Thí điểm ở những "vùng xanh" tiêu biểu

Kết thúc 15 ngày (từ 23-8 đến 6-9) tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quận 7 là địa bàn cấp quận đầu tiên của TP Hồ Chí Minh đã kiểm soát được dịch Covid-19. Theo đồng chí Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7, tính chủ động, linh hoạt của địa phương là rất quan trọng, quyết định hiệu quả PCD. Quận 7 đã thực hiện nhiều giải pháp, nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội. Tất cả 10 phường trên địa bàn đã thi đua xây dựng "vùng xanh", trở thành những “pháo đài” vững chắc.

Huyện Củ Chi cũng đã kiểm soát được dịch bệnh. Từng xã, thị trấn đã thành lập các tổ công tác đặc biệt, tổ an sinh xã hội tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ an sinh xã hội, kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách. Đến nay, huyện Củ Chi chỉ còn 1 xã "vùng cam", 3 xã "vùng vàng", 3 xã "vùng cận xanh", 14 xã, thị trấn là "vùng xanh" trên bản đồ Covid-19.

Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh tặng quà hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn. 

Nói về kinh nghiệm PCD, đồng chí Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi chia sẻ: Công tác xét nghiệm được huyện tập trung thực hiện nên phát hiện F0 rất nhanh, đưa tất cả vào khu điều trị với tỷ lệ bệnh chuyển nặng dưới 3% và triển khai tiêm phủ vaccine cho người dân. Cùng với đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội là giải pháp căn cơ để người dân an tâm ở nhà, tuân thủ giãn cách. Huyện đã xây dựng “Bản đồ an sinh xã hội” để cập nhật số lượng, tiến độ thực hiện chăm lo trên địa bàn từng ấp, khu phố, từng xã, thị trấn được sự đồng thuận cao của người dân.

Kết thúc 15 ngày tăng cường giãn cách xã hội, dù diễn biến dịch còn rất phức tạp nhưng công tác PCD của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã đi đúng hướng, có những thay đổi tích cực. Tại TP Hồ Chí Minh, phong trào tự quản bảo vệ "vùng xanh" được nhân rộng toàn thành phố với gần 12.300 tổ (chiếm hơn 48% tổ dân phố). Người dân tại các "vùng cam", "vùng đỏ" được xét nghiệm với tổng số hơn 2 triệu mẫu test nhanh thực hiện đợt 1, có tỷ lệ 3,66% mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, tỷ lệ dương tính ghi nhận tại "vùng xanh", "cận xanh" là 0,8%, "vùng vàng" là 1,5%. Việc điều trị F0 có chuyển biến tích cực, số bệnh nhân được xuất viện tăng cao, giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

Việc quận 7 và huyện Củ Chi là hai địa phương công bố kiểm soát được dịch Covid-19 là nguồn cổ vũ to lớn cho công tác PCD hiện nay, là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, thay đổi chiến lược PCD của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Thêm tín hiệu đáng mừng là huyện Cần Giờ về cơ bản cũng đã kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế. TP Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương cũng đã hoàn thành mục tiêu xóa "vùng đỏ" để trở lại trạng thái bình thường mới từ ngày 10-9. 

Phục hồi kinh tế trên nguyên tắc an toàn

UBND TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau ngày 15-9. Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh là sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch. Để thực hiện tốt, cần phải bảo đảm các yêu cầu về hệ thống y tế vững chắc, bao phủ vaccine, thuốc điều trị... Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở phải chuẩn bị tâm thế cho người dân, chuẩn bị thói quen, tạo lập lối sống chậm trong điều kiện bình thường mới, luôn cảnh giác, thực hiện các quy định của Bộ Y tế và phải bảo đảm tốt an sinh xã hội.

 Bộ đội Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 hỗ trợ địa phương đưa hàng hóa đến với người dân. 

Nếu sau ngày 15-9, tình hình chuyển biến tốt, thành phố sẽ mở cửa trở lại một số hoạt động ở những địa bàn an toàn, ngành nghề có nhân lực bảo đảm an toàn. Cùng với hai địa phương thí điểm mở cửa trở lại là quận 7 và huyện Củ Chi, các địa phương khác cũng sẽ tập trung các giải pháp giữ vững "vùng xanh". Đồng chí Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết thêm, dự kiến từ ngày 20-9 quận sẽ mở cửa trở lại có điều kiện đối với cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố. Trong thời gian đầu, quận 7 hạn chế thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày, khuyến khích bán hàng trực tuyến.

Các quận, huyện khác và TP Thủ Đức cũng đã có những bước chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi kinh tế sau ngày 15-9. Trong đó sẽ ưu tiên những ngành trọng yếu, thiết yếu và mở cửa từng bước, thận trọng, chắc chắn. PGS, TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), trưởng nhóm nghiên cứu đề tài “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh giai đoạn Covid-19 lần thứ 4”, đề xuất: Việc tái khởi động, phục hồi kinh tế cần lưu ý đến vai trò điều phối chính sách phục hồi kinh tế gắn với các chính sách an sinh xã hội, y tế, PCD, tiêm vaccine, lao động, việc làm, giao thông vận tải, giáo dục... Kế hoạch khôi phục kinh tế được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tiễn, tạo động lực từ sự phối hợp theo chiều ngang (giữa các bộ, ngành) và chiều dọc (giữa các cấp chính quyền) mới đạt hiệu quả.  

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch PCD Covid-19 và phục hồi kinh tế, thành lập 4 tổ công tác. Trong đó, Tổ công tác phục hồi kinh tế có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, các giải pháp cho phục hồi kinh tế trong giai đoạn từ ngày 15-9 đến 31-12, giai đoạn năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong buổi nói chuyện trực tuyến mới đây với nhân dân thành phố, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban chỉ đạo PCD Covid-19 thành phố cho rằng, thành phố là trung tâm dịch vụ, thương mại nên cách tiếp cận nới lỏng giãn cách phải an toàn. Đó là dựa trên nguyên tắc an toàn dịch bệnh, an toàn tới đâu mở tới đó, từng bước chắc chắn, bảo đảm an toàn cho người dân, không chủ quan khi dịch bệnh còn phức tạp.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG