Bãi bỏ nhiều văn bản, thủ tục lỗi thời

Có mặt ở miền Tây Nam Bộ những ngày này, chúng tôi ghi nhận tâm trạng phấn khởi của nhiều thương nhân kinh doanh gạo trước những đổi mới về quản lý của Bộ Công Thương. Là đất nước nông nghiệp, hạt gạo là sản phẩm chủ lực, thế nhưng suốt thời gian dài việc kinh doanh gạo bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục và điều kiện. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phước Thành Bảy Mập vui mừng cho biết: 

- Ngay sau tuyên bố bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định thành lập Tổ Biên tập và Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2010/NĐ/CP, chúng tôi rất vui mừng. Việc làm này có thể coi là đã “cởi trói” cho kinh doanh gạo, xóa bỏ nhiều quy định máy móc về vùng nguyên liệu, kho chứa, giá sàn…

leftcenterrightdel
Hoạt động xuất nhập khẩu ở Cảng Hải Phòng có nhiều đổi mới về cải cách hành chính. Ảnh: QUÝ DŨNG 

Trên đây chỉ là một trong số hàng loạt ví dụ về đổi mới thể chế ở Bộ Công Thương trong vòng hơn một năm qua. Bộ đã tập trung rà soát, loại bỏ, điều chỉnh hoặc xây dựng mới nhiều văn bản, quy định quản lý trong lĩnh vực được giao. Hơn 40 thông tư của bộ đã được ban hành; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 quyết định; trình Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi 15 nghị định. Trong đó, nhiều quy định không còn phù hợp được bộ nhanh chóng rà soát, gỡ bỏ hoặc điều chỉnh phù hợp với yêu cầu đổi mới, như:

Bãi bỏ Thông tư số 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Sửa đổi quy định về khai báo hóa chất tại Thông tư số 40/2011/TT-BCT. Ban hành Thông tư số 24/2016/TT-BCT quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, trong đó bãi bỏ thủ tục xác nhận sự phù hợp với quy hoạch điện. Xây dựng Thông tư số 36/2016/TT-BCT (thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT) quy định dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng theo hướng bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng cho từng lô hàng nhập khẩu và yêu cầu dán nhãn năng lượng trước khi thông quan…

Bộ cũng ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống; trong đó bãi bỏ quy định về Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện.

Cải cách hành chính mạnh mẽ

Bà Phạm Thị Hải, Trưởng đại điện Công ty CP Tôn Đông Á ghi nhận, sau khi tham gia dịch vụ khai nộp hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) qua internet, thời gian xin cấp C/O đã rút ngắn từ 4-16 tiếng xuống chỉ còn 1-2 tiếng.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mới đây, bộ đã có định hướng triển khai sàn giao dịch vietnamexport.com để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Ngoài hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng sàn giao dịch trực tuyến, ngành công thương đang đẩy mạnh việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, nhiều dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã đạt đến cấp độ 4, giúp giảm tối đa thời gian và chi phí, được doanh nghiệp đánh giá cao.

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Năm 2016, đã bãi bỏ 39/453 thủ tục hành chính của bộ (cụ thể trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực). Trong năm 2017, bộ sẽ tiếp tục bãi bỏ 15 thủ tục và đơn giản hóa 108 thủ tục thuộc phạm vi bộ quản lý. Các thủ tục hành chính được thực hiện đơn giản hóa này thuộc 17 lĩnh vực tại 40 văn bản quy phạm pháp luật (28 thông tư, 2 thông tư liên tịch, 1 quyết định của Thủ tướng và 9 nghị định).

Đến thời điểm này, tất cả các thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức đô%3ḅ 2 trở lên. Trong đó có 11 nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 45 nhóm dịch vụ công mức độ 3 tương ứng với 157 thủ tục hành chính (157 dịch vụ công trực tuyến mức đô%3ḅ 3 và mức đô%3ḅ 4). Từ ngày 1-1-2016 đến 20-2-2017, tổng số hồ sơ liên quan đến các thủ tục hành chính được gửi đến Bộ Công Thương là 707.460 hồ sơ, trong đó 667.110 được gửi theo hình thức trực tuyến (chiếm 94,3% tổng số hồ sơ). Số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 3 là 636.130 hồ sơ (chiếm 95,4% trên tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến). Số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 4 là 30.980 hồ sơ (chiếm 4,6%).

Trong năm 2017, theo kế hoạch đã đề ra tại Quyết định số 1659/QĐ-BCT nêu trên, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng mới và nâng cấp 22 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 14 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và 8 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3).

Thúc đẩy sản xuất, khơi thông thương mại

- Bộ Công Thương là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phạm vi quản lý rộng với nhiều vấn đề phức tạp, tác động lớn đến doanh nghiệp, người dân. Làm sao để các ngành công nghiệp phát triển bền vững; khơi thông được thị trường trong nước; đẩy mạnh xúc tiến, đàm phán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thị trường rộng lớn hơn cho xuất khẩu... là những trăn trở lớn của tôi cũng như của ngành công thương-Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục kiên trì thực hiện những mục tiêu đã đặt ra trong định hướng cải cách chung của bộ, tập trung vào các vấn đề: Xây dựng và hoàn thiện thể chế gắn liền với cải cách hành chính; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp; xử lý vấn đề về tổ chức phát triển thị trường trong nước, tăng cường trật tự thị trường, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh quản lý hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.

Trong những định hướng lớn trên, tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển công nghiệp có thể coi là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương. Vì vậy, theo ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương thì giá trị sản xuất công nghiệp 10 năm qua tăng cao gần 3,5 lần; tỷ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31-32% và trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm giai đoạn 2006-2010 giảm xuống 10%/năm giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng năng suất lao động của ngành giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%. Hiện nay, Việt Nam chỉ đứng thứ 101/143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo bình quân đầu người.

Đây là những vấn đề đáng lo ngại, vì vậy Quốc hội đã có Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Bộ Công Thương được giao xây dựng Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020” trình Chính phủ trong tháng 6-2017. Dự thảo đề án xác định lại thực chất ngành công nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản…; tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh…

Tại cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp về giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7% rất khó khăn, nhưng không phải không có khả năng thực hiện và vai trò ngành công thương rất quan trọng.

Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, từ nay đến cuối năm, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ phối hợp tốt trong điều hành vĩ mô để bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng cả năm không quá 4%. Tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, để tạo động lực cho phát triển chung của toàn ngành công nghiệp. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm đạt hơn 8% để đóng góp vào tăng trưởng GDP chung của cả nước. Tìm mọi biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập khẩu, bảo đảm yêu cầu về tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu không quá 3,5% để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện các biện pháp để khơi thông thương mại trong nước, phấn đấu chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm tăng trưởng đạt mức 2 con số.

CÔNG MINH - HỮU QUÝ