Vậy nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân vốn ĐTC là gì? Tại sao lại có chuyện lạ đời là "có tiền mà không tiêu được", thậm chí có bộ, địa phương phải xin trả lại? Và giải pháp nào để tháo gỡ? Vệt bài của Báo Quân đội nhân dân nhằm góp phần giải đáp các câu hỏi này, để từ đó rút ra kinh nghiệm cho giai đoạn sắp tới.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ thêm 1% vốn đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP thêm 0,06%. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành giải ngân vốn ĐTC ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, kết quả đạt được thường không như ý. Trong năm 2020, kết thúc 11 tháng, giải ngân vốn ĐTC mới đạt 79,3% kế hoạch, số vốn còn lại rất lớn, trong khi thời gian không còn nhiều.
Vốn đầu tư công giữ vai trò kiến tạo
ĐTC là nguồn lực phát triển KT-XH rất quan trọng của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với những quốc gia đang cần nguồn lực phát triển như Việt Nam. Đầu tiên, ĐTC đóng vai trò tạo nền tảng vật chất kỹ thuật quan trọng cho đất nước, kiến tạo hạ tầng KT-XH, là “đòn bẩy” đối với một số ngành và vùng trọng điểm, đồng thời tạo ra việc làm, giải quyết đời sống, tạo thu nhập cho hàng triệu người. Ngoài ra, ĐTC còn điều tiết các chỉ số kinh tế vĩ mô, như: Bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia, góp phần ổn định và thúc đẩy thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
 |
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông đang tiến hành chạy thử để chuẩn bị vận hành thương mại. Ảnh: TRỌNG HẢI
|
Theo Luật ĐTC năm 2019: Vốn ĐTC bao gồm: “Vốn NSNN; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật”. Trong cơ cấu vốn tổng đầu tư của toàn xã hội, nguồn vốn ĐTC chiếm tỷ trọng rất lớn (hiện chiếm khoảng hơn 30%), nên bất kỳ sự thay đổi nào về tốc độ tăng trưởng ĐTC đều ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tổng mức đầu tư, cũng như tăng trưởng kinh tế...
Vai trò của vốn ĐTC lớn như vậy nên việc chậm giải ngân nguồn vốn này gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Việc chậm giải ngân làm ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế, việc làm và an sinh xã hội. Đáng chú ý, vốn ĐTC thường sử dụng cho các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng nên việc giải ngân chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội. Đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Ngoài ra, việc chậm giải ngân dẫn đến lãng phí khi không tiêu được tiền nhưng vẫn phải trả chi phí, lãi vay; nhiều trường hợp vì chậm tiến độ dẫn đến đội vốn, giảm hiệu quả đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng vốn ĐTC nguồn NSNN năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng). Số tiền này bao gồm 470.600 tỷ đồng trong dự toán ngân sách và 225.200 tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang. Năm 2020 cũng là năm cuối cùng của kế hoạch ĐTC trung hạn 2016-2020, để bảo đảm mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ, nhiệm vụ đặt ra đối với giải ngân vốn đầu tư của năm 2020 là rất quan trọng. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nguồn lực đầu tư tư nhân suy giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn và thiếu việc làm, vốn ĐTC được ví như phương thuốc để vực dậy nền kinh tế đang rất đuối sức.
Sốt ruột vì hàng trăm nghìn tỷ đồng “đắp chiếu”
Được kỳ vọng giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, thế nhưng gần 10 năm qua kể từ khi khởi công, sau nhiều lần lùi mốc tiến độ, tới nay, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa thể vận hành thương mại. Dự án này đã đội vốn tới 40% so với tổng mức ban đầu được phê duyệt năm 2008. Tiến độ chậm, số tiền đầu tư bị đội lên lớn, cùng với đó, gần chục năm ròng rã người dân phải chấp nhận tình trạng giao thông tắc nghẽn trên nhiều tuyến phố nơi dự án đi qua.
Từ đường sắt Cát Linh-Hà Đông có thể nhìn ra nhiều dự án lớn còn dang dở, chậm tiến độ, đội vốn, như: Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn-Ga Hà Nội; đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương; tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên... Với các dự án vay vốn nước ngoài, Việt Nam phải hứng chịu thêm tình cảnh trả lãi vay quốc tế, mất tín nhiệm với các nhà tài trợ, gây bức xúc trong dư luận.
Nhờ chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 11 tháng năm 2020, giải ngân vốn ĐTC được đẩy mạnh, đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, vẫn còn 13 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó có 7 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC nguồn vay nước ngoài mới đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm và 45,51% nếu tính trên số kế hoạch năm 2020 đã được điều chỉnh sau khi cắt giảm.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, đã có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác với tổng số là 6.338 tỷ đồng (vốn trong nước là 342 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5.996 tỷ đồng), trong đó chủ yếu là vốn vay nước ngoài.
