QĐND - Sáng 24-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An toàn thông tin. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn để bảo đảm an toàn thông tin của cá nhân, của cơ quan Nhà nước cũng như các tổ chức khác, đặc biệt trong môi trường internet. Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) và nghe tờ trình về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ngăn chặn tán phát thông tin cá nhân trái phép

Bảo vệ thông tin cá nhân trên internet là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự thảo Luật An toàn thông tin. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đồng tình với nguyên tắc được nêu trong dự thảo luật là thông tin của cá nhân thì cá nhân phải bảo vệ trước. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thu thập thông tin nhưng sử dụng sai mục đích ban đầu và làm tán phát thông tin cá nhân khi không được phép của người cung cấp thông tin. “Thực tế hiện nay cho thấy việc tán phát thông tin cá nhân đang xảy ra và gây những tác hại, khó truy trách nhiệm của các cá nhân hay tổ chức thu thập làm tán phát thông tin”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương bày tỏ. Để ngăn chặn việc thông tin bị tán phát ngoài ý muốn của cá nhân, đại biểu cho rằng, cần có quy định đối tượng có yêu cầu thu thập thông tin cá nhân phải được kiểm tra và chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn thông tin trước khi tiến hành thu thập.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), việc quy định cá nhân có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin của mình là không sai nhưng cần đặt trong bối cảnh trên thị trường hiện có nhiều thiết bị có khả năng kết nối internet nhưng mắc lỗi phần cứng và phần mềm, dính lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Vì vậy, đại biểu cho rằng, nếu đòi hỏi người dùng phải có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cho chính mình khi sử dụng dịch vụ và các thiết bị này là quy định đánh đố, cần phải xem lại. Đại biểu đặt vấn đề: Ai kiểm soát cho phép nhập khẩu và bày bán? Ai kiểm định các thiết bị có an toàn, có cài đặt mã độc hay không? Làm sao để kiểm soát, kiểm tra, dán tem hợp chuẩn cho các thiết bị đã và đang lưu hành hiện nay? “Chí ít là đưa ra lời khuyên, khuyến cáo một cách rõ ràng cho người dùng internet, làm sao kiểm soát được các thông tin phản động, sai lệch, đồi trụy”, đại biểu Phạm Trọng Nhân băn khoăn. Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu thực trạng, tấn công mạng diện rộng là nguy cơ diễn ra hằng giờ, hằng ngày và có mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Đặc biệt các mục tiêu nhắm đến hiện nay là hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo cần quan tâm và dành một dung lượng phù hợp để chế định thêm các nội dung bảo mật, bảo an một cách đặc biệt cho hệ thống thông tin mạng và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Dẫn chứng về những sự việc thông tin cá nhân nhạy cảm bị tán phát, gây tác hại nghiêm trọng đến đời sống thanh thiếu niên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) quan tâm đến việc giảm thiểu các tác động xấu, mặt trái của internet, mạng xã hội lên đối tượng này. Đại biểu mong rằng, dự thảo luật sẽ bổ sung thêm về các quy định đối với việc bảo vệ thông tin riêng trên mạng. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) chia sẻ, mỗi lần vào internet đều thấy bất an bởi cảm giác truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát, thậm chí thông tin của mình bị sử dụng vào mục đích của riêng họ. Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định các nhà cung cấp dịch vụ phải công khai minh bạch những ứng dụng, những liên kết cho người sử dụng dịch vụ. Đồng thời, luật cần tập trung điều chỉnh vào những hành vi thu thập, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân trên mạng, kể cả mục đích thương mại và phi thương mại.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) lưu ý, để kiểm soát thông tin được trọn vẹn, dự thảo luật cần đưa thêm quy định về chống thoái thác thông tin, bảo đảm mọi thông tin đều có thể truy nguồn. Theo đại biểu, đây là một điều kiện để hài hòa việc tôn trọng riêng tư cá nhân, nhưng đồng thời bảo đảm lợi ích chung. Quy định này sẽ làm giảm những luồng tin sai gây bất ổn trong xã hội, góp phần xây dựng nề nếp trao đổi thông tin văn minh hơn. Ngoài việc tạo hành lang pháp lý để Chính phủ can thiệp và kiểm soát từng gói tin, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh, luật nên quy định rõ các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phải có khả năng truy đến tận gốc vấn đề về an toàn thông tin mạng. Luật cũng cần tạo ra hành lang pháp lý để Chính phủ đầu tư, giám sát an toàn thông tin quốc gia một cách thường xuyên, liên tục.

Trình Quốc hội về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân tối cao

Chiều 24-6, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, số lượng nhân sự được giới thiệu gồm 15 người. Trong đó, có 5 người là Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao đương nhiệm, 7 người từ nguồn nhân sự trong các tòa án nhân dân và 3 người được giới thiệu từ nguồn nhân sự khác ngoài tòa án nhân dân.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, số lượng nhân sự được giới thiệu bảo đảm quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014. Báo cáo thẩm tra cũng khẳng định, Tòa án nhân dân tối cao có vị trí rất quan trọng, là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc xét xử của Tòa án nhân dân tối cao do các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực hiện, vì vậy việc tuyển chọn nhân sự làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải bảo đảm hết sức thận trọng, tuyển chọn được những người thực sự xứng đáng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp, lòng tin của Đảng, nhân dân, tòa án.

Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Khí tượng thủy văn. Ngày 25-6, Quốc hội tiếp tục làm việc.

MẠNH HƯNG