Trong quá trình triển khai dự án, một số khó khăn khách quan đã ảnh hưởng đến công tác thi công, trong đó có việc giá vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng cao. Những vấn đề này hiện đang được cơ quan chức năng xem xét, vừa hỗ trợ cho các đơn vị thi công để thúc đẩy tiến độ dự án, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên các công trường xây dựng dọc chiều dài đất nước, một lượng lớn nhân lực, phương tiện, máy móc, thiết bị đã được huy động với mục tiêu sớm đưa công trình về đích. Nhiều đoạn tuyến của cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị tham gia dự án đã khắc phục khó khăn, nhất là việc bảo đảm nguồn vật liệu.

Bảo đảm nguồn cung vật liệu

Sau hơn một năm thi công, hầm Thung Thi, một trong những hầm dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc-Nam đã được nối thông, đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để kịp tiến độ thông xe. Hầm Thung Thi dài 680m, bề rộng hơn 14m, là hầm có khẩu độ lớn nhất Việt Nam hiện tại. Hạng mục này nằm trong gói thầu XL12 dài 6,6km thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Theo ông Hoàng Đình Thịnh, Phó giám đốc Ban điều hành hầm Thung Thi của Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị thi công, quá trình thực hiện hầm cần khối lượng lớn bê tông xi măng, nhà thầu đang huy động 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc 3 ca liên tục để bảo đảm tiến độ thông xe. Bên cạnh phần hầm chuẩn bị hoàn thành, phần đường dẫn vẫn đang thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp dù thời gian đến mốc thông xe chỉ còn hơn 5 tháng.

"Chúng tôi cần khoảng 20.000m3 đất đắp cho phần đường để hoàn thành. Khắc phục việc cung ứng khó khăn từ các chủ mỏ, nhà thầu phải tìm kiếm nguồn vật liệu từ nơi xa hơn dù tốn thêm chi phí vận chuyển", ông Hoàng Đình Thịnh chia sẻ.

leftcenterrightdel
Thi công hầm Thung Thi thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa, hầm có khẩu độ lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.Ảnh: HƯNG MẠNH

Nối tiếp với dự án thành phần đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 là đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn cũng gặp phải tình trạng tương tự khi nguồn vật liệu đất đắp thiếu hụt. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc quản lý dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn thuộc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, khối lượng đất đắp cho dự án còn cần khoảng 2 triệu mét khối trên tổng số 5 triệu mét khối.

Trong khi đó, nhiều mỏ đất trên địa bàn đã đóng cửa khiến cho nhà thầu không thể tiếp cận được nguồn vật liệu, nguyên nhân chính là do chi phí vận chuyển tăng, việc huy động phương tiện chuyên chở khó khăn khi lực lượng chức năng siết chặt kiểm soát tải trọng xe, một số mỏ hết giấy phép đang làm thủ tục gia hạn... Khi cung không đáp ứng đủ cầu, giá vật liệu đất đắp không ngừng tăng lên, ước tính tại dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn, giá bỏ thầu là 38.000 đồng/m3 đất đắp, hiện đã tăng lên 48.000 đồng/m3 với giá mua tại mỏ, chưa kể chi phí vận chuyển.

"Chúng tôi đang cố gắng để duy trì công tác thi công đất đắp tại dự án, hạn chế khó khăn về nguồn vật liệu. Trong phạm vi dự án có hơn 10km phải xử lý nền đất yếu, cần thời gian gia tải, chờ lún từ 7-10 tháng, nếu không triển khai sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung", ông Nguyễn Ngọc Quỳnh chia sẻ.

