Tương truyền có một lần Đức Thánh qua đây. Khi đó, ngựa của người đã bị thương rất nặng. Người nhìn mặt nước mênh mông, rồi hướng về núi Tản xanh mờ, lòng đầy lo lắng. Nếu cho ngựa vượt sông thì e rằng sức nó đã kiệt. Tay người dắt con ngựa ròng ròng máu đi dọc bờ sông. Nắng trưa táp lên những cồn cát nhức mắt. Bỗng người nhìn thấy một người con gái đang cắm cúi cắt cỏ. Người cất tiếng gọi: “Hỡi cô gái, hãy giúp ta!”.

Cô gái khép nép cúi đầu trước vị tướng quân.

- Ngươi hãy gánh giúp ta mươi gánh nước lên đây!

- Thưa! Con chỉ có đôi sọt đựng cỏ!

- Được! Ngươi cứ lót cỏ dưới đáy sọt rồi múc nước mang lên.

Cô gái làm theo. Nàng cúi xuống chao nghiêng miệng sọt. Các ngọn cỏ bỗng dựng đứng lên. Ngọn cỏ cao đến đâu, nước đầy đến đó. Nàng phăm phăm gánh nước chạy lên bờ. Hai cột nước sóng sánh, đầy ắp, nhưng không một giọt rơi ra ngoài.

Vị tướng quân vội lấy mũ đồng múc nước ở sọt giội lên lưng, lên đầu ngựa. Con ngựa rùng mình, xù bờm. Tướng quân múc nước rửa mặt, rửa tay. Bỗng người nắm chặt một túm cỏ, chắp hai tay, quỳ xuống, hướng về núi Tản. Người rì rầm gọi Mẹ Núi và cầu xin Mẹ hiển linh. Lạ thay, nắm cỏ trong tay người bỗng sáng bừng lên và trào ra một dòng nước trắng, sánh như sữa. Người vò nát nắm cỏ, áp vào vết thương ở ức ngựa. Vết thương từ từ liền dấu. Con ngựa cất vó, hý vang. Tướng quân mặc giáp, nhảy lên mình ngựa. Người cúi xuống và nói:

- Hỡi con gái! Ta cảm ơn con! Từ nay con đã biết tác dụng của những ngọn cỏ ở bờ sông này. Con hãy làm theo lời ta dặn…

Tiếng người âm âm như sấm rền. Khi cô gái ngẩng đầu lên thì cả người và ngựa của vị tướng quân đã bay đến gần bờ sông bên kia.

 Minh họa: MẠNH TIẾN.

Mọi người được chứng kiến cảnh ấy đều sụp xuống, lạy theo; họ biết rằng Đức Thánh đã ngự giá qua đây. Tại nơi người giội nước rửa mặt và tắm cho ngựa, dân làng lập đền thờ, đặt tên là Ngự Dội. Mấy ngàn năm nay, đền vẫn được người dân Duy Bình gìn giữ, tu tạo và hương khói thờ phụng.

Vào những năm cuối thập niên 1940, Duy Bình nằm ở vùng giáp ranh của một cuộc chiến. Bên kia là Sơn Tây do giặc Pháp chiếm đóng. Bên này là vùng tự do của cuộc kháng chiến do Cụ Hồ lãnh đạo. Đền Ngự Dội thành một điểm gác tiền tiêu của những người kháng chiến.

Năm ấy, được biết quân giặc rục rịch chuyển quân lớn, Tiểu đoàn 64 bộ đội tỉnh Vĩnh Yên cử người qua sông trinh sát. Người đó là Bình, 20 tuổi, quê gốc thị xã Sơn Tây. Đêm đó, anh quyết định vượt sông. Anh miết tay quơ chèo, khỏa nước thật mạnh, cố vượt nhanh qua quãng sông trống. Bỗng òa sáng, sáu ngọn đèn pha chụp lên thuyền anh. Rùng rùng… hàng chục họng súng phát nổ. Một quả đạn moóc-chi-ê nổ tung giữa lòng thuyền. Bình bị hất ra xa và ngất đi. Anh lịm dần, lịm dần trong muôn vàn đốm hoa màu tím hoa cà…

Bỗng anh thấy có một bàn tay mềm mại nâng anh lên, đẩy theo dòng nước, vào bờ. Lũ giặc lùng sục một chặp, rồi lặng lẽ rút. Bình lơ mơ trong cơn hôn mê. Một quầng sáng xanh ngắt như một cơn bão sao băng hắt vào mặt. Thấp thoáng trong màn sương mờ hiện ra một người con gái thôn quê, váy đen, yếm nâu. Chiếc áo cánh của nàng đã được cởi ra cuốn chặt vào đùi Bình để cầm máu. Trong ánh sáng chập chờn, Bình thấy nàng lặng lẽ giật những nắm cỏ, đặt lên môi Bình, vắt mạnh. Những giọt nước thơm ngào ngạt nhỏ xuống. Anh lờ mờ thấy dâng lên vị ngọt của mật ong, vị thơm nồng của sữa mẹ…

Đồng đội đã tìm thấy anh, ai cũng lấy làm lạ: Anh được đặt trên một vạt cỏ lau, êm như một chiếc giường. Vết thương giập nát, gãy xương, thế mà máu không chảy. Miệng anh ngậm một búm cỏ đã vò nát, tỏa mùi thơm là lạ.

