Chúng tôi, những cô cậu học sinh cấp 2 biết ca khúc qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, thuộc ngay và đi đâu cũng hát.

Có điều, chúng tôi chưa nhận ra là giọng đọc thơ của Bác vào Tết năm ấy không được khỏe như các Xuân trước. Và rồi, Quốc khánh năm ấy, “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa” khi Bác trút hơi thở cuối cùng. Những đứa trẻ chúng tôi khóc Bác nức nở cùng ông bà, cha mẹ, thầy cô… Nước mắt người dân quê tôi hòa vào nước mắt của dân tộc, của bạn bè năm châu trong nỗi tiếc thương Bác vô hạn. Bác ra đi khi khát vọng Bắc-Nam sum họp chưa thành hiện thực. Mãi 6 năm sau, vào mùa Xuân năm 1975, chúng ta mới hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Nguyện vọng, cũng là niềm tin không gì lay chuyển được của Bác khi Người còn sống, cũng là nguyện vọng, niềm tin của cả dân tộc Việt Nam: Bắc-Nam sum họp, đã trở thành hiện thực đẹp đẽ.

Đất nước sau hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược lâu dài, tàn khốc, lại phải trải qua những gian lao chồng chất, đối mặt với những biến động khó lường. Nền kinh tế nước nhà trước thời đổi mới có lúc đã “chạm đáy”. Một giang sơn với nền văn minh lúa nước lâu đời, với hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long thẳng cánh cò bay mà vẫn không đủ gạo cho người dân; có xấp xỉ 1 triệu ki-lô-mét vuông biển, đảo mà vẫn thiếu muối dùng… Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, cùng nghĩa cử giúp nhân dân đất nước Chùa Tháp thoát khỏi họa diệt chủng… càng chồng chất thêm cam go. Đó là những tháng năm cả dân tộc gồng mình vượt gian nguy, gìn giữ bờ cõi và trăn trở tìm lối “thoát hiểm”, dần ổn định, đi lên. Diễn biến thế giới cũng đầy bất ngờ và bất lợi với chúng ta, khi hệ thống XHCN không còn sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ; niềm tin vào lý tưởng, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn từ những năm 30 của thế kỷ 20 trải qua thử thách, khó khăn hơn bao giờ hết.

“Lạc nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng thành công”-Bài thơ “Học đánh cờ” của Hồ Chí Minh trở thành một chiêm nghiệm, một nhắc nhở lịch sử quý báu. Và nữa, bài học thực tiễn của năm 1946, khi thể chế dân chủ cộng hòa ở nước ta mới tuổi thôi nôi, lời căn dặn “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Bác Hồ trở thành phương sách hành động của Đảng và toàn dân tộc, vẫn còn nguyên giá trị cho mãi sau này. Công cuộc đổi mới khởi sinh từ “cái mốc” năm “Con hổ”-1986, tạo ra những chuyển động mới mẻ, lớn lao về kinh tế, xã hội… của đất nước, cùng sự hòa nhập ngày càng sâu rộng, chững chạc của Việt Nam với thế giới.

Dù còn không ít yếu kém, khuyết điểm, nhưng những thành công, thành tựu quan trọng mà công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện đã mang lại là không thể phủ nhận. Một quốc gia thống nhất hòa bình, giữ vững chủ quyền; một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đạt được những kết quả quan trọng, một vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, một sự hòa nhập chững chạc, sâu rộng vào khu vực và thế giới rộng lớn…, là thành tựu rất đáng tự hào. Tuy còn có những “mảng tối” trong bức tranh toàn cảnh, nhưng dễ nhận thấy nhiều vầng sáng lung linh trên Tổ quốc ta. Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế nước nhà đang ổn định ở tầm vĩ mô, có những chuyển biến rất tích cực với sự liên kết kinh tế quốc tế đã, đang, sẽ diễn ra nhanh chóng và dần thay đổi bản chất, từ liên kết nội vùng nhỏ hẹp sang liên kết xuyên vùng, xuyên khu vực rộng lớn, như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Liên minh kinh tế Á-Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…

Nước sẽ vững khi lòng dân yên, đó là yêu cầu của sự ổn định và phát triển. Bài học về lấy dân làm gốc thể hiện rất đậm nét, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài học ấy có trong suy ngẫm, cũng là lời căn dặn của Người trong Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17-10-1945: “… nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”; “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Những điều Bác nói thật mộc mạc, thuần phác mà sâu sắc, thấm thía biết bao! Nước nhà thống nhất độc lập phải gắn liền với hạnh phúc tự do của nhân dân, đó là khát vọng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm Bính Thân 2016, có 2 sự kiện trọng đại đối với Đảng, đất nước, dân tộc ta, đó là Đại hội lần thứ XII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Thiết nghĩ, trong mỗi đảng viên, cán bộ và đại biểu của nhân dân càng phải thấm nhuần lời dặn dò của Bác: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trong thời khắc thiêng liêng bước sang năm mới, chúng ta càng nghe rõ hơn, thấm nhuần sâu sắc hơn những lời dặn dò ân cần của Bác. Và niềm tin, hy vọng thêm bừng sáng cùng mùa Xuân mới đã về trên Tổ quốc thân yêu!

NGUYỄN HỮU QUÝ