Những ngày chuẩn bị chào Xuân mới 2016, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, người lao động trên công trường Thủy điện Lai Châu đón niềm vui vỡ òa khi dòng điện đầu tiên từ Tổ máy số 1 hòa lưới điện quốc gia. Sau hơn 1.800 ngày đắp đập, ngăn sông, dòng nước sông Đà đã được chuyển hóa thành điện năng đi khắp mọi miền Tổ quốc. Từ Thủy điện Hòa Bình đến Thủy điện Sơn La và Lai Châu, bản trường ca chinh phục sông Đà đã liên tục tiếp nối bằng những công trình thế kỷ.

Vạn sự khởi đầu nan

Đường vào công trường Thủy điện Lai Châu như được rút ngắn lại khi những cây cầu nối đôi bờ hoàn thành, mặt đường trải nhựa bằng phẳng. Nơi công trình đứng chân, trước đây là xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, nay đã trở thành một phần của thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) với những dãy nhà san sát, dân cư quần tụ đông đúc. Thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, cũng là nơi xa xôi nhất, giao thông đi lại khó khăn nhất. Gắn bó với công trường từ năm 2010, Trung tá Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban điều hành Thủy điện Lai Châu của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), vẫn nhớ như in ấn tượng về những ngày đầu đến đây, khi nơi này còn hoang sơ, đường đi nhỏ hẹp, gồ ghề. Từ năm 2008, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nhận nhiệm vụ mở đường vào nơi xây dựng thủy điện. Đó là những ngày các anh ăn ở trong nhà bạt, lán trại tạm bợ, rồi phát cây cối, đi tìm từng khe suối nhỏ, dẫn nguồn nước sạch hiếm hoi theo đường ống dài hàng ki-lô-mét về khu lán trại. Nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ không có bởi bà con nơi đây còn chưa đủ cái ăn, cái mặc nên những người đi mở dòng Thủy điện Lai Châu lại tìm cách đưa lương thực từ Điện Biên, vượt cả trăm cây số đến công trường.

 Công trình Thủy điện Lai Châu.

Hệ thống đường công vụ dẫn vào nơi thi công thủy điện dần dần được hình thành, máy móc, thiết bị đưa vào ngày càng nhiều hơn, nhịp độ công trường khẩn trương, sôi nổi từng ngày. “Suốt năm 2010, tại mặt bằng thi công, nối giữa hai bờ sông Đà chỉ có đò và phà. Máy móc, phương tiện lớn thì vận chuyển bằng phà, cái nhỏ chúng tôi sử dụng đò. Khi cây cầu được hoàn thành, đưa vào sử dụng, đường sá đã thuận lợi hơn. Đến đầu năm 2011, Thủy điện Lai Châu chính thức khởi công, chúng tôi tiếp tục bước vào những đợt cao điểm, đắp đê quây chuẩn bị ngăn sông”, Trung tá Trần Hải Bắc nhớ lại. Tranh thủ thời tiết mùa khô, công trường chạy đua với thời gian trước khi mưa lũ về. Hàng triệu mét khối đất đá được đào đắp, tạo nên tuyến đê quây ngăn nước giữa lòng sông. Đập bê tông nối dài từng ngày, để rồi đưa dòng nước đi qua cống dẫn dòng như có đôi bàn tay chỉnh nắn.

Rạng danh người Việt

Người ta vẫn ví nghề thủy điện có “đặc sản” là địa bàn xa xôi, heo hút, quạnh vắng người. Bởi thế, những vất vả, khó khăn, nhọc nhằn, ai làm thủy điện cũng từng nếm trải. Hơn 50 năm tuổi đời, ngoài 30 năm tuổi nghề, ông Chu Văn Tú, Đội trưởng Đội lắp đặt rotor (Công ty Lilama 10) luôn tự hào khi được gắn bó với 3 công trình thủy điện lớn nhất cả nước, đều nằm trên dòng chính sông Đà. Tháng 4-1987, vừa học nghề xong, ông bắt đầu làm việc tại Thủy điện Hòa Bình cho đến lúc khánh thành năm 1995. Rồi đến Thủy điện Sơn La, từ năm 2008, ông tham gia lắp đặt những thiết bị chính của tổ máy. Ngay khi Thủy điện Sơn La hoàn thành, ông lại tiếp tục công việc tại Lai Châu. Quãng thời gian mấy chục năm theo nghề với ông Tú là những tháng ngày xa nhà biền biệt, thường xuyên đối diện với áp lực tiến độ gắt gao. “Có những lúc chúng tôi tưởng như mình không thể theo kịp tiến độ. Như khi lắp đặt rotor Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu, thời gian đã cận kề mà công việc còn quá nhiều. Anh em chúng tôi tự nói với nhau, bằng mọi giá phải hoàn thành. Thi công không kể ngày đêm, 3 ca liên tục, cuối cùng tổ máy đã phát điện vượt tiến độ”, ông Chu Văn Tú chia sẻ. Bộ phận rotor của tổ máy nặng 1.000 tấn, tạo thành từ hàng chục nghìn chi tiết, trong đó có hơn 13.000 tấm tôn, mỗi tấm chỉ nặng 38kg. Chỉ tay vào rotor Tổ máy số 2 đang được tổ hợp, ông Tú nhẩm tính, đã lắp đặt được tấm tôn thứ 5.544. “Còn khoảng 8.000 tấm nữa cùng một “núi” việc đi kèm, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ về đích đúng hẹn”, ông Tú khẳng định chắc nịch.

Bên cạnh những người đã kinh qua không ít công trình trọng điểm như ông Chu Văn Tú, để Thủy điện Lai Châu đạt được bước tiến “thần tốc” có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trẻ. Ở các tổ, đội công nhân của Lilama, số người dưới 30 tuổi chiếm quá nửa. Đặc biệt, anh Lê Kim Hải, 30 tuổi đã là Trưởng phòng Kỹ thuật của Ban điều hành Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) tại Thủy điện Lai Châu. Theo cảm nhận của anh Hải, người trẻ có sự nhiệt huyết mãnh liệt, khi đã bước chân vào công trường là “chạy đua” theo công việc với niềm hăng say quên mệt mỏi. Người trẻ ham học hỏi, hứng thú với cái mới, nắm bắt công nghệ nhanh, không ngại thử thách.

Với người làm thủy điện, thời khắc quan trọng nhất là khi được chứng kiến tổ máy đầu tiên hòa lưới điện, cũng là lúc thành quả của tập thể được khẳng định, guồng máy đã vận hành trơn tru. Thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, trưởng thành hơn, tự tin hơn sau mỗi thử thách để nối dài  những công trình làm rạng danh trí tuệ Việt Nam.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG