Đột quỵ được cho là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật, nhưng nếu người bệnh được lưu thông mạch máu trong vòng 90 phút sẽ giúp gia tăng đáng kể tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.
Thiết bị này được điều khiển từ xa để có thể đi qua cấu trúc mê cung não và phá vỡ các cục máu đông, đồng thời bơm vào các loại thuốc thích hợp để cứu sống nạn nhân, các nhà khoa học cho biết.
Hiện tại, các bác sĩ phẫu thuật đang phải thực hiện phương pháp thủ công đó là đưa một sợi dây mỏng qua chân hoặc háng của bệnh nhân và đưa sợi dây này lên não.
 |
Robot hình sợi có thể làm tan các cục máu đông giúp lưu thông mạch máu. |
Đây là một thủ tục nguy hiểm khi hiện tại, không có nhiều bác sĩ phẫu thuật được đào tạo chuyên về kỹ thuật này, và trong quá trình thực hiện, các bác sĩ phải tiếp xúc với lượng phóng xạ cao từ tia X mới có thể có được hình ảnh mạch máu của bệnh nhân.
Ngược lại, robot mới này có thể được điều khiển thông qua một máy tính với độ an toàn cao hơn và chính xác hơn. Do đó, nó sẽ không chỉ giúp cho bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sau đột quỵ mà còn làm giảm sự tiếp xúc của các bác sĩ phẫu thuật với tia bức xạ.
Phát minh trên được các kỹ sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ thử nghiệm thành công trong một bản sao silicon của não.
Theo đó, robot đã được thử nghiệm khả năng “vượt chướng ngại vật” trong một vật thể có đường xoắn hẹp và họ sử dụng nam châm ở khoảng cách nhất định bên ngoài cơ thể bệnh nhân để giúp điều hướng thiết bị.
|
Clip mô phỏng cơ chế hoạt động của robot. |
Bên cạnh đó, các kỹ sư đã chế tạo một bản sao kích thước thật của mạch máu não và nhận thấy rằng, robot không chỉ có thể dễ dàng luồn lách qua các chướng ngại vật trong vật thể đó, mà còn có khả năng lưu thông mạch máu bằng các công cụ hỗ trợ giống như cơ chế đưa thuốc làm tan cục máu đông.
Họ thậm chí đã thay thế thành công lõi kim loại của robot sợi bằng cáp quang, để khi tới đích, nó có thể phóng ra các xung laser mạnh mẽ giúp phá vỡ sự tắc nghẽn trong mạch máu.
Robot sợi này được làm từ hợp kim niken-titan, hay “nitinol” có khả năng uốn cong và đàn hồi như lò xo. Nó được phủ bằng hydrogel, một vật liệu thích ứng tốt với phản ứng của các hạt từ tính bên dưới và khiến cho sợi dây có bề mặt nhẵn, không ma sát, không tương thích sinh học.
Giáo sư Xuanhe Zhao, thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết: Nếu bệnh nhân bị đột quỵ cấp tính được điều trị trong vòng 90 phút đầu tiên hoặc lâu hơn, thì tỷ lệ sống sót của bệnh nhân có thể tăng đáng kể, đồng thời tránh được nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn.
KHÁNH NGÂN (theo The Telegraph, Gizmodo)