Các cấp ngành và doanh nghiệp cần có những giải pháp để bảo vệ thương hiệu trước tình trạng này như thế nào?
Ngày 30-6, tại Hà Nội, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm "Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ". Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý, đại diện doanh nghiệp cùng nhận diện kỹ lưỡng hơn về những phương thức, thủ đoạn tinh vi mới, đồng thời trao đổi những biện pháp mới nhằm tăng cường bảo vệ thương hiệu và doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả hơn những hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay.
Vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, gia tăng
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện và phổ biến trên các kênh thương mại điện tử với tốc độ và quy mô ngày càng lớn khiến cho lực lượng chức năng rất khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý. Vấn nạn này, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng mà còn gây tác động tới giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. “Sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, tinh vi”-ông Trần Hữu Linh thừa nhận.
 |
Quang cảnh tọa đàm. |
Theo ông Trần Hữu Linh, sự phức tạp, tinh vi này thể hiện ở cả 3 khía cạnh, bao gồm các vấn đề vi phạm về thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm; chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phương thức kinh doanh sản phẩm, hàng giả, hàng nhái. Những vụ việc lớn, các phương thức sản xuất, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng có tổ chức, phạm vi rộng khắp.
"Bây giờ đối tượng làm hàng giả rất tinh vi và nghiên cứu pháp luật rất kỹ để luồn lách qua cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi. Rất nhiều sản phẩm hàng giả được làm giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc này, để xử lý những tranh chấp mất rất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng như chúng tôi còn bị các đối tượng đấy kiện ngược lại", ông Linh chia sẻ.
Doanh nghiệp cần chủ động phát hiện, thông báo các trường hợp vi phạm
Trao đổi tại tọa đàm, các ý kiến nhấn mạnh, hiện nay, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của Việt Nam khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc thực thi các chế tài trong thực tế cần hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, muốn bảo vệ thương hiệu thì chính doanh nghiệp phải chủ động.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, để phòng ngừa các hành vi vi phạm, công ty tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối và người tiêu dùng. Đối với thương hiệu sản phẩm của mình, công ty luôn có những thông báo, phổ biến đặc điểm phân biệt rõ ràng về thông tin bảng thành phần cũng như các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra các logo, nhãn sản phẩm cũng như tem sản phẩm.
Công ty cũng luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện các hàng hóa của công ty có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái, công ty chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm sở hữu trí tuệ hay không và từ đó đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp.
 |
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. |
Để nâng cao hiệu quả trong việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong thời gian tới, ông Trần Hữu Linh cho hay, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, các ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm; triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.
Cùng với đó, ông Trần Hữu Linh cho rằng, tất cả các chủ thể, từ người sản xuất, người bán cho đến người tiêu dùng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp cần chủ động phối hợp trực tiếp với các lực lượng chức năng, lực lượng thực thi như quản lý thị trường để cung cấp thông tin hàng giả, phối hợp kiểm tra, xử phạt, xử lý ngay.
VŨ DUNG