Góp phần "số hóa" vùng biên giới, đảo xa
Việc phủ sóng vùng biên cương được Viettel triển khai từ khi xây dựng, phát triển mạng di động trên cả nước cách đây hơn 15 năm. Từ chỗ chỉ có vài chục trạm vào năm 2004 thì hiện nay, Viettel đã xây dựng và phát sóng gần 2.000 trạm phủ sóng dọc đường biên giới, hơn 2.000 trạm phủ sóng khu vực biển, đảo.
Trong năm 2020, Viettel đã triển khai 1.158 tuyến truyền dẫn quân sự, nâng tổng số tuyến truyền dẫn của Viettel phục vụ quốc phòng, an ninh lên tới hơn 1.216 tuyến, tương đương 8.458km.
 |
Trong giai đoạn tới, Tổng công ty Mạng lưới Viettel sẽ tăng cường triển khai mạng viễn thông ở khu vực biên giới. Ảnh: NHƯ QUỲNH |
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2017, Viettel vươn sóng 4G đến một số đồn biên phòng ở cả trên đất liền và hải đảo như: Đồn Biên phòng A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), Đồn Biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai), Đồn Biên phòng 680 Rạch Tàu (Ngọc Hiển, Cà Mau)...
Trong kỷ nguyên 4.0, việc Viettel đưa sóng 4G đến những địa bàn này giúp đời sống của người dân và cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng được “số hóa”, tạo cơ sở để đẩy nhanh thực hiện chính quyền điện tử. Từ ngày có sóng 4G, thay vì mất thời gian đi lại, chỉ cần một cú nhấp chuột, việc gửi công văn, thông báo có thể được thực hiện trong tích tắc. Việc triển khai họp trực tuyến cũng diễn ra dễ dàng, tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí cho cơ sở. Chỉ cần có điện thoại thông minh và sóng 4G, người dân ngay cả khi ngồi tại nhà vẫn có thể tiếp cận tìm hiểu các chủ trương, chính sách của Nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... Việc áp dụng công nghệ từ mạng di động 4G còn giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng cao, hải đảo tiếp cận các loại hình đào tạo trực tuyến, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn một cách hiệu quả.
"Cõng sóng" lên non
Địa hình vùng biên giới thường hiểm trở nên việc thi công xây dựng trạm BTS ở đây luôn đòi hỏi quyết tâm cao độ của người làm hạ tầng mạng viễn thông. Xa gia đình dài ngày, trèo đèo, lội suối, thi công trong tình trạng không điện lưới, đối mặt với muỗi rừng, côn trùng cắn, vận chuyển trang thiết bị bằng sức người trong nhiều giờ... là những việc "như cơm bữa” đối với "người Viettel" khi đưa sóng viễn thông về tới các đồn biên phòng.
Dẫn chứng điều này, Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel, chia sẻ những trở ngại từ câu chuyện xây dựng trạm BTS ở Đồn Biên phòng Đắc Nô (Bù Gia Mập, Bình Phước). Thứ nhất là tìm vị trí phù hợp để dựng trạm BTS bởi nơi đồn đóng quân có địa hình lòng chảo, bao quanh là núi cao dựng đứng. Từ vị trí này đến các trạm Viettel gần nhất, kể cả trạm của Metfone (nhà mạng tại thị trường Campuchia được Viettel đầu tư) đều bị che chắn bởi núi rừng, trắng sóng 2G/3G/4G. Do khoảng cách đồn nằm sâu trong vườn quốc gia, phải qua nhiều đồi núi nên việc thu phát sóng không thể thu qua vô tuyến mà Viettel phải triển khai tuyến cáp ngầm 13km dọc núi trên đường tuần tra biên giới. Trong suốt một tháng kéo cáp, anh em luôn phải mặc đồ bịt kín tay chân để tránh muỗi rừng và côn trùng. Tiếp đến là những trở ngại trong khâu vận chuyển. Vật tư xây dựng và thiết bị lắp đặt cho nhà trạm, trạm BTS phục vụ Đồn Biên phòng Đắc Nô được lấy từ trung tâm huyện Phước Long, cách trạm 70km, trong khi đường tuần tra biên giới chạy dọc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là tuyến đường hẹp và quanh co nên việc vận chuyển hàng rất khó khăn. Đặc biệt, quãng đường từ chân đồi lên nơi đặt trạm không thể sử dụng các phương tiện vận tải cơ giới mà phải dùng sức người.
