Những hạn chế về hạ tầng
Việc đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế đang là vấn đề thách thức khi nhiều dự án cung cấp, truyền tải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Theo báo cáo cập nhật cân đối cung-cầu điện giai đoạn 2021-2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.
 |
Công nhân Công ty Điện lực Hưng Yên sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện. Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan... Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.
Thực tế cho thấy, hiện nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 78.000MW, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, trong đó, riêng nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.000MW (chiếm gần 30% tổng công suất). Tuy nhiên, thực tế công suất phát điện chỉ được tối đa hơn 40.000MW, chính vì vậy, hệ thống điện vẫn đối mặt với nguy cơ "thừa mà thiếu điện".
Lý giải rõ điều này, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, không phải công suất lắp đặt 78.000MW thì sẽ phát được bấy nhiêu MW vào hệ thống điện. Bởi vào mùa khô, thủy điện sẽ phát được ít hơn do cạn nước. Mùa mưa, nhiều nhà máy thủy điện lớn phải xả bớt nước để đón lũ, lượng nước tích trong hồ thủy điện luôn thấp hơn chỉ số thiết kế. Vì thế, công suất phát điện sẽ giảm đi một phần so với công suất lắp đặt. Thêm nữa là phần lớn các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở miền Trung, miền Nam, nơi nhu cầu và tăng trưởng điện thấp hơn miền Bắc. Trong khi hạ tầng chưa đáp ứng để truyền tải đủ lượng điện từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc.
Riêng với miền Bắc, báo cáo của EVN cho thấy, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, nhưng các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng nhu cầu điện. Các nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo) trong vài năm gần đây cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho phía Bắc do công suất truyền tải qua đường dây 500kV bị giới hạn kỹ thuật ở mức bảo đảm an toàn và ổn định hệ thống.
Thực tế cũng cho thấy, sự cố mất điện trên diện rộng ở phía Bắc vào ngày 4-7 vừa qua được cho là một cảnh báo nguy cơ thiếu điện và nguy cơ sự cố lặp lại là điều có thể xảy ra. Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết nắng nóng làm tiêu thụ điện tăng cao và một số tổ máy phát điện bị sự cố gây dao động điện áp, sau đó gây gián đoạn cung cấp điện tới một số khách hàng ở phía Bắc.
Tiềm năng tiết kiệm điện còn lớn
Nguy cơ thiếu điện đã được chỉ ra. Vậy đâu là giải pháp để bảo đảm cung cấp điện phục vụ cho nền kinh tế, cũng như sinh hoạt của người dân? Ngoài các giải pháp về phát triển nguồn cung điện; khẩn trương triển khai xây dựng đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo; đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các hợp đồng nhập khẩu điện... thì giải pháp quan trọng cần phải tiếp tục xây dựng và thực thi những chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn nữa.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam chưa hiệu quả. Hệ số đàn hồi điện (hiệu quả sử dụng năng lượng/GDP) của Việt Nam đã có bước chuyển đáng kể nhưng vẫn đang ở mức hơn 1,4 lần, chứng tỏ việc sử dụng năng lượng còn lãng phí và cao so với các nước phát triển, thậm chí trong khu vực. “Điện năng là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt so với các mặt hàng khác, không có bán thành phẩm, không thể tồn kho, sản xuất ra là phải tiêu thụ ngay. Chính vì vậy, việc người dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện không những giảm hóa đơn điện cho người tiêu dùng mà còn mang lại hiệu quả cho ngành điện. Còn xét trên bình diện tổng thể, tiết kiệm năng lượng có những lợi ích rất to lớn như bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia; bảo vệ môi trường, giảm rác thải, hiệu ứng nhà kính; giúp cho ngành năng lượng nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển bền vững. Ở mọi quốc gia đều có chính sách về tiết kiệm điện”, ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ.
Hiện nay, Bộ Công Thương đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam đang có dư địa lớn trong nhiều ngành và lĩnh vực. Như với ngành công nghiệp đạt khoảng 20-30%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới hơn 30%; tiềm năng tiết kiệm năng lượng khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ cũng không hề nhỏ. Điều này đặt ra rất nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu quốc gia trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ năng lượng, giảm khí thải, hiệu ứng nhà kính như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, với quyết tâm giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
(còn nữa)
VŨ DUNG