Bình được đưa đi gấp trong đêm, chiều hôm sau mới đến được Bệnh viện Đoan Hùng. Các bác sĩ quân y chưa bao giờ gặp một ca thương binh lạ như thế. Vết thương sâu, bị ngấm nước, di chuyển xa trong thời tiết nóng bức, thiếu vệ sinh mà không bị nhiễm trùng. Với những vết thương như thế, người khác phải hai ba tháng mới đi lại được. Riêng Bình, sau một tháng được các bác sĩ chăm sóc, anh đã khỏe. Bình ra viện, bặt tin từ ngày đó.

Đền Ngự Dội mở lễ hội đầu tiên của thiên niên kỷ mới.

Trên một con phà lớn, lẫn trong đoàn múa rồng, múa lân tưng bừng đi rước nước, có một ông già cụt một chân, ngồi bên chiếc nạng, trầm ngâm dõi sang bờ Bắc, người đó là ông Bình. Năm nay ông đã ngoài 70 tuổi. Tuy vậy, nước da ông vẫn săn chắc, đỏ au. Ông thẫn thờ: Chỗ kia chính là nơi thuyền ông bị bắn nát. Bãi ngô trước mặt chính là bãi lau ông được đưa dạt vào. Cảnh, người đều đã thay đổi cả… Ông Bình đang mơ màng thì bỗng có giọng phụ nữ hỏi:

- Ông có phải là Ngô Thế Bình?

- Vâng! Tôi đây! - Ông lập cập đứng dậy.

Trước mắt ông là một lão bà đẹp, phúc hậu, dáng người thành phố.

- Xin lỗi, bà là…? - Ông Bình vội hỏi.

- Ông không nhận ra tôi cũng phải thôi. Tôi gặp ông chỉ trong thời gian ngắn.

Bà bỗng cao giọng hỏi:

- Có phải trên đoạn sông này, ông đã từng bị thương?

- Đúng vậy!

- Có phải ông đã được một cô thôn nữ cứu sống là nhờ uống một thứ nước có ở bên sông?

- Đúng! Đúng vậy!... Thế bà chính là?...

Người đàn bà cười đôn hậu:

- Tôi là y sĩ ở Bệnh viện Đoan Hùng những năm chống Pháp.

- À… tôi nhớ ra rồi! Bà là y sĩ Loan, vợ bác sĩ Long-Viện trưởng.

- Đúng thế đấy ông ạ!

Giọng bà Loan hồ hởi:

- Tôi nhận ra ông bởi vì tôi rất nhớ câu chuyện ông kể ở bệnh viện. Nói thực, lúc đầu chúng tôi không tin, nghĩ rằng trong lúc hôn mê, từ vô thức ông đã nhìn ra thế. Nhưng khi thấy vết thương của ông hàng tháng trời không bị nhiễm trùng, chúng tôi đã đặt câu hỏi: “Phải chăng ở quê ông đã có một loại cỏ có chứa chất kháng sinh mạnh?”. Tôi đã cất công tìm kiếm hơn 20 năm và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về những thảo dược của Việt Nam có sức kháng sinh mạnh đấy ông ạ!

- Ôi trời! Chuyện của tôi không ngờ lại được quan tâm đến thế!... Thưa bà, còn bác sĩ Long?

- Anh ấy đã hy sinh trong chống Mỹ!

Giọng bà bỗng trầm xuống:

- Chuyện gia đình ông ra sao?

- Lạ lắm bà ạ!

Ông Bình ngồi xuống và chậm rãi kể:

- Đời tôi hình như cứ gắn với bãi cỏ ven sông. Một lần nghỉ phép, tôi qua khúc sông này, cũng trưa nắng chang chang, cũng bãi cát dài bỏng rẫy, tôi nhìn thấy một cô thôn nữ đang cắt cỏ. Tà áo nâu non chập chờn trong nắng xối, gánh cỏ mà cô ấy cắt được đầy đến tận óc quang. Cỏ xanh mướt, nhìn qua sóng sánh như một gánh nước đầy - một gánh nước đựng trong sọt cỏ. Tôi sững sờ nhớ đến bụi cỏ thơm lừng mùi sữa, ngọt như mật ong mà mình đã từng ngậm năm nào. Tôi lân la làm quen, rồi mấy tháng sau, chúng tôi nên vợ nên chồng. Tôi đi B, bị thương hai lần. Lần nào cũng vậy, mổ xẻ, cưa chân… không thấy bị nhiễm trùng bao giờ bác sĩ ạ! Tôi rời quân ngũ vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

- Ôi! Chuyện của ông vẫn ly kỳ và đầy những bí ẩn như ngày nào ông Bình ạ.

