QĐND Online - Ngoài xã Long Phú (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) xảy ra tình trạng thương lái thu mua lá mãng cầu xiêm, phóng viên ghi nhận, hiện nay, tình trạng trên còn xuất hiện ở các địa phương khác của tỉnh Hậu Giang và Tiền Giang.

Thương lái đến nhiều nơi mua lá mãng cầu xiêm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do giá khá hấp dẫn (từ 10.000-15.000 đồng/kg đối với lá tươi, từ 35.000-45.000 đồng/kg đối với lá khô) nên thời gian qua, người dân ở xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã tước lá mãng cầu xiêm để bán cho thương lái. “Thương lái đến năn nỉ hoài, lá cây tốt không bán thì tiếc nên gia đình tôi đã hái lá tươi bán. Bán được vài lần, thấy cây bị chặt nhiều nhánh quá nên tôi tạm ngưng” – ông Võ Văn Nuôi, ngụ ở xã Hòa Mỹ nói.

Còn ông Nguyễn Hoàng Khánh, ngụ ở xã Tân Phú (huyện Long Mỹ) thì thông tin, ông có khoảng 200 cây mãng cầu xiêm, từ việc bán lá ông đã thu được hàng chục triệu đồng. Sau khi bán lá già, cây vẫn ra lá non và phát triển bình thường.

Không chỉ ở Hậu Giang, mấy ngày qua, nhiều thương lái còn đến các xã thuộc huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) – nơi có diện tích trồng mãng cầu xiêm lớn nhất vùng ĐBSCL (khoảng 800ha) để thu mua lá mãng cầu xiêm. Điều đang nói là giá thu mua lá mãng cầu xiêm nơi đây từ 40.000-50.000 đồng/kg lá tươi, tức cao gấp 4 hoặc 5 lần so với giá bán ở tỉnh Hậu Giang.

Lá mãng cầu xiêm ở xã Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) được thương lái phơi khô, cho vào bao chưa về tỉnh Bình Dương tiêu thụ

Bà Trần Thị Bích, ngụ ở ấp Tân Hòa (xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông) cho biết: “Tôi vừa bán 14 kg lá mãng cầu xiêm tươi cho thương lái với giá 50.000 đồng/kg. Tôi trồng đến 130 cây và chỉ lựa chọn những cây có là già mới tước bán lấy tiền mua phân thuốc bón cho cây phát triển thêm chứ không bán hết lá. Không riêng gì tôi mà ở đây nhiều gia đình bán lá lắm”.

Theo hướng dẫn của bà Bích, phóng viên đã tìm hiểu thêm một số chủ vườn mãng cầu xiêm và được biết các thương lái mua với số lượng lớn để chở về Bình Dương. Cũng như mua lúa, các thương lái đã đặt cọc tiền trước cho người dân và hẹn ngày đến lấy lá. Sau khi mua tại nhà dân, những thương lái này phân loại, rửa sạch phân, thuốc, côn trùng rồi đem đi phơi khô.

Mua về làm trà chữa bệnh

Một thương lái thu mua lá ở xã Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) cho biết, sau 3 ngày thu mua đã được 600kg lá tươi. Sau khi phơi lá khô sẽ đưa về Bình Dương pha chế thành trà và bán ra thị trường. Loại trà này có thể ngừa được nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Nếu việc thu mua không có gì trở ngại, sẽ tiếp tục mua với số lượng lớn.

Ông Hồ Quốc Thống, Phó Công an xã Tân Thạnh thông tin: “Việc thương lái đến xã thu mua lá mãng cầu xiêm là có. Tuy nhiên, vừa có 2 thương lái đã bỏ đi nơi khác. 2 thương lái này còn thiếu tiền mua lá tươi của một người dân ở ấp Tân Lập trên 1 triệu đồng”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, việc thu mua lá mãng cầu xiêm có thể giống với việc mua đọt khoai lang, râu bắp (ngô), ốc bươu vàng, cây sương sáo…với giá cao. Khi người dân mở rộng diện tích thì đột ngột biến mất. Người dân cần đề phòng vì chưa xác định được thương lái mua lá mãng cầu xiêm để làm gì. “Hiện nay, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn và các địa phương tăng cường kiểm tra việc mua bán lá mãng cầu xiêm, tránh tình trạng bán lá, làm ảnh hưởng nặng nề đến năng suất sau này”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang nói.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện Trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: “Việc người dân bán lá mãng cầu xiêm sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất trái và cả tuổi thọ của cây. Thời gian này là mùa khô, mặn đang xâm nhập nhiều thì việc tước lá bán càng ảnh hưởng đến cây hơn. Bà con nông dân đừng thấy giá lá mãng cầu cao mà ào ạt tước bán, có thể sẽ bị thiệt hại cho cây sau này”.

Bài, ảnh: HUỲNH VĂN XÂY