Đó là một câu chuyện dài, một lát cắt trong 30 năm Đổi mới kinh tế có thể để lại cho chúng ta nhiều chiêm nghiệm, suy ngẫm cho chặng đường tiếp theo: Câu chuyện về những chuyên gia ô tô của hãng Toyota (Nhật Bản) đến làm ăn ở Việt Nam hơn20 năm qua. Cùng với thành công của họ là rất nhiều thay đổi từ những người Việt Nam.
Hai lần “ngày xưa”
“Vèo một cái mà 20 năm đã trôi qua. Ở Nhật có câu: “Mười năm đã có thể coi là “ngày xưa”. Vậy là đã hai lần “ngày xưa” rồi, nhanh quá!”. Ông Hasegawa, Tổng giám đốc đầu tiên của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) đã nhớ về cái thuở ban đầu như vậy. Ông kể: “Năm 1995, khi tôi đến Việt Nam đảm nhận vị trí Tổng giám đốc TMV, trên đường phố Việt Nam xe ô tô còn ít lắm”.
Trước đó, người Việt Nam từng có một giấc mơ dài về phát triển ngành công nghiệp ô tô. Ông Trần Lum, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương), nhớ lại: “Năm 1960, lúc còn là sinh viên ở Tiệp Khắc, có lần tôi thấy một tờ báo đăng ảnh một chiếc xe ô tô do Việt Nam sản xuất. Lúc về ký túc xá, một anh bạn sinh viên nước ngoài vỗ vai tôi, bảo: “Việt Nam các ông giỏi thật đấy, đang chiến tranh như thế mà cũng chế tạo được cả ô tô”. Nghe khen, tôi mát lòng mát ruột lắm, nhưng đến lúc về Việt Nam, tôi mới biết người ta dùng những bộ phận lấy từ các xe cũ thời Pháp để lại mà ráp thành chiếc xe ấy”. Rồi đất nước hòa bình, khắp năm châu bốn bể người ta thi nhau công nghiệp hóa hết cả rồi. Nhưng ở thời điểm ấy, Việt Nam còn nghèo lắm, tài lực, nhân lực đâu mà sản xuất được ô tô? Chỉ còn con đường duy nhất là liên doanh. Thế nên, khi Toyota vào Việt Nam, chúng tôi ủng hộ lắm, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi hết sức có thể”.
Nhà máy Toyota Việt Nam tại Vĩnh Phúc.
Trong ký ức của ông Kenj Uneo, Giám đốc dự án từ năm 1991-1995: “Năm 1990, Việt Nam đang trên đà đổi mới. Có thông tin là Việt Nam sẽ tham gia vào ASEAN và vì thế, đối với chúng tôi, Việt Nam lúc đó là một thị trường rất triển vọng. Tuy nhiên, chúng tôi còn quan ngại việc Mỹ vẫn chưa bỏ cấm vận với Việt Nam. Nếu Toyota vào Việt Nam, Mỹ sẽ phản ứng thế nào? Chúng tôi đã quyết định phải tự đi điều tra thị trường. Tôi cùng với một đồng nghiệp nữa sang Việt Nam, chúng tôi thuê một chiếc xe Hiace và di chuyển từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh trong vòng 5 đêm 6 ngày. Ba chúng tôi-tôi, anh bạn đồng nghiệp và người lái xe-cứ thay nhau quan sát và ghi chép xem trên đường đã bắt gặp những chủng loại xe nào. Khi đi xuyên qua những thành phố lớn như: Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh thì còn thấy bóng dáng xe ô tô, nhưng chỉ cần ra khỏi đô thị thôi là cả tiếng đồng hồ may ra mới bắt gặp 1-2 xe. Quá ít xe để quan sát và ghi chép nên chúng tôi phải khó khăn lắm mới chống lại được cơn buồn ngủ…”.
Đó là chuyện của quá khứ, còn hôm nay, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc TMV, trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập công ty đã có thể tự hào phát biểu: “Sau 20 năm hoạt động, chúng tôi đã trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu tại Việt Nam với tổng doanh số bán đạt hơn 350.000 xe, tổng sản lượng sản xuất đạt 330.000 chiếc, hệ thống 44 đại lý, 18 nhà cung cấp và gần 33.000 nhân viên làm việc tại TMV, các nhà cung cấp và đại lý. Và trên hết, tôi rất vui mừng khi trong tiềm thức, phần lớn người dân Việt Nam đều nghĩ đến ô tô là nghĩ tới Toyota”.
“Muốn đất nước phát triển, cần tạo điều kiện cho họ”
Nhưng con đường đi không trải sẵn hoa hồng. Ông Đỗ Hoàng Thịnh, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) kể về những ngày đầu đỏ mắt đi tìm một khu đất cỡ 20ha để mở nhà máy liên doanh. Ông Thịnh đã nhắm tới Gia Lâm (Hà Nội), TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai nhưng không thành. Ông đành bàn với người Nhật chuyển hướng về Vĩnh Phúc (khi ấy là Vĩnh Phú). Ông Trần Văn Dũng, nguyên Bí thư Huyện ủy Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, bồi hồi nhớ lại: “Tôi thấy chúng tôi sẽ được hưởng nhiều lợi ích nên đã trực tiếp giải quyết mọi việc. Còn nhớ lúc đó, cả cán bộ huyện và cán bộ xã của chúng tôi đều phải xắn tay áo vào cùng làm. Khó khăn nhất trong chuyện giải phóng mặt bằng là phải di chuyển mồ mả ra khỏi cánh đồng. Có những ngôi mộ mới đắp độ 100 ngày, nên phải đào xung quanh, để nguyên quan tài đấy, buộc chặt lại, khênh chuyển vào nghĩa trang mới xây. Người dân phải rất thông cảm mới cho đụng vào những mồ mả như thế. Cả 20ha mà chỉ giải tỏa trong vòng 2-3 tháng là xong. Rất êm ả. Có lẽ vì chúng tôi suy nghĩ đơn giản: Nếu đất nước muốn phát triển thì phải cần đến các nhà đầu tư nước ngoài như Toyota, nên cần phải tạo điều kiện cho họ…”.
