Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa

Thực hiện chính sách phòng, chống dịch Covid-19, nhiều DN phải ngừng, tạm ngừng hoạt động. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn, thậm chí đóng băng. Người tiêu dùng phần đông cũng bị sụt giảm thu nhập vì không có hoặc thiếu việc làm nên nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giảm theo. Những yếu tố đó tác động trực tiếp tới doanh thu của DN. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất như vậy, DN không thể cáng đáng nổi những khoản chi phí tài chính như lãi vay, nếu các khoản chi này vẫn duy trì như khi thị trường bình thường.

Công nhân trong ca sản xuất tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) sau đợt dịch Covid 19 vừa qua. Ảnh: QUANG VINH 

6 tháng đầu năm 2021, NHNN Việt Nam tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, DN và nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4-2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12-2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.

Đặc biệt, thực hiện Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, đến ngày 31-5-2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng.

Hỗ trợ doanh nghiệp cần công bằng, thực chất

Năm 2020, Quốc hội và Chính phủ thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói hỗ trợ này đã giúp người dân, nhất là người lao động thuộc các DN bị mất việc làm do dịch bệnh vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để phòng, chống trục lợi chính sách, điều kiện được nêu ra để hưởng gói hỗ trợ này rất rõ ràng và chặt chẽ, trong đó có điều kiện DN phải có doanh thu giảm 30% và lao động giảm 50%. Nhiều DN cho rằng, điều kiện như vậy là quá khó, vì nếu doanh thu giảm tới 30% và lao động giảm 50% thì DN đã phải đóng cửa, không thể duy trì hoạt động.

Mới đây, khi thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và xem xét hiệu quả của các gói chính sách giảm thuế thu nhập DN, bởi tỷ lệ DN chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản được hưởng các chính sách hỗ trợ còn rất thấp.

Đánh giá về gói hỗ trợ này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có tính toán kỹ hơn về điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ như gói 62.000 tỷ đồng. Các DN đã nỗ lực rất lớn trong việc trụ vững qua đại dịch cũng rất cần được hỗ trợ, vì không phải họ không khó khăn, thậm chí có DN còn rất khó khăn. Trong khi đó, không loại trừ trường hợp có những DN thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ vì phải ngừng hoạt động, không phát sinh doanh thu, nhưng dù họ có được hỗ trợ cũng không thể vực dậy hoạt động được. Những trường hợp này càng hỗ trợ càng gây lãng phí nguồn lực. Vì vậy, khi tính toán các gói hỗ trợ, Chính phủ cần phân tích thật kỹ các nhóm đối tượng và điều kiện được hưởng hỗ trợ. Trong đó nên có chính sách ưu tiên các DN cần hỗ trợ để tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động, đồng thời cũng là một cách để nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN.

Với những giải pháp miễn giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, phí, lệ phí, giảm lãi suất ngân hàng, DN được hỗ trợ những khoản tài chính rất đáng quý để vượt qua giai đoạn khó khăn. DN rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, bởi dịch Covid-19 vẫn đang gây rất nhiều khó khăn cho DN.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu DN như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho DN, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.

Bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Lữ hành quốc tế Việt Nam Number One chia sẻ, hiện tại DN được cơ quan thuế hỗ trợ về chính sách gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP. Về mặt kiến nghị chính sách, bà Lê Nguyễn Hồng Phương đề xuất tạm hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế không thực sự cần thiết (vì kiểm tra thuế tại trụ sở của DN thì mất rất nhiều thời gian, nguồn lực để chuẩn bị hồ sơ, giải trình và đón tiếp đoàn kiểm tra) vì vậy, nếu DN có rủi ro về thuế không cao thì có thể trì hoãn và lên kế hoạch sau. Song song với đó, cần nâng cao các dịch vụ thuế điện tử để giúp các DN hạn chế trình tự thủ tục cồng kềnh khi kê khai.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách giảm tiền thuê đất đối với các địa điểm bị đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như năm 2020.

Phối hợp đa ngành để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó


Về lâu dài, thu NSNN phụ thuộc lớn vào tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường; những tác động tiêu cực như chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, thiên tai, dịch bệnh... diễn ra trên quy mô toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và thu NSNN của Việt Nam. Do đó, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ DN phát huy tất cả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, góp phần tăng thu NSNN trong dài hạn. Đặc biệt, phối hợp để nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu ngân sách và quản lý thu theo hướng bao quát toàn bộ nguồn thu, không bỏ sót nguồn thu, rà soát, mở rộng cơ sở thuế, tăng cường tính minh bạch, chống chuyển giá, trốn thuế; đồng bộ hóa cơ chế, chính sách thu NSNN với các chính sách khác, kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân; đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giúp thu hút đầu tư. Điều đó vừa giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thu NSNN, vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Ngoài ra, việc thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế cũng là một giải pháp quan trọng cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Mới đây, phát biểu tại Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tới yêu cầu triển khai sớm và tổ chức thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế. Trong đó chú trọng công tác chống thất thu thuế, chống chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế, tổng kết thực hiện hóa đơn điện tử và giao dịch xuyên biên giới... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không lạm thu thuế nhưng phải bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Các luật về thuế cần được sửa đổi để tạo dư địa nhiều hơn cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, để DN phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu.

Covid-19 gây khó khăn không chỉ trong thời gian trước mắt. Những hệ lụy của dịch bệnh sẽ còn gây khó khăn trong vài năm tới với các DN cũng như cả nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Chỉ trong thời gian ngắn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vừa qua, nhiều DN đã bị “thổi bay” toàn bộ tài sản tích lũy được trong hàng chục năm nên việc phục hồi với các DN này đòi hỏi thời gian rất dài. Trong khi đó, “sức khỏe” của DN chính là thước đo “sức khỏe” của nền kinh tế, cũng là sự bảo đảm cho nguồn thu của NSNN. Mong rằng, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ người dân, DN những giải pháp mang tính căn cơ, dài hơi hơn, chống trục lợi chính sách để bảo đảm công bằng trong hỗ trợ. Có như vậy, nguồn thu NSNN mới được bền vững, lâu dài.

Nhóm phóng viên Phòng BT KT-XH-NC