Liên quan đến quy trình lập quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phân tích: Theo dự thảo, quy trình quy hoạch đang được thực hiện theo trình tự cấp cao làm trước, cấp dưới làm sau. Cụ thể, sau khi lập quy hoạch quốc gia, như quy hoạch không gian biển, quy hoạch ruộng đất xong mới chuyển đến lập quy hoạch ngành, sau đó lập quy hoạch vùng quốc gia, cuối cùng mới đến quy hoạch tỉnh.
Theo đại biểu TP Hà Nội, trình tự quy hoạch này có những điều cần tính đến. Thứ nhất, qua thực tiễn cho thấy, thời gian để hoàn thành toàn bộ quy hoạch từ cấp cao đến cấp thấp nhất (cấp tỉnh), đặc biệt là các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, không thể dưới 5 năm. Đại biểu ví dụ, ngay tại Hà Nội, quy hoạch chung TP Hà Nội đã được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay nhiều huyện vẫn chưa có quy hoạch. Ngoài ra, sau khoảng 5 năm, khi quy hoạch đến cấp dưới thì quy hoạch cấp trên lại đến kỳ điều chỉnh, do đó, không có căn cứ để đầu tư.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội). Ảnh: PHƯƠNG THẢO.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, quy định quy hoạch cấp dưới khi gặp vấn đề mâu thuẫn cũng phải điều chỉnh để tuân thủ quy hoạch cấp trên, sẽ dẫn đến khó phù hợp với thực tế. Do đó, để tránh tình trạng quy hoạch theo kiểu “miễn cưỡng”, đại biểu đề nghị cần tích hợp ngay trong quá trình lập quy hoạch các cấp theo quy trình “2 xuống, 1 lên”. Nghĩa là, lập dự thảo quy hoạch từ cấp cao đến cấp dưới; điều chỉnh quy hoạch cấp dưới xong thì đề xuất điều chỉnh quy hoạch cấp cao hơn. Sau đó, phê duyệt quy hoạch thì từ cấp cao xuống cấp thấp: Quy hoạch quốc gia rồi đến quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đại biểu cho rằng, nếu tiến hành đồng thời như trên thì chỉ trong thời gian 2-3 năm sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch.
Băn khoăn về quy hoạch ngành, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, nếu theo dự thảo thì mạnh ngành nào ngành ấy quy hoạch, khó khắc phục được tình trạng quy hoạch không thống nhất. Đại biểu kiến nghị quá trình lập quy hoạch nên từ cấp cơ sở mới đến cấp quốc gia, để tránh chồng chéo, quy hoạch chồng quy hoạch.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TTXVN.
Liên quan đến trách nhiệm tổ chức, đại biểu cho biết: Điều 15 dự thảo luật quy định, Chính phủ tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch vùng; các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh. Thế nhưng, trong Điều 16 lại quy định: Cơ quan lập quy hoạch phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt. Như vậy, theo đại biểu, sẽ phát sinh ra một cơ quan, đơn vị gọi là “cơ quan lập quy hoạch”. Đại biểu đặt câu hỏi cơ quan này ở đâu, ai lập ra, có đủ nhân lực, năng lực đứng ra chịu trách nhiệm quy hoạch tất cả các ngành hay không? Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần xem xét, nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này.
Một số ý kiến cho rằng, quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 20 năm là chưa hợp lý, đối với quy hoạch quốc gia mà thời kỳ quy hoạch là 10 năm thì quá ngắn không ổn định cho phát triển lâu dài, do đó thời kỳ quy hoạch cần thống nhất cho từng cấp quy hoạch và mỗi cấp quy hoạch có thời kỳ liền kề nhau, hơn kém nhau 5 năm là hợp lý. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, hiện nay, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng đang có thời kỳ 10 năm. Quy hoạch là việc cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc quy định thời kỳ quy hoạch 10 năm cùng với thời kỳ của Chiến lược để bảo đảm sự thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Điều 8 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng điều chỉnh tầm nhìn của các quy hoạch dài hơn, cụ thể tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm để bảo đảm tính kế thừa, ổn định lâu dài của quy hoạch.
PHƯƠNG THẢO