Trong hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh gay gắt, vấn đề xây dựng, bảo vệ thương hiệu quốc gia Việt Nam là yếu tố cốt lõi, tạo bệ phóng đưa hàng hóa Việt Nam vươn xa và nâng tầm giá trị thương hiệu Việt.

Bảo chứng cho chất lượng hàng hóa

Từ lâu, thương hiệu quốc gia đã trở thành bảo chứng cho chất lượng hàng hóa, định hình thái độ của người tiêu dùng khi tiếp cận sản phẩm. Với nhiều người Việt Nam, nếu chọn mua hàng điện tử, người ta sẽ ưu tiên lựa chọn hàng đến từ Nhật Bản; Hàn Quốc...; trên thị trường xe máy, ô tô hiện nay cũng vậy, nhiều người sẵn sàng chi trả cao hơn để sở hữu các thương hiệu tới từ Nhật Bản, Đức, Anh...

Đối với nước ta, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam ngày càng cao trong hội nhập quốc tế. Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới-Brand Finance, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có độ mở cao nhất thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN, thứ 40 thế giới. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong tốp 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.

leftcenterrightdel
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát được bình chọn là thương hiệu quốc gia trong nhiều năm. 

Giá trị thương hiệu quốc gia tăng vượt bậc ghi nhận sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam không ngừng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu DN, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Trong thời gian gần đây, uy tín một số mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam như gạo, cà phê, sầu riêng... gia tăng đáng kể, nhất là khi sản phẩm gạo ST25 hai lần liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon thế giới. Việt Nam cũng từng bước khẳng định tên tuổi trong những lĩnh vực đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đứng thứ 2 thế giới về sức mạnh thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông; thương hiệu ô tô điện Vinfast xuất hiện tại thị trường Mỹ; thương hiệu sữa Vinamilk cũng là một điển hình thành công xây dựng tại thị trường quốc tế...

Việt Nam đã được thế giới ghi nhận xuất khẩu rất nhiều sản phẩm với số lượng đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu nên hầu hết xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế. Vì vậy, không hiếm sản phẩm nguyên liệu Việt Nam nhưng phải mang tên thương hiệu của quốc gia khác. Ví như, cà phê Việt Nam là một trong những loại cà phê nổi tiếng thế giới, nhưng rất ít người tiêu dùng quốc tế biết rằng họ đang uống cà phê xuất xứ từ Việt Nam. Phần lớn cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở dạng hạt cà phê sống, chưa qua rang xay và đóng gói. Thay vào đó, họ biết đến các thương hiệu cà phê từ các quốc gia như Mỹ (Starbucks) hoặc Thụy Sĩ (Nestlé), trong khi nguyên liệu lại được nhập khẩu từ Việt Nam.

Nâng cao nhận thức về phát triển thương hiệu

Việt Nam đã và đang hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Sản phẩm của chúng ta có nhiều lợi thế về ưu đãi, về thuế quan, về thâm nhập thị trường. Vì thế, để thương hiệu của Việt Nam mạnh hơn nữa, mở thêm nhiều cơ hội cho sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam vươn tầm quốc tế không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của DN mà cần chiến lược tổng thể, sự vào cuộc của Chính phủ, tất cả bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN.

PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, tư duy làm ăn mới phải có thương hiệu, có uy tín. Như vậy giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam nói riêng, thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung được nâng lên. Nhưng muốn có được thương hiệu, từ quy mô quốc gia, ngành hàng, DN cần phải làm thường xuyên, chuyên nghiệp, bài bản. Trong đó, các bộ, ngành chức năng nên có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện về quảng bá, định hướng tiêu dùng; xúc tiến, phát triển thương hiệu quốc gia.

Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và DN để triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Mục tiêu là hướng tới xây dựng các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN mạnh của quốc gia Việt Nam. Từ đó xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) giải pháp đầu tiên là cần nâng cao nhận thức của xã hội, DN và toàn thể người dân về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Khi hình thành thương hiệu mạnh đồng nghĩa với việc gia tăng giá trị xuất khẩu. Tiếp đó là có giải pháp hỗ trợ DN Việt Nam có năng lực xây dựng và quản trị, phát triển thương hiệu sản phẩm; cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chí.

Đối với DN, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng, DN cần tổng hòa 3 giá trị cốt lõi để mang lại thương hiệu mạnh. Đầu tiên là chất lượng sản phẩm, đây là yếu tố quyết định giá trị thương hiệu. Cùng với đó là đổi mới sáng tạo, phát huy khả năng sáng tạo trong việc thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng, đồng đều, ổn định, mang tính bền vững... Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu mạnh phải mang tính tiên phong. Trong cùng lĩnh vực ngành hàng, thương hiệu này mạnh hơn các thương hiệu khác, đó chính là yếu tố tiên phong. Yếu tố tiên phong thể hiện thông qua uy tín của người đứng đầu thương hiệu, sở hữu thương hiệu, sản phẩm; tiềm lực về tài chính, đầu tư và dẫn dắt...

Bài và ảnh: KHÁNH AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.