Trong ngôi nhà nhỏ nhắn, sạch sẽ vừa được các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (BĐBP tỉnh Kiên Giang) đến quét dọn, sửa sang chuẩn bị đón Tết, bà Nguyễn Thị Nga (hơn 60 tuổi, ở xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên) cười mãn nguyện: “Tuy sống một mình, chung quanh không có bà con thân tộc nhưng tôi vẫn không cảm thấy đơn độc nhờ có BĐBP”.

Vợ chồng bà Nga từ miền Bắc vào đây lập nghiệp, không có con cái, cuộc sống luôn thiếu thốn vì bà bị bệnh tim bẩm sinh, bao nhiêu tiền kiếm được cũng không đủ thuốc thang chữa bệnh. Từ ngày ông mất, bà bơ vơ không biết bấu víu vào ai. Biết được hoàn cảnh của bà, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật tư, chung tay cất cho bà căn nhà để che mưa nắng.

Từ đó, mỗi khi “trái gió trở trời”, bà Nga chỉ cần bấm điện thoại, lập tức chiến sĩ quân y của Đồn Biên phòng có mặt thăm khám, chữa trị giúp bà. Nhiều lần bệnh tình trở nặng, lãnh đạo, chỉ huy đồn cử lực lượng và phương tiện kịp thời đưa bà đến bệnh viện đa khoa thị xã cấp cứu. “Trước đây, có những lúc tuyệt vọng, tôi từng muốn buông xuôi, rời bỏ cuộc đời. Giờ đây cứ nghĩ đến các em, các cháu BĐBP là lòng tôi ấm lại”, bà Nga tâm sự.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên trao quà tặng các hộ gia đình neo đơn. 

Cách đây 4 năm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên quyết định đón hai trẻ lang thang về nuôi dưỡng trong sự cảm phục của người dân địa phương. Hai đứa “trẻ nhặt” ấy là Nguyễn Văn Lập (sinh năm 2000) và Nguyễn Văn Nghiệp (sinh năm 2001). Lập, Nghiệp là anh em ruột, cha đi biển bị tai nạn mất sớm, mẹ thì bỏ đi.

Lập và Nghiệp sống vất vưởng, ai thuê gì làm nấy để kiếm cái ăn, tối thì ngủ vạ vật dưới mái hiên hoặc các sạp hàng quanh khu vực chợ nơi biên giới. Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên phát hiện, mở vòng tay chăm lo, bao bọc.

Năm nay Lập học lớp 9, Nghiệp học lớp 8, các em sẽ được BĐBP nuôi dạy đến 18 tuổi. Đại úy Danh Kim Huôl, Chính trị viên phó của đồn cho biết: Hiện nay, đơn vị tôi đang nhận đỡ đầu, chăm sóc 5 hộ gia đình neo đơn và 3 cháu nhỏ. Mỗi hộ gia đình hằng tháng được nhận hỗ trợ 300.000 đồng cùng 10kg gạo; các cháu nhỏ đều được cấp quần áo, xe đạp, sách vở đến trường, số tiền do cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp. Ngoài ra, những hộ gia đình neo đơn này còn thường xuyên được đơn vị hỗ trợ về y tế và chăm sóc sức khỏe.

Nhằm giúp các đối tượng được nhận đỡ đầu, chăm sóc đón Tết đầm ấm, vui tươi, đơn vị đã tích cực vận động để mỗi người có thêm một phần quà trị giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Bài và ảnh: HỒNG HIẾU