QĐND - Tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy các tỉnh vùng Tây Nguyên đã tập trung lãnh đạo, giải quyết có hiệu quả các vấn đề đã và đang đặt ra, nhằm đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Tìm hiểu trên thực tế cho thấy, tùy vào tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương mà mỗi tỉnh vùng Tây Nguyên đề ra những giải pháp phù hợp, bảo đảm sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. Cụ thể, tại tỉnh Đắc Lắc, được xác định là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất nước, với diện tích hơn 217.000ha, chiếm gần 40% diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước, theo đánh giá của UBND tỉnh Đắc Lắc, thời gian gần đây, việc sản xuất và xuất khẩu cà phê của địa phương đã đạt nhiều tiến bộ. Trong sản xuất đã hình thành được vùng chuyên canh cà phê chất lượng cao. Hiện, tỉnh Đắc Lắc đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình sản xuất cà phê bền vững, cà phê được cấp các chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết và thực hiện liên kết với bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao, mang lại lợi ích kinh tế cả cho doanh nghiệp và nông dân. Sự liên kết "4 nhà" trong sản xuất cà phê tại Đắc Lắc đã được hình thành và phát huy hiệu quả. Về định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2020, Tỉnh ủy Đắc Lắc xác định: Đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng công nghệ cao, tăng thu nhập trên đất nông nghiệp; phấn đấu đạt giá trị sản xuất nông nghiệp 54-55 triệu đồng/ha canh tác vào năm 2020.
 |
Cao su là cây công nghiệp dài ngày có diện tích lớn thứ hai ở Tây Nguyên.
|
Lâm Đồng là địa phương đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ngày 11-5-2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng có Nghị quyết số 05-NQ/TU “Về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011-2020”. Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng, việc ứng dụng công nghệ cao đã tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần vào sự tăng trưởng GDP hằng năm. Cụ thể giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Lâm Đồng đạt bình quân 9,8%. Đến năm 2010, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 48,3% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất bình quân đạt 76,2 triệu đồng/ha đất canh tác; diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đạt 6.407ha. Bước đầu, tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh rau, hoa, dâu tây, chè, chăn nuôi thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Lâm Đồng cũng là địa phương đầu tư khá lớn cho ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2004-2010, huy động 2.600 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 34 tỷ đồng, vốn huy động trong dân và các thành phần kinh tế 2.566 tỷ đồng. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2015 có 10% diện tích đất canh tác nông nghiệp được sản xuất theo chương trình ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch được 10.000ha rau, hoa; 8.000ha chè; 15.000ha cà phê; 4.500ha lúa và một số vùng nuôi cá nước lạnh ứng dụng công nghệ cao.
Xung quanh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắc Nông, đồng chí Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 7-4-2011 “Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020”, với mục tiêu tổng quát là xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, khả năng cạnh tranh cao; đến năm 2015 giá trị sản xuất đạt bình quân 50 triệu đồng/ha và đến năm 2020 đạt 80 triệu đồng/ha canh tác, thu nhập kinh tế hộ gấp 4-5 lần năm 2011. Được biết, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, toàn tỉnh Đắc Nông đã hình thành vùng chuyên canh 22.000ha cà phê sản xuất đạt tiêu chuẩn; 70% diện tích lúa nước được gieo trồng bằng giống lúa lai, đạt năng suất 8,5 tấn/ha. Đến nay, toàn tỉnh Đắc Nông có hơn 7.000ha đất canh tác đạt thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha/năm; 26.000ha thu nhập 100 đến 200 triệu đồng/ha/năm; 38.000ha thu từ 60 đến dưới 100 triệu đồng/ha/năm. Theo tổng hợp của ngành nông nghiệp, đến nay toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng được 1.045 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên giai đoạn hiện nay cũng như lâu dài là thủy lợi. “Không bảo đảm được nước tưới, thì không thể nói sản xuất nông nghiệp bền vững được”-đó là khẳng định của đồng chí Lê Rế, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Năng (Đắc Lắc). Bàn về Quy hoạch phát triển thủy lợi vùng Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất: “Để bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên, từ nay đến năm 2030, Tây Nguyên cần huy động khoảng 79 nghìn tỷ đồng đầu tư xây mới 1.614 công trình và nâng cấp 756 công trình thủy lợi, cung cấp nước tưới cho hơn 390 nghìn héc-ta cây trồng các loại”. Lợi thế của Tây Nguyên là vùng có lượng mưa hằng năm rất lớn, bình quân đạt từ 1,8 đến 2 triệu mm/năm. Theo tính toán của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, chỉ cần có hệ thống thủy lợi để trữ được từ 10 đến 15% lượng nước mưa hằng năm là đủ nước tưới cho cây trồng.
Có thể nói, với diện tích đất canh tác hơn 1,9 triệu héc-ta, sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên đang là ngành kinh tế chủ lực, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 40% GDP hằng năm của các tỉnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là để nông nghiệp phát triển bền vững, bên cạnh việc thực hiện quy hoạch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, các địa phương vùng Tây Nguyên cần huy động nhiều nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng, có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bài, ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH
Bài 1: Những thành tựu trong thời kỳ đổi mới
Bài 2: Những bất cập cần tháo gỡ