Những câu hỏi nóng bỏng từ thực tiễn
Cuối tháng 11-2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. Tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu lên, như: Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan… Giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế. Phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và bảo đảm an toàn xả lũ trong thời gian tới.
Tuy mới qua 7 tháng gánh vác trọng trách, nhưng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thể hiện rõ sự sâu sát, đầy quyết tâm và trách nhiệm, trả lời rõ ràng các câu hỏi theo nhóm vấn đề. Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) đánh giá, nhiều vấn đề được nêu ra cụ thể, tìm ra giải pháp triệt để. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao tinh thần làm việc và khả năng nắm bắt công việc của Bộ trưởng. Những vấn đề đại biểu Quốc đặt ra là những vấn đề lớn và được cử tri quan tâm nhiều, như: Quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước, vấn đề về Bauxite, xả lũ, phân bón giả... nhiều nội dung được Bộ trưởng trả lời thỏa đáng...
Tuy nhiên, không phải mọi vấn đề đều tìm được câu trả lời và giải pháp chỉ trong một vài ngày hay trong một buổi chất vấn. Vì vậy, Quốc hội và cử tri mong đợi những chuyển biến mạnh mẽ từ bộ kinh tế đa ngành, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của đất nước…
Ngành Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra thị trường phân bón. Ảnh: DŨNG QUÝ
Kế hoạch hành động quyết liệt
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, theo lãnh đạo Bộ Công Thương thì ngay sau Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, bộ đã xây dựng bản kế hoạch hành động xác định rõ những yêu cầu, nội dung, phân giao trách nhiệm cho các đơn vị và thống nhất tập trung triển khai thực hiện với 111 nhiệm vụ, tập trung vào 8 nhóm vấn đề lớn, gồm:
Rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; khẩn trương xử lý dứt điểm, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư; đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.
Thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ do Bộ trưởng làm Trưởng ban Chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai xử lý khẩn trương, dứt điểm các vấn đề tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương.
Hoàn thành việc xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này.
Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm để hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác này thời gian tới.
Quản lý chặt chẽ việc sản xuất phân bón; xây dựng, ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón; đề xuất phương án thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng này.
Quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực phân bón và những lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý được giao.
Xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất để bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô, lộ trình thực hiện kể từ năm 2017; hoàn thành danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, xả lũ gây thiệt hại cho đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ lưu; tổng rà soát, đánh giá quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình thủy điện theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội, gắn phát triển thủy điện với thủy lợi...
Tạo tinh thần đổi mới mạnh mẽ
Bộ trưởng Bộ Công Thương từng hứa sẽ lãnh đạo, chỉ đạo bộ trở thành đơn vị đi đầu trong cải cách hành chính và thể chế, đổi mới bộ máy hành chính. Những gì diễn ra thời gian qua đã phần nào thể hiện quyết tâm ấy.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen (Thái Bình), nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá cao những chuyển động từ Bộ Công Thương, thể hiện cả ở phong cách làm việc và nhiều chương trình hành động thiết thực, đồng bộ. Cùng với đó, sự chuyển động thể hiện cả ở những việc làm rất “vi mô” như: Sau khi báo chí phản ánh công chức sử dụng xe công đi lễ chùa, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu rà soát, xử lý ngay người vi phạm trong ngày.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thì vẫn còn sớm để đánh giá những thành công vì những gì vạch ra là một quá trình dài, còn phải được thực hiện liên tục trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, những gì đạt được tới thời điểm hiện nay là nền móng cho thời gian tới, theo đó Bộ Công Thương xác định:
Trước hết, tập trung cải cách tổ chức bộ máy và cải cách thể chế. Đây là những việc căn bản, mang tính nền tảng cần được tập trung ưu tiên thực hiện trước. Chính vì vậy, việc rà soát, cải cách tổ chức bộ máy thực thi công vụ được lãnh đạo Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo làm ngay với yêu cầu đặt ra là làm sao để bộ máy tinh gọn nhưng phải bảo đảm hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu thực hiện tốt nhất chức năng quản lý nhà nước của bộ. Trên tinh thần đó, tập thể Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương thảo luận, đánh giá kỹ và thống nhất để cơ cấu lại tổ chức bộ máy; thu gọn đầu mối thuộc bộ từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ đối với từng đơn vị.
Thứ hai, tập trung cải cách thể chế, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, công bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của người dân. Trong vòng hơn một năm qua, bộ đã tập trung rà soát, loại bỏ, điều chỉnh hoặc xây dựng mới nhiều văn bản, quy định quản lý trong lĩnh vực được giao quản lý.
Thứ ba, cùng với cải cách thể chế và cải cách bộ máy là việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý của bộ cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
(Còn nữa)
CÔNG MINH - HỮU QUÝ