QĐND - Mặc dù đã đạt được những thành tựu vượt bậc, nhưng phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên còn những bất cập, khiến cho sản xuất thiếu bền vững, hiệu quả kinh tế tại một số vùng chưa cao. Cùng với đó, Tây Nguyên vẫn đang là địa bàn khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo ở mức hai con số (10,12%), thu nhập bình quân của người dân thấp hơn bình quân chung cả nước.

Trước hết, về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhìn tổng quan vùng Tây Nguyên đã hình thành cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá phù hợp và diện tích ổn định. Tuy nhiên, tại một số địa phương, do điều kiện thổ nhưỡng, thủy văn, khí hậu không thuận lợi, nên cơ cấu cây trồng chưa thật vững chắc. Nông dân vẫn loay hoay với điệp khúc “trồng, chặt”. Điển hình như tại huyện biên giới Ea Súp (Đắc Lắc), những năm trước đây đã ồ ạt phát triển cây điều cao sản, đến khi điều không cho trái, phải chặt bỏ hơn 10 nghìn héc-ta, chuyển sang trồng cây nguyên liệu giấy cũng không đạt kết quả.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đồng chí Vi Văn Son, Phó chủ tịch UBND xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, cho biết: “Với dân số 1.548 hộ, 5.846 nhân khẩu, xã Ia Lốp có diện tích tự nhiên rộng tới 19.253ha, bình quân đất canh tác 2ha/hộ. Thế nhưng, do chưa định hình được cây trồng phù hợp và thiếu hệ thống thủy lợi, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nên nông dân Ia Lốp chỉ gieo trồng 1 vụ trong năm. Vì vậy, thu nhập của bà con thấp và bấp bênh, dẫn tới Ia Lốp đang thuộc tốp xã nghèo nhất tỉnh Đắc Lắc, đến đầu năm 2015 còn 66,21% hộ thuộc diện nghèo”.

Cứ đến mùa khô, hàng loạt công trình thủy lợi vùng Tây Nguyên cạn trơ đáy.

Tại một số địa phương thuộc tỉnh Đắc Nông và Đắc Lắc, vào thời điểm mủ cao su có giá cao, nông dân ồ ạt phát triển cao su trên đất có độ cao không phù hợp, tầng đất mỏng, hậu quả đến khi cao su không cho mủ, thì phải chặt bỏ. Đối với cà phê-cây trồng được xác định là thế mạnh của nông nghiệp Tây Nguyên, việc sản xuất cũng ẩn chứa những bất ổn, nhất là về diện tích. Diện tích cà phê ở Tây Nguyên hiện tại vượt quá xa so với quy hoạch. Trong đó, phần lớn diện tích cà phê vượt quy hoạch đều thuộc vùng đất không thích hợp, thiếu nước tưới. Theo quy hoạch phát triển cà phê do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố mới đây, đến năm 2020, Tây Nguyên giảm diện tích cà phê xuống còn 447.000ha (Đắc Lắc giảm xuống còn 170.000ha, Lâm Đồng còn 135.000ha, Gia Lai còn 73.000ha, Đắc Nông còn 69.000ha), chiếm 89,4% so với tổng diện tích cà phê của cả nước. Như vậy, diện tích cà phê vùng Tây Nguyên hiện nay nếu so với quy hoạch đến năm 2020 đã vượt hơn 100.000ha; trong đó tỉnh Đắc Nông vượt hơn 40.000ha, Đắc Lắc, Lâm Đồng mỗi địa phương vượt từ 30.000ha trở lên. Cũng theo kết quả thống kê mới đây, trong 573.400ha cà phê toàn vùng Tây Nguyên, hiện hơn 80.000ha đã già cỗi, cho năng suất thấp cần đầu tư tái canh, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ cao làm cho sản xuất cà phê thiếu bền vững trong những năm tới đây.

Ngoài ra, do hơn 80% diện tích đất nông nghiệp vùng Tây Nguyên do nông hộ quản lý. Tâm lý chạy theo thị trường để xác định cây trồng còn dẫn tới tình trạng người dân đua nhau trồng một loại cây khi sản phẩm cây trồng đó được giá, làm cho quy hoạch cơ cấu cây trồng bị phá vỡ. Điển hình như việc thời gian gần đây, toàn vùng Tây Nguyên, nhất là tại tỉnh Đắc Lắc, nông dân ồ ạt trồng cây mắc-ca, trong khi chưa chứng minh được cây trồng này có phù hợp hay không, đầu ra cho sản phẩm mắc-ca thế nào. Đồng chí Trần Hiếu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc lo ngại: “Cây mắc-ca đã trồng thử nghiệm tại Đắc Lắc gần 100ha, nhìn chung cây phát triển khá tốt, nhưng cho trái ít và không đều, hiệu quả kinh tế chưa rõ ràng. Vì vậy, tỉnh cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng với cây trồng này, chưa nên phát triển nóng”.

