Kể từ lần đầu tiên có đoàn học sinh tham dự Ô-lim-pích Toán học quốc tế (IMO) vào năm 1974 đến nay, nước ta trải qua 33 lần tham dự với 164 học sinh đoạt giải. Trong đó, có 37 Huy chương Vàng (HCV), 75 Huy chương Bạc (HCB) và 53 Huy chương Đồng (HCĐ). Đặc biệt, trong các lần tham dự, đội tuyển học sinh Việt Nam luôn đứng trong bảng xếp hạng10 nước có thành tích cao nhất kỳ thi. Nước ta đã tạo được những ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế về khả năng giải toán cũng như triển vọng Toán học...

Lễ xuất quân của Đội tuyển Ô-lim-pích Toán Việt Nam. Ảnh: Internet

Những thí sinh đặc biệt

TSKH Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban tổ chức IMO 2007 cho biết, năm 1974, tại IMO lần thứ 16 tổ chức tại Cộng hoà dân chủ Đức nước ta có 5 học sinh dự thi. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đội tuyển tham dự IMO nên trên đường đi sang Đức dự thi, đoàn học sinh nước ta qua Liên Xô tập huấn với đội tuyển Liên Xô khoảng một tuần. Tại đây, các thầy giáo của đội tuyển Liên Xô ra một số bài toán cho học sinh Việt Nam làm thử. Không ngờ các học trò của ta giải rất nhanh nên các thầy cho rằng: không cần bồi dưỡng gì thêm, vì trình độ giải Toán của học sinh Việt Nam yên tâm rồi.

Và kết quả năm đó, đoàn Việt Nam đã giành chiến thắng với 4/5 học sinh đoạt giải, gồm 1 HCV của Hoàng Lê Minh (lớp 10 phổ thông chuyên Toán, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội), 1 HCB của Vũ Đình Hoà (lớp 10 phổ thông chuyên Toán, Trường đại học Sư phạm Hà Nội) và 2 HCĐ của Đặng Hoàng Trung (lớp 10 phổ thông chuyên Toán, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) và Tạ Hồng Quảng (lớp 10 phổ thông chuyên Toán-Trường đại học Sư phạm Hà Nội). Đoàn Cu-ba đã nhiều lần tham dự IMO nhưng ít được giải, các thầy giáo và học sinh Cu-ba đã nói rằng: Cu-ba không đoạt giải nhưng Việt Nam đoạt giải thì coi như Cu-ba được rồi… Lần ra mắt của nước ta ngày ấy không chỉ tạo được ấn tượng rất tốt với các thầy giáo Liên Xô, Cu-ba mà còn với nhiều nước khác tham dự.

Trong số hàng trăm học sinh đoạt giải của nước ta, nhiều học sinh đoạt HCV với số điểm tuyệt đối 42/42 và giành giải thưởng đặc biệt khác. Đó là Lê Bá Khánh Trình (lớp 10, phổ thông chuyên Toán, Trường Quốc học Huế), ngoài giải thưởng HCV với số điểm tuyệt đối (42/42) Lê Bá Khánh Trình còn được nhận giải đặc biệt cho thí sinh có lời giải độc đáo của IMO 21 tổ chức tại Anh năm 1979. Thí sinh Lê Tự Quốc Thắng (Trường THPT Lê Hồng Phong-Thành phố Hồ Chí Minh) đạt điểm tuyệt đối 42/42 năm 1982 tại Hung-ga-ri; thí sinh Đàm Thanh Sơn (lớp phổ thông chuyên Toán-Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) đạt điểm tuyệt đối năm 1984 tại Tiệp Khắc; thí sinh Đinh Tiến Cường, lớp 12 phổ thông chuyên Toán (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) đạt điểm tuyệt đối năm 1989; Ngô Bảo Châu (lớp 11 phổ thông chuyên Toán - Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) đạt điểm tuyệt đối năm 1988. Năm 1978, tại Ru-ma-ni, đoàn Việt Nam có 8/8 học sinh đoạt giải và được nhận thêm hai Bằng khen của Bộ Giáo dục và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Ru-ma-ni. Đó là đoàn duy nhất có 8 học sinh đoạt giải và học sinh ít tuổi nhất đoạt giải (Nguyễn Hồng Thái, 15 tuổi, học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội). Tại Nhật Bản năm 2003, đội tuyển nước ta cũng đạt thành tích rất cao với 6/6 học sinh đoạt giải gồm 2 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Đặc biệt, năm đó, toàn kỳ thi có 3 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 thì Việt Nam "chiếm" tới 2 thí sinh đó là Lê Hùng Việt Bảo và Nguyễn Trọng Cảnh (Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2004 tại Hy Lạp được đánh giá là năm đội tuyển nước ta đạt thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự IMO với 4 HCV và 2 HCB, xếp vị trí thứ 4 toàn đoàn trong số 85 nước và vùng lãnh thổ tham dự, đứng sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Cộng hoà Liên bang Nga.

Nhờ những thành tích nổi bật đó mà một số nước ASEAN như: Thái Lan và Xin-ga-po đã sang Việt Nam tìm hiểu, học tập kinh nghiệm công tác đào tạo học sinh giỏi Toán.

Kỳ thi này, sẽ lại đứng trong Top 10?

