Không chỉ giúp giảm thời gian di chuyển, tăng năng lực vận tải, phát triển HTGT còn là cơ sở để Quảng Ninh tăng lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư, mở rộng giao thương.

Nối dài những tuyến đường cao tốc

Nhìn từ trên cao, cầu Tiên Yên như một dải lụa, uốn lượn giữa làn nước trong xanh, hòa mình với cảnh quan thiên nhiên, vươn xa về phía đường chân trời. Cầu vượt biển dài hơn 1,5km này vừa được hợp long vào tháng 12-2021 là cầu lớn nhất trên tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. Từ điểm cuối của cao tốc Hạ Long-Vân Đồn hiện tại, tuyến đường tiếp tục được nối dài đến Móng Cái để hình thành trục cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam, khẳng định khát vọng vươn lên mạnh mẽ, mở rộng cánh cửa kết nối, khơi dậy động lực phát triển.

Cầu Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hải Phòng-Hạ Long. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Khởi công từ tháng 4-2019, sau hơn hai năm thi công, dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đang bước vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho ngày về đích. Lực lượng, phương tiện đang được các nhà thầu huy động tổng lực trên công trường. Những chiếc máy lu, máy rải hoạt động hết công suất đưa tuyến đường dần hiện rõ hình hài.

Ông Lê Văn Chính, Đội trưởng thi công (Công ty TNHH Hoàn Hảo)-một trong những nhà thầu chính tham gia dự án cho biết, công nhân trên công trường làm việc 3 ca liên tục, máy móc, thiết bị được huy động gấp 3-4 lần so với đăng ký ban đầu để đẩy nhanh tiến độ. Tại mặt bằng thi công cầu Đài Van, một trong những cây cầu lớn trên tuyến, những cánh tay cần cẩu vươn cao, cẩn thận nâng phiến dầm đặt lên gối cầu. Từng nhịp cầu được hoàn thành lắp đặt, nối liền đôi bờ. Hiện nay, các đơn vị thi công đang chuẩn bị cho công tác thảm bê tông nhựa mặt cầu và các hạng mục phụ trợ, như: Lan can, giải phân cách, chiếu sáng...

Theo ông Vũ Hải Long, kỹ sư tư vấn giám sát dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, tuyến đường có chiều dài hơn 80km được chia thành hai đoạn là Vân Đồn-Tiên Yên và Tiên Yên-Móng Cái. "Quá trình thi công gặp một số khó khăn do thời tiết mưa nhiều, địa chất phức tạp, đi qua các khu vực đầm lầy, bãi triều, cửa sông. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các đơn vị tham gia, tiến độ chung dự án đã hoàn thành hơn 90%, hướng đến thông xe vào tháng 4-2022", ông Vũ Hải Long chia sẻ.

Với việc nối dài cao tốc đến Móng Cái, Quảng Ninh là tỉnh có tuyến cao tốc dài nhất cả nước hiện nay, kết nối các khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển. Đồng thời, tạo lợi thế nổi trội để Quảng Ninh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) khi Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa ngõ giao thương với các nước ASEAN và Đông Bắc Á được liên thông trực tiếp với hệ thống đường cao tốc.

Giao thông đồng bộ, kết nối liên thông

Đến nay, hệ thống HTGT của tỉnh Quảng Ninh được đánh giá tương đối hoàn chỉnh, hiện đại, liên thông tổng thể với các phương thức vận tải đa dạng, bảo đảm kết nối nhanh với khu vực và quốc tế.

Bên cạnh hệ thống đường bộ cao tốc, Quảng Ninh cũng chú trọng đầu tư các dự án hạ tầng hàng không, cảng biển. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn đạt tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế với công suất 2,5 triệu lượt hành khách/năm được đưa vào khai thác từ tháng 12-2018. Đây là cảng hàng không đầu tiên trên cả nước được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), trở thành cửa ngõ kết nối Quảng Ninh với thế giới thông qua phương thức vận tải hiện đại.