Thậm chí, cơ cấu cây trồng trong từng mùa vụ cũng không tuân theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Đơn cử như hiện nay, hạn hán đang hoành hành và gây thiệt hại nặng tại Tây Nguyên. Chỉ riêng tỉnh Đắc Lắc, tính cuối tháng 6-2015 đã có hàng chục nghìn héc-ta cây trồng bị hạn hán, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc khẳng định: “Hầu hết diện tích cà phê, lúa nước bị thiệt hại đều nằm ngoài vùng quy hoạch, do nông dân sản xuất tự phát trên vùng đất bấp bênh về nguồn nước tưới!”.

Trao đổi với chúng tôi về những bất cập trong sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên, đồng chí Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khẳng định: Bất cập lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên chính là không chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước tự nhiên và nước ngầm nên rất dễ thiệt hại khi xảy ra hạn hán như mùa khô 2014-2015 này. Theo thống kê, hiện Tây Nguyên có 2.261 công trình thủy lợi, với tổng dung tích hữu ích 1,02 tỷ mét khối  nước, bảo đảm nước tưới cho 112.627ha cây trồng các loại, đạt 17,6% tổng diện tích cây trồng cần tưới toàn vùng. Như vậy, vùng Tây Nguyên còn tới 82,4% diện tích cây trồng cần nước tưới, nhưng không được bảo đảm từ công trình thủy lợi mà sản xuất dựa chủ yếu vào nguồn nước tự nhiên (sông, suối) và nước ngầm. Trong khi đó, rừng ở Tây Nguyên đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng. Kết quả kiểm kê rừng tại Tây Nguyên theo Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016”, được công bố mới đây cho thấy, hiện toàn vùng Tây Nguyên có 2.567.116ha rừng, trong đó có 2.253.809ha rừng tự nhiên. So với kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng năm 2008 theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5-12-2005 của Thủ tướng Chính phủ, thì diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên giảm 385.797ha, kéo theo tỷ lệ độ che phủ giảm từ 51,1% năm 2008 giảm xuống còn 45,8% năm 2015. Rừng suy giảm và nghèo kiệt khiến cho nguồn nước ngầm trong đất bị sụt giảm, nguồn nước mặt trên hệ thống sông, suối cũng cạn kiệt, dẫn tới nước tưới cho cây trồng bị thiếu nghiêm trọng, đồng thời đất đai còn bị xói mòn.

Vấn đề áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên đã được đề cập khá nhiều, nhưng trên thực tế việc áp dụng và triển khai chưa đạt kết quả. Phần đa nông dân Tây Nguyên, nhất là bà con người dân tộc thiểu số lâu nay vẫn áp dụng phương pháp thủ công trong chăm sóc cây trồng, dẫn tới việc tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đều dư thừa, lãng phí, đã làm tăng chi phí đầu tư sản xuất. Việc áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và giá trị sản phẩm. Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp Tây Nguyên vẫn là vấn đề nan giải. Sự liên kết 4 nhà “Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp” chưa đi vào thực tiễn, phần đa nông dân "tự bơi" là chính, đã làm cho điệp khúc “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra.

Ngoài ra, việc ứng phó trước thiên tai như hạn hán, lũ lụt trong sản xuất nông nghiệp chưa được quan tâm. Do đó, mỗi khi thiên tai xảy ra, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên thường bị thiệt hại nặng nề nhất.

Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, một trong những yếu kém nữa của nông nghiệp Tây Nguyên đó là hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp chưa được đầu tư thỏa đáng; chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp chưa hấp dẫn, khiến cho nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài không mặn mà, thậm chí là e ngại trong việc đầu tư, vì vậy mà nông nghiệp Tây Nguyên chưa tạo được những bứt phá.

Bài, ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH
Bài 1: Những thành tựu trong thời kỳ đổi mới
Bài 3: Hướng tới phát triển bền vững