- Bà có biết không? - Ông Bình lại chậm rãi kể - Chuyện thằng con trai tôi mới kỳ lạ. Hồi ấy, tôi vẫn đang tại ngũ, cháu mới 9, 10 tuổi, dắt con bò đi thả trên mỏm đất ở bờ sông giữa mùa nước lũ. Dòng sông Hồng đục ngầu sùng sục chảy. Bất ngờ, cả bò, cả người bị đất lở lăn tùm xuống dòng nước xiết. Cháu chỉ bật gọi: “Mẹ ơi!” rồi nắm chặt đuôi bò mà quẫy đạp. Mẹ nó cắt cỏ xa thấy con ngã, chồm lên rồi lao ùm xuống nước. Bà ấy biết quá rõ là thằng nhỏ không biết bơi. Mấy tiếng đồng hồ sau, dân làng mới tìm thấy hai mẹ con và con bò đang nằm thoi thóp trên ruộng ngô ở cách đấy hơn trăm mét nhưng về phía thượng nguồn. Tức là cháu được đẩy ngược theo dòng sông. Dân làng cứ tìm phía dưới theo dòng chảy nên mới lâu thế! Tay mỗi người và miệng con bò ngậm một bụm cỏ xanh mướt nhưng cứng như lông ngựa.

Bà Loan buột miệng:

- Là Tản sinh đấy ông ạ! Cỏ ấy mọc ở dưới nước nhưng lá lại rất xanh, cỏ mượt như lụa, lá dài, nhọn. Nếu lên cạn, gặp ánh nắng thì nó cứng lại, sau đó không héo mà tan dần theo thời gian. Tản sinh có mùi thơm hắc, vị ngọt, hoạt tính kháng sinh rất cao. Cháu gái đầu của tôi cũng được cứu bằng cỏ Tản sinh.

- Lại có chuyện ấy ư?

- Vâng! Ngày ấy, tôi lặn lội về đây tìm thứ cỏ lạ mà ông đã nói ở bệnh viện. Cháu còn rất nhỏ. Tôi vẫn địu cháu theo mỗi khi đi tìm cây thuốc. Ai ngờ năm ấy, nắng quái ác vậy, mới sáng sớm mà nắng đã lóa mắt, căng da đầu. Cháu sốt cao, có lúc mê man. Đưa cháu về Đoan Hùng thì xa, sang bệnh viện Sơn Tây thì giặc Mỹ đang đánh phá ác liệt các thành phố, thị xã. Lúc ấy, tôi vẫn chưa có Tản sinh đâu, tôi cứ mày mò vừa tìm cây thuốc để nghiên cứu, vừa dùng chữa ngay cho con gái. Ai ngờ tìm ra Tản sinh!

Giọng bà mơ màng nuối tiếc:

- Ngày ấy, Tản sinh mọc từng đám rộng, tốt bời bời dưới lòng sông. Bây giờ tìm được những bới cỏ như vậy khó lắm!

- Thế bây giờ cháu nó làm gì rồi hả bà?

- Cháu là trung tá quân y ông ạ. Cháu theo nghiệp cha mẹ, hiện nay, cháu đang ở Hà Nội. Mùa lễ hội các năm theo truyền thống can-chi, 4 năm một lần, cháu đều đưa tôi về đây. Cháu lớn nhà ông chắc đã thành đạt?

- Vâng, cháu là một doanh nhân, ăn nên làm ra nhưng ở mãi tận Đồng Nai. Các mùa lễ hội theo quy định của Nhà nước, tức là các năm chẵn 5, 10, cháu mới về được. Lễ hội những năm ấy là cả hai bờ sông. Cả đền Và bên Sơn Tây, cả đền Ngự Dội bên này, nhân dân nô nức cùng tổ chức, khách thập phương khắp nước đổ về, lễ hội lớn lắm bà ạ!

- Thế bà nhà thì…?

- Bà ấy đã mất hơn 3 năm rồi!

Ông Bình chớp mắt, ngậm ngùi nhìn về đất bãi.

- Mỗi khi vết thương của tôi thấy nhức, tôi ngồi nhẩm lại những câu hò mà khi xưa chúng tôi đã gặp nhau, vết thương dịu hẳn đi bà Loan ạ!

Ông ngước mắt nhìn bà bác sĩ. Hai ánh mắt chạm nhau, tràn lên những tia nồng ấm của sự đồng cảm.

Chiếc phà chở nước giữa dòng đã cập bến. Đoàn người theo nhịp nhạc Lưu thủy, rước kiệu lên bờ. Bà Loan đứng dậy. Bà bỗng giơ tay, đỡ nhẹ ông Bình. Ông nhanh nhẹn chống nạng, mạnh mẽ bước đi, vai ông tựa vào vai bà tiến sĩ quân y. Thảm cỏ xanh dưới chân họ bừng lên một màu xanh mới.

Truyện ngắn của ĐỖ HÀN