Nhìn nhận việc giải ngân nguồn vốn ĐTC gần 700.000 tỷ đồng trong năm 2020 là vô cùng quan trọng. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, xác định đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Thủ tướng liên tục chủ trì các cuộc họp để thúc đẩy tiến độ. Đáng chú ý, ngay sau khi Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc nhằm đôn đốc triển khai công tác ĐTC năm 2020 diễn ra vào tháng 7, Chính phủ đã thành lập 7 đoàn công tác do Thủ tướng cùng 4 Phó thủ tướng và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC. Tại các cuộc làm việc, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn ĐTC và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình; báo cáo Thủ tướng 2 tuần/lần về giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Thủ tướng cũng khẳng định sẽ quy trách nhiệm rõ ràng với người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nếu chậm giải ngân và yêu cầu điều chuyển vốn của các dự án chậm giải ngân cho dự án khác.
Đâu là nút thắt của vấn đề?
Vậy tại sao trình trạng lạ kỳ “có tiền mà không tiêu được” cứ kéo dài?
Trong số các bộ, ngành xin chuyển trả lại vốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có 1.800 tỷ đồng với lý do chưa có nhu cầu dùng tới. Nhận định nguyên nhân dẫn tới tình trạng kỳ lạ này, các chuyên gia cho rằng, trước hết do thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết hiệp định và điều chỉnh các dự án ĐTC vốn nước ngoài còn phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn. Các quy định pháp luật về dự án ĐTC vốn nước ngoài chưa đồng bộ, một số thủ tục còn phức tạp...
Căn nguyên chính là do việc lập kế hoạch vốn ban đầu chưa sát với thực tiễn và chưa dự báo được vấn đề phát sinh khi triển khai. Cùng với đó, nếu trước đây các cơ quan, đơn vị, địa phương thường có tâm lý xin được càng nhiều vốn càng tốt, không dùng hết thì giữ lại, xin gia hạn thì nay quy định gia hạn rất chặt chẽ, đơn vị nào nhận vốn không bảo đảm hiệu quả giải ngân phải chịu trách nhiệm. Các đơn vị khi rà soát thấy khả năng không giải ngân hết nên đề nghị giảm vốn.
Nhìn vào thực tế những năm qua cho thấy, nguyên nhân giải ngân vốn ĐTC ì ạch có một phần không nhỏ từ quy trình thực hiện dự án ĐTC phải trải qua rất nhiều khâu, rườm rà và phức tạp từ lập, thẩm định, quyết định chủ trương, dự án đầu tư; giao, triển khai kế hoạch; quản lý, sử dụng vốn đến nghiệm thu, bàn giao quyết toán; thanh tra, kiểm tra... Đặc biệt, quy trình dự án ĐTC có đặc thù là phải làm tuần tự từng khâu, từng bước, xong bước này mới sang bước sau. Chỉ cần một mắt xích, một bước trong quy trình bị chậm thì cả dự án đều bị chậm.
Bên cạnh khâu thủ tục, tính sẵn sàng của nhiều dự án ở mức thấp cũng là nguyên nhân dẫn tới nguồn vốn bị ùn ứ. Trong đó, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công vẫn là một "nút thắt" khó gỡ trong nhiều năm nay. Tiến độ giải phóng mặt bằng càng chậm, dự án càng kéo dài. Có dự án thậm chí mất nửa thời gian cho việc giải phóng mặt bằng. Như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể với dự án hạ tầng giao thông, nếu không có mặt bằng thì không có gì cả.
Đối với quy trình của một dự án ĐTC, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng: Việc triển khai dự án đang bị chi phối bởi khoảng 7 luật; ngoài Luật ĐTC, còn nhiều quy định pháp luật liên quan tới ngân sách, đất đai, môi trường, xây dựng và đấu thầu... Song, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho rằng, nếu đổ lỗi nguyên nhân dự án ĐTC chậm về đích hoàn toàn do thủ tục, quy trình phức tạp là chưa thỏa đáng. Bởi, cùng một cơ chế nhưng cũng có những bộ, ngành, địa phương đang làm rất tốt. “Tôi thấy mấu chốt là ở sự năng động, quyết liệt của lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương. Nếu họ sát sao, gặp khó khăn ở đâu, sẵn sàng tìm hiểu, rồi từng bước giải quyết thì giải ngân vốn ĐTC sẽ đạt hiệu quả cao”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
HỒ QUANG PHƯƠNG - ĐỖ MẠNH HƯNG - VŨ THỊ DUNG