Vấn đề này, trong Dự thảo “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025” trình ĐH XIII cũng đã đề cập: “Năng suất lao động (NSLĐ) vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và khoảng cách chênh lệch này vẫn tiếp tục gia tăng”. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có những trao đổi với chuyên gia kinh tế và ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu tại đại hội xung quanh vấn đề này.

Thực trạng và thách thức

Nói về NSLĐ của nước ta, ông Phạm Mạnh Thùy, Trưởng Ban Chiến lược Phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những phân tích cụ thể. Theo đó, thực tế NSLĐ của Việt Nam hiện đang rất thấp so với các nước trong khu vực. Xét về giá trị tuyệt đối, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, NSLĐ theo sức mua tương đương (tính theo PPP 2011) năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 7,64% mức năng suất của Singapore; 19,53% của Malaysia; 37,92% của Thái Lan; 45,56% của Indonesia; 56,88% của Philippines; 88,05% của Lào. NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 1,6 lần).

leftcenterrightdel
Ông Phạm Mạnh Thùy, Trưởng Ban Chiến lược Phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Đáng chú ý là chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể: Chênh lệch mức NSLĐ (tính theo PPP 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 132.559 USD năm 2011 lên 142.095 USD năm 2019; của Malaysia từ 42.389 USD lên 48.431 USD; Thái Lan từ 14.977 USD lên 19.251 USD; Philippines từ 6.164 USD lên 8.914 USD. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.

Tuy nhiên, điểm sáng rất đáng chú ý là, so với các nước trong khu vực ASEAN, thời gian qua Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ khá cao. Tính chung giai đoạn 2011 - 2019, NSLĐ theo sức mua tương đương PPP 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4,87%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (1,37%/năm); Malaysia (2,04%/năm); Thái Lan (3,17%/năm); Philippines (4,33%/năm); Indonesia (3,59%/năm).

Xét về tốc độ tăng NSLĐ thì chúng ta có tăng, nhưng xét về mặt giá trị tuyệt đối thì Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN. NSLĐ được đo bằng tổng hòa nhiều yếu tố, gồm có yếu tố vĩ mô như quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách…, hay yếu tố vi mô như quy mô, nội lực của doanh nghiệp, khả năng ứng dụng những thành tựu KHCN vào sản xuất kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động, khả năng sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp… các chủ thể sử dụng lao động, đã tác động đến việc tăng NSLĐ và các yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới sự tăng lên hoặc giảm đi của NSLĐ.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh:TRỌNG HẢI.

Trong phiên thảo luận sáng 28-1 tại ĐH XIII, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, thách thức đang đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước. Đó là sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của chúng ta hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh những vấn đề trên thực chất là biểu hiện của tăng trưởng năng suất thấp và khả năng cạnh tranh yếu của khu vực kinh tế trong nước. Cùng với đó, tính bền vững trong phát triển sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn và khó đoán định hơn trước. Ngoài ra, chi phí thương mại của Việt Nam vẫn đang còn cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics và việc tổ chức, phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng; chưa hình thành được nhiều cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa để liên kết phát triển theo chuỗi.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Nói về thực tiễn và những thách thức mà nền kinh tế của chúng ta đang phải đối mặt. Trong tham luận tại ĐH XIII của mình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng: Việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới.

Những nguyên nhân cơ bản

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến NSLĐ của nước ta vẫn ở mức thấp, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu. Ông Phạm Mạnh Thùy cho rằng: Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là quy mô kinh tế của nước ta còn nhỏ, xuất phát điểm thấp. So với quy mô GDP của các nước ASEAN, quy mô kinh tế nước ta chỉ cao hơn Lào, Brunei, Campuchia, Myanmar; thấp hơn các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore. Năm 2017, 2018 quy mô GDP theo giá hiện hành của Việt Nam đạt 223,7 tỷ USD và 245,2 tỷ USD, gấp 18,5 lần và 18,1 lần quy mô GDP Brunei (12,1 tỷ USD; 13,5 tỷ USD), gấp 13,28 lần và 13,52 lần quy mô GDP Lào (16,9 tỷ USD; 18,0 tỷ USD), gấp 10,1 lần và 10,0 lần quy mô GDP của Campuchia; chỉ bằng 0,22 lần và 0,24 lần quy mô của GDP Indonesia (1015,5 tỷ USD; 1.042,2 tỷ USD); bằng 0,71 lần và 0,69 lần quy mô GDP Malaysia (318,96 tỷ USD; 358,58 tỷ USD) và đều bằng 0,49 lần quy mô GDP Thái Lan (455,2 tỷ USD; 505,0 tỷ USD). GDP năm 2019 đạt trên 267 tỷ USD, ước đạt 271,2 tỷ USD vào năm 2020.

Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến đó là do cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, chậm chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ.

Cơ cấu kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 10 năm vừa qua mặc dù có sự chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp - dịch vụ, giảm nông nghiệp, song tốc độ giảm của khu vực nông lâm thuỷ sản khá chậm, từ 19,57% năm 2011 xuống còn 14,42% vào năm 2020. Công nghiệp - dịch vụ có tăng nhưng chưa bền vững.

leftcenterrightdel
 Chế biến hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, Bến Tre. Ảnh: qdnd.vn.

Sản xuất nông nghiệp chưa thực sự đạt hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng. Trong những năm qua, nông sản luôn là nhóm hàng chủ lực trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nông nghiệp đã thể hiện thế mạnh không thể phủ nhận nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Tốc độ tăng của khu vực công nghiệp và dịch vụ không còn giữ được tốc độ tăng cao như giai đoạn trước đó. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP chưa đạt được so với mục tiêu đề ra, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong GDP còn thấp; tỷ trọng trong GDP của những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế còn thấp. Du lịch, một trong những ngành được coi là mũi nhọn có tác động lan tỏa đến sự phát triển cho các ngành khác nhưng cũng chưa phát huy được các tiềm năng vốn có và chưa thể hiện được vai trò thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.

Ngoài ra, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp và lao động khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi NSLĐ trong khu vực này ở nước ta thấp. Máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ sản xuất, kinh doanh còn lạc hậu. Thêm vào đó, chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lao động vẫn tiếp tục bị dồn nén trong khu vực nông nghiệp, nông thôn với năng suất thấp.

NSLĐ thấp còn phải kể đến chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập.

Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến tăng NSLĐ. Nguồn nhân lực của chúng ta đang có sự gia tăng nhưng quy mô không lớn như trước do chúng ta đã bước vào giai đoạn già hoá dân số. Chất lượng nguồn nhân lực tuy có sự cải thiện, nâng cao, nhưng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ của Việt Nam hiện đạt khoảng 23% năm 2019 so với 53% của Indonesia, 51% của Philippines… Nhân lực phân bố không đồng đều giữa các ngành/lĩnh vực và theo vùng miền. Nước ta còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Chuyên môn, tay nghề, kỹ năng cứng, mềm chưa cao, đặc biệt nhân lực ở nước ta chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0. Việc làm chủ công nghệ của chúng ta đang thua kém so với các nước. Đây là nguyên nhân nổi bật tác động rất lớn đến việc nâng cao NSLĐ.

Ngoài ra, cùng quan điểm với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, ông Phạm Mạnh Thùy cho rằng, Việt Nam đang tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp. TFP năm 2019 chỉ đóng góp khoảng 19,5% vào tăng trưởng; bình quân cả giai đoạn 2011-2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP là 37,5%.

Việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 trong quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Số lượng doanh nghiệp của chúng ta ít, đặc biệt có khoảng trên 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Chúng ta đang thiếu những doanh nghiệp lớn dẫn dắt thúc đẩy phát triển. Hiện nay đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cho KHCN thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Hoạt động KHCN chủ yếu được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, chúng ta còn tồn tại một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính chậm được khắc phục.

Đứng trước thực trạng về NSLĐ thấp của Việt Nam, chúng ta cần tích cực tìm giải pháp tối ưu để nâng cao NSLĐ, tạo tiền đề để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà.

 (Còn nữa)

TƯỜNG VY