Cảng HKQT cũng tạo lợi thế riêng có để khai thác và phát triển khu kinh tế Vân Đồn với định hướng trở thành đô thị biển, đảo xanh, hiện đại, thông minh, bền vững, phát triển tổ hợp du lịch-dịch vụ đẳng cấp cao, tạo động lực tăng trưởng, tối ưu hóa nguồn lực.

Quảng Ninh cũng thành công trong việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long theo hình thức xã hội hóa. Đây là công trình giao thông bến cảng đường biển cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, có thể tiếp nhận cùng lúc 2 tàu du lịch sức chở 6.500 hành khách mỗi tàu, thuộc loại tàu khách lớn nhất thế giới hiện nay.

Vào tháng 10-2021, cảng biển tổng hợp Vạn Ninh đã được khởi công xây dựng tại TP Móng Cái. Công trình này vừa là bến cảng cho tàu chở khách, vừa tiếp nhận tàu chở hàng trọng tải đến 20.000 tấn, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý IV-2024.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030) và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025) của tỉnh đã xác định: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Để hiện thực hóa chủ trương này, Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) với các công trình trọng điểm.

Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục khởi công các dự án, như: Đường ven sông kết nối từ cao tốc Hải Phòng-Hạ Long đến thị xã Đông Triều với chiều dài hơn 41km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; đường ra cảng Hòn Nét-Con Ong, đường gom dọc cao tốc, phối hợp với TP Hải Phòng xây dựng cầu Rừng... Đồng thời, nghiên cứu để sớm triển khai một số tuyến chính, gồm: Cao tốc Nội Bài-Hạ Long, cao tốc Lạng Sơn-Tiên Yên; đường sắt Hải Phòng-Hạ Long, Hạ Long-Móng Cái, các công trình giao thông kết nối liên vùng, hoàn thiện hạ tầng cảng biển...

Thành công từ huy động nguồn lực

Một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công trong phát triển HTGT ở Quảng Ninh là huy động nguồn lực. Các dự án hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay ODA ngày càng khó khăn vì nhiều điều kiện ràng buộc.

Từ năm 2013, với quan điểm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nghị quyết, quyết định, đặc biệt là mạnh dạn áp dụng mô hình triển khai dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 5-12-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đặt nền móng cho việc thí điểm áp dụng hình thức đầu tư công-tư với các mô hình như "đầu tư công-quản lý tư", "đầu tư tư-sử dụng công"...

Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu HTGT của tỉnh từ năm 2013 đến nay đạt hơn 135.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn huy động từ các dự án theo phương thức PPP khoảng 43.000 tỷ đồng.

Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đang được thi công khẩn trương, dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2022. Ảnh: PHƯƠNG HIỀN 

Chia sẻ về kinh nghiệm huy động vốn xã hội hóa qua thực tế triển khai các dự án HTGT, ông Nguyễn Văn Chinh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai đầu tư đường bộ cao tốc, cảng HKQT, Quảng Ninh đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện dự án, có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo UBND tỉnh, cùng sự tham gia hỗ trợ chuyên môn của Bộ GTVT đối với các dự án có tính chất kỹ thuật, công nghệ phức tạp như cầu Bạch Đằng, Cảng HKQT Vân Đồn...

"Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, nhất là giải quyết thủ tục về quy hoạch, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, có các chính sách hỗ trợ và đồng hành với nhà đầu tư đã được thể hiện rõ trong các dự án tỉnh Quảng Ninh thực hiện", ông Nguyễn Văn Chinh chia sẻ. Để thu hút được nhà đầu tư, dự án phải bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thực tế. Nhờ đi tiên phong trong việc kết hợp giữa đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa đã giúp các dự án HTGT ở Quảng Ninh tăng thêm sức hấp dẫn...

 (còn nữa)

 TRUNG KIÊN - MẠNH HƯNG - ĐỨC THỊNH