 29-7-1970, Bộ tư lệnh 559 được Quân ủy Trung ương quyết định đổi tên là Bộ tư lệnh Trường Sơn và vẫn tương đương cấp Quân khu. Cũng từ đây, Quân ủy cũng quyết định: Các lực lượng của ta làm nhiệm vụ ở Trung và Hạ Lào đặt dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh Trường Sơn. Từ thời điểm này, Trường Sơn chính thức là một chiến trường (trải rộng trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia).

Từ năm 1973 trở đi, tên gọi thường xuyên chỉ các lực lượng chiến đấu của ta ở Trường Sơn (thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn) là Bộ đội Trường Sơn.

Kỷ lục bắn máy bay trên tuyến chi viện chiến lược

Ngày 24-7-1965, Tiểu đoàn 20 Cao xạ bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên Trường Sơn. Đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất trên Trường Sơn là Tiểu đoàn Cao xạ 36, bắn rơi 157 máy bay Mỹ.

Đại đội 4 súng máy 12,7mm là đơn vị hai lần được phong Anh hùng, bắn rơi 156 máy bay, bình quân mỗi chiến sĩ bắn rơi hai máy bay.

Ngày 3-3-1971, toàn tuyến Trường Sơn bắn rơi 40 chiếc máy bay của địch, riêng Tiểu đoàn 24 Anh hùng hạ tại chỗ 19 chiếc. Ngày 18-2-1971, trong 25 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 24 hạ tại chỗ 18 máy bay Mỹ (cả phản lực và trực thăng).

Máy thăm dò điện tử của Mỹ cũng bị lừa

Để đối phó với Bộ đội Trường Sơn, quân đội Mỹ đã phát minh ra một loại máy có khả năng phát hiện sự có mặt của con người bằng những tín hiệu thông qua mùi của nước tiểu. Mỹ rải máy thăm dò điện tử khắp vùng rừng núi Trường Sơn. Nhưng oái oăm thay, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", các cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn đã dùng nước tiểu của mình và kể cả nước tiểu của trâu, bò đựng trong các ống nứa, chum, vạt đặt rải rác trong rừng, xa nơi đơn vị đóng quân. Thế rồi, theo sự chỉ dẫn của máy thăm dò điện tử, từng tốp máy bay lao vào những nơi không có bóng người để trút bom, trong khi nơi bộ đội ta trú quân vẫn an toàn.

PHÚ QUÝ (theo tài liệu của Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh)