Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng khóa XI đã mở đầu như vậy trong cuộc phỏng vấn dành cho Báo Quân đội nhân dân trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Xuân mới Bính Thân.

Ảnh: GS, TS Vương Đình Huệ. Ảnh: PHÚ QUÝ.

 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, làn sóng đầu tư thứ nhất tại Việt Nam đã diễn ra cách đây khoảng 10 năm sau khi chúng ta ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Vậy lý do nào mà đồng chí nhận định làn sóng đầu tư thứ hai có thể bắt đầu từ năm nay?

Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Vương Đình Huệ: Năm 2005, sau khi chúng ta ban hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đã có làn sóng đầu tư phần lớn từ nước ngoài vào Việt Nam, đó là làn sóng đầu tư thứ nhất. Năm 2016 này, khi chúng ta có Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo những nguyên tắc hiện đại, nội dung tiến bộ, độ minh bạch cũng rất là cao, các hiệp định FTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo thuận lợi trong thương mại và trong đầu tư thì hy vọng chúng ta sẽ tạo được một làn sóng đầu tư thứ hai ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp.

 Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đầu tư dây chuyền sản xuất thiết bị thông tin điện tử hiện đại tại Công ty Thông tin M1. Ảnh: Thu Cúc.

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về “tinh thần quốc gia khởi nghiệp”?

GS, TS Vương Đình Huệ: Hiện nay, ở nước ta mới có hơn 500.000 doanh nghiệp đăng ký, chúng ta đang mong muốn đến năm 2020 lên được 2 triệu doanh nghiệp. Anh Vũ Tiến Lộc (TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-PV) mơ 5 triệu doanh nghiệp, nhưng tôi cũng chỉ mơ ước kết thúc nhiệm kỳ có khoảng 4 lần doanh nghiệp như bây giờ. Muốn có một số lượng doanh nghiệp lớn như vậy thì chúng ta phải có chính sách phù hợp để tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Chúng ta phải tác động theo chiều ngang để tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng, áp đặt thị trường cho tất cả các doanh nghiệp này và phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, rút ngắn khoảng cách quy định trên văn bản và quy định thực thi của các cơ quan để chúng ta có môi trường đầu tư thông thoáng.

Chúng ta cũng phải tác động theo chiều dọc, tức là tác động đến từng loại doanh nghiệp để từng loại hình doanh nghiệp có tiềm năng, cơ hội để phát triển.

PV: Vậy Ban Kinh tế Trung ương đã và sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020?

GS, TS Vương Đình Huệ: Chúng tôi vừa hoàn thành nghiên cứu đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”, chúng tôi hy vọng tới đây sẽ phối hợp với các báo để truyền tải một số kết quả nghiên cứu của đề án này.

Chúng tôi cũng đang thực hiện việc nghiên cứu đề án “Tiếp tục đổi mới và cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước”, trong đó có cả việc giải quyết vấn đề đại diện chủ sở hữu là doanh nghiệp nhà nước theo hướng Bộ Chính trị đã kết luận, tức là hạn chế và đi đến xóa bỏ đại diện sở hữu của các bộ và UBND các tỉnh, thành phố; thành lập một cơ quan chuyên trách để làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi cũng đề xuất áp đặt thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả của quá trình cổ phần hóa và nâng cao năng lực quản trị, tái cơ cấu tài chính của doanh nghiệp Nhà nước.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa-một động lực quan trọng phát triển của đất nước, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã hoàn thành đề án “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Những kết quả nghiên cứu này sẽ đóng góp trực tiếp cho Quốc hội thảo luận và thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.

Chúng tôi có một đề án riêng về tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Ban Kinh tế Trung ương cũng như cá nhân tôi đã thăm và làm việc tại I-xra-en (Israel), quốc gia khởi nghiệp mạnh mẽ để nghiên cứu vấn đề này.

Năm 2016, anh em chúng tôi tiếp tục nghiên cứu định hướng và giải pháp cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, doanh nghiệp xã hội, phát triển kinh tế hợp tác… và những định hướng, giải pháp lớn nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

PV: Theo phản ảnh của một số doanh nghiệp trong nước, trong thời gian qua, dường như chúng ta quá quan tâm đến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp này phát triển, nhưng lại tạo ra sự bất bình đẳng. Vậy theo đồng chí, cần phải làm gì để cả hai loại hình doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt cùng phát triển?

GS, TS Vương Đình Huệ: Chúng ta cần có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên, phải hành xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp, xây dựng được một triết lý văn hóa của doanh nghiệp dân tộc. Đừng có phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, đừng có phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân. Đã là doanh nghiệp Việt Nam là của người Việt Nam, ở các nước người ta làm được thì mình phải làm được, một tinh thần khởi nghiệp quốc gia phải thổi vào hồn các doanh nghiệp của chúng ta một tinh thần trách nhiệm, một niềm tự hào, một sự tin tưởng của chúng ta. Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt theo đúng nguyên tắc quốc tế, không vi phạm nguyên tắc phân biệt đối xử.

Chúng ta cũng cần phải có chính sách kết nối được FDI với doanh nghiệp trong nước, khi mình mạnh lên rồi thì kết nối được và dần dần khắc phục hai nền kinh tế này thì sự lệch pha sẽ giảm.

PV: Trên thực tế, nhiều khi chúng ta có chủ trương, chính sách rất đúng, nhưng chủ trương, chính sách đó đi vào cuộc sống lại khó khăn do khâu tổ chức thực hiện. Vậy, theo đồng chí, làm thế nào để làn sóng đầu tư thứ hai sớm trở thành hiện thực?

GS, TS Vương Đình Huệ: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh là những dấu ấn và thành tựu nổi bật của năm 2015. Thủ tướng Chính phủ, “tư lệnh” các ngành, rồi cán bộ, công chức của cả hệ thống từ tài chính, thuế, hải quan, kho bạc, quản lý tài nguyên-môi trường, điện lực, đất đai v.v.. trong năm qua cũng đều hết sức cố gắng. Thế nhưng, doanh nghiệp và người dân vẫn còn phàn nàn nhiều về khâu tổ chức thực hiện. Năm 2016 cần phải quyết liệt hơn nữa để rút ngắn hơn nữa khoảng cách những quy định trên văn bản với thực thi của các cơ quan và đội ngũ cán bộ công chức. Đây là yếu tố quan trọng để tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai trong năm nay. Đó cũng là mong muốn của đội ngũ các doanh nghiệp, doanh nhân và người dân Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

ĐỖ PHÚ THỌ (thực hiện)