Cũng lo lắng về tiến độ khi thời gian thi công không còn nhiều nhưng công việc vẫn dở dang, ông Nguyễn Bá Sỹ, Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex)-Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, đảm nhận gói thầu XL03 dự án Nghi Sơn-Diễn Châu, cho biết, đến nay dự án vẫn bị vướng mặt bằng, đơn cử như hạng mục cầu vượt Diễn Đoài (xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, Nghệ An) còn hơn 20 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

"Cầu vượt Diễn Đoài đã làm xong trụ cầu nhưng mặt bằng đường hai đầu cầu bị vướng dẫn đến chưa thể triển khai tiếp. Quỹ thời gian còn lại đến khi thông tuyến còn khoảng 12 tháng, riêng phần cầu dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2022, tuy nhiên, đến nay nhà thầu chưa làm chủ được tiến độ do còn vướng mắc", ông Nguyễn Bá Sỹ bày tỏ. Đơn vị thi công đã lên kế hoạch tăng ca, tăng kíp và thực hiện các giải pháp kỹ thuật để bù đắp khoảng thời gian chờ đợi.

Kịp thời tính toán biến động giá cả

Đối với gói thầu xây lắp thuộc dự án hạ tầng giao thông đường bộ, trong giá thành xây dựng, tỷ trọng chi phí vật liệu chiếm khoảng 50-65%, một số gói thầu chiếm hơn 65%. Yếu tố khác là nhiên liệu xăng, dầu cấu thành nên chi phí đầu vào, tác động trực tiếp đến cước vận chuyển, giá cả máy xây dựng; ngoài ra, biến động giá nhiên liệu còn ảnh hưởng đến giá các loại vật liệu khác do chi phí vận chuyển tăng.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), do biến động giá vật liệu, nhiên liệu, giá thành xây dựng của gói thầu xây lắp dự kiến tăng khoảng 12-18% (sử dụng mức giá nhiên, vật liệu tại thời điểm quý II-2022 cho khối lượng thi công còn lại); trong khi đó, giá trị bù giá theo chỉ số giá do địa phương công bố được khoảng 8-12%.

Ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Vinaconex cho hay, tại dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, giá trị hợp đồng gói thầu XL04 là 2.809 tỷ đồng (không bao gồm dự phòng), chỉ riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) so với giá trị hợp đồng hiện đã khoảng 468 tỷ đồng (tăng 16,7%), trong khi tỷ lệ bù giá theo công thức hợp đồng đến nay trung bình được 8%.

Gói thầu số 3 đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, giá trị phần việc của Vinaconex là 1.603 tỷ đồng (trừ dự phòng), trong đó, riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng so với giá trị hợp đồng hiện đã khoảng 626 tỷ đồng (tăng 39%), tỷ lệ bù giá theo công thức hợp đồng đến nay trung bình được 3,8%. Tính trung bình với cả 5 gói thầu mà Vinaconex đảm nhận thi công trên cao tốc Bắc-Nam, chi phí biến động giá vật liệu xây dựng tăng hơn 21%, nếu tính cả biến động máy thi công, nhân công khoảng 28%, trong khi đó tỷ lệ bù giá theo công thức hợp đồng đến nay trung bình được 6%.

Thống kê của Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam cho thấy, nhiều loại vật liệu có biến động giá lớn, đơn cử như giá đất đắp hiện tăng khoảng 30-50% (cá biệt có gói thầu tăng 154%), cát vàng tăng khoảng 15-40% (có gói thầu tăng 187%), giá nhựa đường tăng khoảng 35-50%, giá đá sản xuất bê tông nhựa tăng khoảng 20-55%, giá cấp phối đá dăm tăng khoảng 30-45% (có gói thầu tăng 129%).

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu dầu diesel có thời điểm tăng 138-163%, giá thép tăng khoảng 40-50% (một số thời điểm tăng đến 70%), xi măng tăng khoảng 20-35% (cá biệt có gói thầu tăng 47%)... Cộng các biến động một số loại vật tư, vật liệu chính đã tăng 20-30% so với giá trị hợp đồng, chưa tính đến biến động máy thi công, nhân công. Hiện nay, tại nhiều dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam, các nhà thầu đang cố gắng duy trì cường độ công việc. Tuy nhiên, tác động của việc tăng giá vật liệu, nhiên liệu có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động thực tế tại công trường. Điều này đòi hỏi cần có giải pháp trong thời gian tới, giúp dự án cao tốc Bắc-Nam giữ vững tiến độ, kịp "về đích" theo kế hoạch.

(còn nữa)

GIA MINH - MẠNH HƯNG