Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là Scott Boyd - Phó Giáo sư về dịch tễ học thuộc trường Y khoa Stanford, đã tiến hành một cuộc thử nghiệm kéo dài ba ngày, bắt đầu từ ngày 6-4, tại Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Standford.

Khác với các xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 hiện nay thường được tiến hành thông qua việc phát hiện vật liệu di truyền từ virus có trong dịch tiết đường hô hấp, ở đây, các nhà nghiên cứu Mỹ đã thực hiện xét nghiệm bằng cách tìm kháng thể với virus trong huyết tương để tìm hiểu về phản ứng miễn dịch của con người khi nhiễm Covid-19.

Các nhà khoa học sử dụng phương pháp ELISA để phát hiện các kháng thể chống SARS-CoV-2.

Dựa trên phương pháp ELISA (một phương pháp sinh hoá sử dụng chủ yếu trong miễn dịch học để phát hiện sự hiện diện của một kháng thể hoặc kháng nguyên trong một mẫu), các nhà khoa học đã phát hiện ra hai loại kháng thể khác nhau có trong các mẫu máu này bao gồm IgM và IgG. Kháng thể IgM được tạo ra ngay từ đầu trong phản ứng miễn dịch và nhanh chóng suy giảm. Trong khi đó, kháng thể IgG có mức tăng chậm hơn sau khi cơ thể nhiễm virus, nhưng lại có thể tồn tại trong cơ thể lâu hơn.

Theo các dữ liệu thu được ở Trung Quốc và châu Âu, đây có thể là chuỗi phản ứng tiếp theo của virus này. Theo Giáo sư Thomas Montine, Trưởng khoa Dịch tễ học thuộc trường Y khoa Stanford, hiện vẫn chưa rõ các kháng thể này có thể tồn tại trong cơ thể bao lâu sau khi con người nhiễm bệnh. 

Phát hiện này có thể giúp chúng ta đưa ra lời giải đáp cho các vấn đề liên quan tới Covid-19. 

"Thử nghiệm huyết thanh học cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về những gì đang diễn ra trong cơ thể người bệnh sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2”, theo Giáo sư Thomas Montine, Trưởng khoa Dịch tễ học thuộc trường Y khoa Stanford. Điều đó sẽ giúp chúng ta đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là trong thời điểm chưa có vaccine hay phương pháp điều trị dứt điểm cho căn bệnh này.

KHÁNH NGÂN (theo Medical Xpress)