Đội tuyển Việt Nam tham dự IMO 48 năm nay có 6 học sinh đến từ nhiều trường chuyên của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là những học sinh đã được tuyển chọn trong số hàng chục học sinh giỏi quốc gia và vượt qua hai vòng tuyển chọn học sinh tham dự Ô-lim-pích quốc tế. Trong đó có 4 học sinh lớp 12 và 2 học sinh lớp 11. Đa số học sinh đội tuyển lần này sinh ra và lớn lên ở các "tỉnh lẻ", có em ở vùng miền núi, trung du…

Nguyễn Xuân Chương sinh ra và lớn lên ở miền quê Phú Thọ nhưng lại học ở Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc. Bố mẹ đều làm nghề nông, nhưng em có niềm say mê học tập từ nhỏ và có nghị lực rất lớn. Em đã từng đoạt giải ba học sinh giỏi Toán Vĩnh Phúc lớp 10, đoạt Huy chương vàng Xin-ga-po mở rộng và Huy chương vàng trại hè Hùng Vương dành cho học sinh giỏi Toán. Lớp 11, em đoạt giải nhì Toán của tỉnh và lên lớp 12 thì đoạt giải nhì học sinh giỏi Toán quốc gia… Lê Ngọc Sơn là học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên tỉnh Bắc Giang và Đặng Ngọc Thanh (lớp 12 Trường THPT chuyên tỉnh Quảng Bình) là hai đại diện đầu tiên của các tỉnh trung du, miền núi

Đội tuyển Việt Nam tham dự IMO 48 năm nay có 6 học sinh đến từ nhiều trường chuyên của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là những học sinh đã được tuyển chọn trong số hàng chục học sinh giỏi quốc gia và vượt qua hai vòng tuyển chọn học sinh tham dự Ô-lim-pích quốc tế. Trong đó có 4 học sinh lớp 12 và 2 học sinh lớp 11. Đa số học sinh đội tuyển lần này sinh ra và lớn lên ở các "tỉnh lẻ", có em ở vùng miền núi, trung du…

trong đội tuyển quốc gia tham dự Ô-lim-pích quốc tế. Hai em từng đoạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi tỉnh và quốc gia. Lê Ngọc Sơn từng đoạt giải nhất Toán tỉnh Bắc Giang năm lớp 9 và đoạt giải ba Toán quốc gia năm lớp 11. Còn Đặng Ngọc Thanh, từ lớp 5 đến lớp 12 năm nào cũng đoạt giải nhất, nhì Toán của tỉnh Quảng Bình, riêng lớp 12 em đoạt giải khuyến khích quốc gia. Phạm Thành Thái hiện đang là học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên tỉnh Hải Dương cũng liên tục đoạt giải nhất, nhì học sinh giỏi Toán tỉnh, giải ba quốc gia lớp 11 và giải khuyến khích quốc gia lớp 12… Đỗ Xuân Bách và Phạm Duy Tùng là hai học sinh thuộc khối phổ thông chuyên Toán của Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Bách sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nam Định, từng nổi tiếng "giỏi Toán" ở Trường THPT chuyên của tỉnh này. Còn Phạm Duy Tùng là đại diện duy nhất của học sinh Hà Nội tham dự. Từ bậc tiểu học đến nay, em đã giành được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, các cuộc thi mở rộng và quốc gia. Tùng là học sinh lớp 11, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà thành, bố mẹ không có ai theo Toán học nhưng bố em là người vốn học rất giỏi Toán.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó trưởng đoàn Việt Nam tại IMO 2007 cho biết: Đội tuyển được tập trung từ ngày 21-6 đến nay. Trong những ngày ôn tập tại Hà Nội, các em ở tập trung tại Khách sạn Phương Nam (Láng Hạ), mỗi phòng 2 em, điều kiện sinh hoạt đảm bảo, yên tĩnh, an ninh tốt. Hằng ngày, chúng tôi đến thăm thấy tất cả các em đều rất ngoan, chấp hành tốt các quy định của đoàn đề ra. Mặc dù là tối thứ bảy, nhưng các em rất ít ra ngoài mà chăm chỉ học tập, ôn luyện. Mỗi ngày, chúng tôi quy định học buổi sáng từ 8 đến 11 giờ, chiều từ 2 giờ đến 5 giờ. Các giờ khác là thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Tại đây, có sân thể thao, bể bơi, ngoài giờ học, các em đều tham gia đá bóng, đá cầu, cầu lông, đi bơi… Mấy ngày trước, đoàn đã tổ chức cho các học sinh đi tham quan dã ngoại một số điểm di tích, danh thắng trên địa bàn Hà Nội như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bảo tàng, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Đại học FPT… để các em được thư giãn về tinh thần, thoải mái tâm lý bước vào ngày thi.

Nói về những thuận lợi, khó khăn của đội tuyển năm nay, ông Hoàng phân trần: được dự thi tại nước mình thì các học sinh Việt Nam không phải di chuyển xa, đi lại nhiều nên giữ được sức khỏe tốt. Thời tiết khí hậu, múi giờ, điều kiện ăn uống, sinh hoạt phù hợp sẽ thuận lợi cho việc học tập, nghỉ ngơi của học sinh… Tuy nhiên, đội tuyển lại gặp khó khăn, thiệt thòi khác là trong quá trình ôn tập thì các thầy có kinh nghiệm huấn luyện những năm trước ở Viện Toán học và một số trường đại học năm nay không hướng dẫn các em được vì phải đi chọn đề thi.

- Mặc dù có những khó khăn trong quá trình ôn luyện nhưng tất cả 6 em đều rất cố gắng, không để bị sức ép tâm lý chi phối. Trong ngày xuất quân, thầy trò chúng tôi đã cùng nhau quyết tâm phấn đấu hết sức mình. Hy vọng năm nay, đội tuyển chúng ta sẽ đoạt được HCV và tiếp tục đứng trong Top 10 nước có thành tích cao nhất, xứng đáng với niềm tự hào là học sinh Việt Nam-ông Nguyễn Đức Hoàng thể hiện rõ quyết tâm như thế.

Hà Thanh Minh