QĐND Online – Sáng 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…
 |
Thảo luận tại Tổ 4. |
Chưa làm tốt công tác tuyên truyền khi ra luật
Khi thảo luận về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các đại biểu đều đồng tình và khẳng định nội dung quy định tại Điều 60 về bản chất là tốt. Nội dung Điều 60 phù hợp với xu hướng phát triển chung, đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quy định này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến cuộc sống trước mắt của người lao động mà còn chăm lo đến cuộc sống khi về già của người lao động, khi mà người lao động không còn sức lao động, không thể làm việc, cần được quan tâm bảo vệ nhiều nhất. Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) khẳng định bản chất tốt đẹp của Điều 60 và cho rằng một phần nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng vừa qua là do chưa làm tốt khâu tuyên truyền để người dân hiểu.
Việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên người lao động chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đặc biệt là quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần. Cùng chung quan điểm này, đại biểu Trần Văn Bản (đoàn Bình Định) cho rằng, Điều 60 chưa thực hiện mà đã có phản ứng là do công tác tuyên truyền chưa được tốt. Những người không có tiền lương cho tuổi già sẽ rất vất vả khi về già, vất vả cho cả con cái nếu gia đình gặp khó khăn.
Các đại biểu cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng phản ứng của một bộ phận người dân là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già, nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội để làm vốn về quê làm ăn.
Các đại biểu đều cho rằng cần cân nhắc kỹ Điều 60 để đảm bảo được tốt hơn cho quyền lợi, cuộc sống người lao động. Nhiều đại biểu đề nghị sửa như đề xuất của Chính phủ và Báo cáo ý kiến của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Quốc hội sớm cho Chính phủ thực hiện biện pháp xử lý tình huống. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) đề xuất không sửa Điều 60 mà ra Nghị quyết tạm dừng điểm a, khoản 1, Điều 60 và khoản a, điểm 1, Điều 77 để chờ sửa luật.
Sớm khắc phục tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành luật
Bàn về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 các đại biểu đều cho rằng, thời gian qua, việc xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng tình cơ bản với dự kiến chương trình, đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng mấy kỳ họp vừa qua Quốc hội đã cho ý kiến và thông qua một lượng dự án luật kỷ lục trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Tuy khối lượng nhiều nhưng chất lượng nội dung vẫn được bảo đảm, từng bước nâng cao. Đây là kết quả tích cực của sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo và Quốc hội. Một trong những nguyên nhân là đã huy động sự tham gia tích cực của các đại biểu chuyên trách, ngoài ra còn có một điểm mới đó là hình thức tổ chức trực tuyến, tiết kiệm được thời gian lại lấy được nhiều ý kiến. Từ đó, đại biểu Dũng đề nghị công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ và thẩm tra của Quốc hội phải khẩn trương hơn để tài liệu sớm đến tay các đại biểu; cùng với đó là tăng cường hơn nữa hoạt động của đại biểu chuyên trách.
 |
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) phát biểu ý kiến. |
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đồng tình với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian vừa qua. Đại biểu Minh cho rằng, đã có nhiều tiến bộ từ công tác soạn thảo, thẩm định đến chất lượng văn bản luật. Tuy nhiên, theo đại biểu Minh còn một vấn đề tồn đọng quá lâu chưa khắc phục được đó là việc ra văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật. Đây là vấn đề cần được quyết liệt khắc phục trong thời gian tới.
Đóng góp vào Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các đại biểu đều khẳng định giám sát của cơ quan dân cử là chức năng rất quan trọng, nếu làm tốt sẽ tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nhiều đại biểu cho rằng cần quy định sao cho tránh “bó chân, bó tay” các cơ quan dân cử. Nhiều đại biểu chỉ ra cần có chế tài để nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát.
Bài và ảnh: XUÂN DŨNG