Để có được hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng rộng khắp phải kể đến công lao của những cán bộ, kỹ sư của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội nói chung và Tổng công ty Mạng lưới Viettel nói riêng. Khi được đặt câu hỏi đâu là động lực để những người làm hạ tầng mạng Viettel có thể “nằm gai nếm mật” mang sóng tới biên giới, anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ của Tổng công ty Mạng lưới Viettel cho biết: “Mỗi khi phát sóng thành công, thấy anh em Bộ đội Biên phòng phấn khởi, tôi rất xúc động và hạnh phúc. Hạnh phúc vì mình có thể mang lại niềm vui cho những người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc. Đó chính là động lực của chúng tôi”.
Mở rộng phủ sóng 4G
Tổng kinh phí mà Viettel đầu tư để phủ sóng khu vực các đồn biên phòng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Địa hình phức tạp, đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh khiến chi phí xây dựng hạ tầng trạm phục vụ các đồn biên phòng thường cao gần gấp đôi so với đồng bằng. Chưa kể đến nhiều trạm BTS này chỉ phục vụ vài chục đến vài trăm thuê bao, trong khi thông thường bình quân mỗi trạm của Viettel phục vụ khoảng 2.000 thuê bao. Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm nhấn mạnh, Tổng công ty Mạng lưới Viettel luôn nhận thức sâu sắc về việc phát triển hạ tầng mạng lưới phục vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đối với các trạm phủ sóng vùng biên, đơn vị không đặt mục tiêu vì lợi nhuận mà quan trọng nhất là bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần dựng xây và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Quan điểm của Viettel là “ở đâu có dân, có cán bộ, chiến sĩ thì phải có sóng Viettel”.
Công cuộc phủ sóng viễn thông vùng biên cương của người Viettel là một sự nỗ lực đáng ghi nhận. Điều này không chỉ thể hiện qua việc nỗ lực vượt khó mà còn là sự phát triển tiến bộ về khoa học công nghệ trong lĩnh vực viễn thông. Về công nghệ để tăng vùng phủ, chất lượng mạng tại khu vực biên giới, đồn biên phòng, hiện nay, Viettel áp dụng các công nghệ 2G/3G/4G với các loại thiết bị công suất lớn, ăng ten độ lợi cao, các tính năng hỗ trợ phủ xa. Bên cạnh đó, Viettel sử dụng các thiết bị kích sóng chuyên dụng. Đối với khu vực biển, đảo, để giảm ảnh hưởng của môi trường muối biển ăn mòn thiết bị, Viettel thử nghiệm nhiều công nghệ như đầu tư thiết bị sơn phủ lớp chống muối biển. Năm 2020, Viettel tiếp tục thực hiện sơn phủ thử nghiệm nano cho bộ chuyển điện xoay chiều sang điện một chiều tại nhiều vị trí đảo để cách ly, hạn chế sự ăn mòn của muối biển.
Trong giai đoạn tới, Tổng công ty Mạng lưới Viettel sẽ tăng cường triển khai các trạm 4G ở khu vực biên giới, đồn biên phòng, đáp ứng lộ trình phát triển chung của mạng lưới Viettel và xu hướng thế giới. Từ đó giúp cán bộ, chiến sĩ và người dân ở khu vực này vẫn có thể sử dụng dịch vụ viễn thông như các khu vực khác. Đặc biệt, Viettel sẽ mở rộng phủ sóng 4G để dịch vụ internet tốc độ cao tới các điểm chốt biên phòng, đường tuần tra biên giới với tinh thần “bật máy lên bất cứ đâu ở Việt Nam sẽ có 4G của Viettel”.
VŨ MY