QĐND - Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên đã có những bước tiến vượt bậc. Nông nghiệp Tây Nguyên từ sản xuất tự cung tự cấp, tiến lên sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Một số sản phẩm nông nghiệp của Tây Nguyên đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chiến lược của cả nước.
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.641km2, dân số hơn 5,5 triệu người. Đây là vùng đất có điều kiện tự nhiên và xã hội rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các vùng thâm canh, chuyên canh cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc. Với lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào là điều kiện rất lớn để Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp (hiện đang thu hút tới 80% dân số toàn vùng).
 |
Vườn cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 15 dẫn đầu về năng suất cà phê vùng Tây Nguyên.
|
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định: Lợi thế lớn nhất của nông nghiệp Tây Nguyên là vùng đất này có tới hơn 1,5ha đất đỏ bazan, chiếm 60% quỹ đất đỏ bazan của cả nước, rất phù hợp với phát triển cây công nghiệp dài ngày. Đến nay, từ nguồn tài nguyên đất đai, toàn vùng Tây Nguyên đã phát triển được hơn 900 nghìn cây hằng năm và hơn 1 triệu héc-ta cây lâu năm. Trong đó một số cây trồng chính, như: Cà phê: 573.400ha, sản lượng đạt hơn 1,3 triệu tấn cà phê nhân/năm; cao su: 258.975ha, sản lượng 170 nghìn tấn mủ quy khô/năm; hồ tiêu: 42.955ha, sản lượng hơn 78 nghìn tấn hạt/năm; điều: hơn 70.000ha, sản lượng 65 nghìn tấn/năm; chè: 22.719ha, sản lượng 221 nghìn tấn/năm; lúa: 238.000ha, sản lượng hơn 1,2 triệu tấn thóc/năm; ngô: 248 nghìn héc-ta, sản lượng hơn 1,3 triệu tấn/năm.
Bên cạnh phát triển trồng trọt, Tây Nguyên cũng là vùng có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi. Đến năm 2014, toàn vùng có tổng đàn trâu, bò hơn 802 nghìn con, tổng đàn heo 1,8 triệu con và tổng đàn gia cầm gần 16 triệu con. Những năm gần đây, một số địa phương vùng Tây Nguyên như: Lâm Đồng, Kon Tum và Đắc Lắc còn lợi dụng mặt nước các hồ đập thủy lợi, thủy điện để phát triển ngành nghề nuôi cá nước lạnh, mang lại giá trị kinh tế cao.
Với diện tích cơ cấu cây trồng đã định hình, Tây Nguyên đã và đang hình thành vùng chuyên canh một số cây trồng cho sản phẩm xuất khẩu, như cà phê đang chiếm 90% diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Cà phê Tây Nguyên đưa nước ta lên vị trí thứ hai trong sản xuất và xuất khẩu cà phê thế giới. Mấy năm gần đây, các tỉnh như Lâm Đồng, Kon Tum mở rộng diện tích cà phê chè, cho giá trị kinh tế cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với cà phê vối. Cây hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng đang chiếm 50% diện tích và sản lượng hồ tiêu cả nước. Giá trị các mặt hàng xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, cao su đã đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2014 toàn vùng Tây Nguyên lên đạt con số hơn 2,5 tỷ USD. Điều đáng nói là một số cây trồng như cà phê, hồ tiêu, ngô ở Tây Nguyên đều có năng suất cao hơn từ 5 đến 20% năng suất bình quân chung của cả nước.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Tây Nguyên hiện có hơn 2,5 triệu héc-ta rừng, với 55 công ty lâm nghiệp đang hoạt động, nếu tổ chức quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý, tài nguyên rừng cũng sẽ mang lại nguồn thu lớn và tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bộ phận không nhỏ người lao động.
Có thể nói, với bức tranh nông nghiệp hiện nay cho thấy, Tây Nguyên đã hình thành được cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, định hướng phát triển bền vững. Đặc biệt, một số tỉnh như: Lâm Đồng, Kon Tum và Đắc Nông đã đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị doanh thu bình quân trên diện tích đất canh tác. Theo tính toán của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, mức thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp tại vùng sản xuất hoa, rau ở tỉnh Lâm Đồng đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm; hồ tiêu tại Gia Lai đạt 600 triệu đồng/ha/năm; cà phê tại Đắc Lắc đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm…, cao hơn gấp nhiều lần so với sản xuất lúa ở vùng đồng bằng.
Những năm đầu giải phóng, do nền nông nghiệp manh mún, lạc hậu, sản xuất chủ yếu theo phương thức chọc lỗ tra hạt, với cây ngắn ngày là chủ yếu, năng suất, sản lượng thấp và bấp bênh, sản phẩm làm ra tự cung tự cấp là chính; thậm chí trong thời gian dài, nông dân Tây Nguyên lâm vào tình trạng thiếu lương thực, phải nhờ đến sự cứu đói thường xuyên và đột xuất của Chính phủ. Bước vào thời kỳ đổi mới, nông nghiệp Tây Nguyên đã đạt nhiều thành tựu hết sức to lớn. Đến năm 2014, tổng trị giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 79.788 tỷ đồng, chiếm 41,41% GDP, tăng 55% so với năm 2008 và 32% so với năm 2011; nông nghiệp tiếp tục là ngành sản xuất tạo ra nguồn thu chính cho các tỉnh Tây Nguyên.
Thành công lớn nhất của sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên chính là từ bỏ phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu tiến lên sản xuất hàng hóa với quy mô lớn; nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Đại tá Phạm Xuân Thảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (Quân khu 5)-đơn vị điển hình trong sản xuất nông nghiệp, hiện dẫn đầu về năng suất, chất lượng cà phê vùng Tây Nguyên khẳng định: "Sở dĩ vườn cà phê của đơn vị dẫn đầu về năng suất (với diện tích 812ha cà phê, năng suất bình quân đạt 12,5 tấn quả tươi/ha) là do đơn vị đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời thực hiện đúng quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao theo Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột”.
Có thể nói, những bước tiến vượt bậc của nông nghiệp đã góp phần quyết định, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện đáng kể đời sống người dân Tây Nguyên.
Bài, ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH
Bài 2: Những bất cập cần tháo gỡ