Từ dép lê lên giày đen
Đó là sự thay đổi diễn ra với rất nhiều lao động Việt Nam ở TMV như anh Đặng Hữu Chí, Tổ trưởng An ninh, làm việc tại TMV từ năm 1997. Anh vốn là bộ đội phục viên với quân hàm Đại úy, nhà ở xã Phúc Thắng (nay là phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 1996, thấy TMV tuyển người với mức lương công nhân cũng được 80USD, anh đã nộp đơn. Khi anh đang cày ruộng thì nhân viên văn thư xã đạp xe đến đưa giấy mời phỏng vấn. “Giấy báo ghi là 8 giờ sáng bắt đầu phỏng vấn mà lúc đó đã gần 7 giờ rồi. Tôi thả vội ống quần đang xắn “móng lợn” của mình xuống rồi chạy về nhà, không kịp vác cả cày bừa, trâu bò cũng bỏ lại ở đấy luôn. Tôi chỉ kịp thay mỗi cái áo, rồi vẫn cái quần dính đầy bùn, phèn loang lổ ấy, tôi xỏ chân vào đôi dép lê rồi vội vàng phi xe về Cầu Giấy”. “Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy Toyota giống như một trường đại học lớn mang tinh thần một doanh trại quân đội thu nhỏ đã giúp chúng tôi trưởng thành. Giờ thì tác phong công nghiệp còn thể hiện ngay cả ở chuyện hình thức nữa đấy. Hồi trước, chúng tôi là nông dân đi dự tuyển, cứ quần phèn, dép lê mà đi, không hề nghĩ là phải kiếm một đôi giày đen và đóng bộ vào cho tử tế”-anh Chí nhớ lại.
Lễ khởi công xây dựng nhà máy của Toyota tại Việt Nam, năm 1996. Ảnh do doanh nghiệp cung cấp.
“Hai mươi năm qua, chỉ riêng việc TMV đào tạo được một lượng lớn thanh niên “chân đất” trở thành những người thợ lành nghề đã là một sự nghiệp vô cùng khó
khăn…”-đó là đánh giá của ông Nguyễn Thanh Giang, nguyên Phó tổng giám đốc TMV. Nhằm nâng cao tay nghề cho công nhân Việt Nam, thỉnh thoảng Toyota đưa các thợ cả, chuyên gia từ Nhật sang huấn luyện. “Để bảo vệ “màu cờ sắc áo” của đội ngũ công nhân TMV, trước hôm đoàn sang, tôi đã xuống tận xưởng bảo anh em rọi đèn thật sáng, kiểm tra thật kỹ để không còn lỗi nào nữa. Ai dè sáng hôm sau, các thợ cả Nhật Bản đến, xem xong, các ông ấy dùng bút đỏ khoanh lấy khoanh để lên chiếc xe đã sơn. Nhìn kỹ thì quả là còn khiếm khuyết thật. Công nhân của mình lúc đó mới hôm qua hãy còn là những cậu bé chân đất đi cắt cỏ, chăn trâu, hôm nay đã vào nhà máy làm công nhân sơn sửa, lắp ráp. Một sớm một chiều làm sao giỏi ngay như các sư phụ này được, chưa thể đạt đến cái cốt lõi tinh túy của nghề nghiệp. Để đạt đến trình độ như các sư phụ ấy chắc còn phải mất một thời gian dài. Người Nhật có kỹ năng nghề nghiệp và sự tỉ mỉ rất cao, đấy là một đội ngũ mà mình học được rất nhiều”-ông Giang kể. Rồi những người thợ Việt Nam đã dần vươn lên đến độ tinh túy trong nghề. Anh Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng trưởng ban của Bộ phận sản xuất TMV chia sẻ: “Ngày trước, khi chúng tôi mới bắt đầu học sơn xe, mỗi khi sơn xong, các thầy Nhật lại dùng bút đỏ để khoanh lỗi. Thú thật, lúc ấy nhìn cái xe như một vườn hoa đào đang nở rộ. Nhưng ở thời điểm này, nếu các thầy Nhật đến thì vườn đào ấy đã sang hè rồi và hoa đào đã rụng hết-các thầy chắc sẽ tìm ra được rất ít lỗi để khoanh tròn trên xe…”.
Hai mươi năm đã trôi qua. Mùa xuân này, ông Makoto Sasagawa, nguyên Tổng giám đốc TMV đã về Nhật Bản ngắm hoa anh đào nhưng chắc rằng ông vẫn còn nhớ những mùa xuân năm xưa ở Việt Nam, cứ mỗi dịp giáp Tết, ông lại đi thăm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Vĩnh Phúc. “Tôi biết là truyền thống này được duy trì rộng rãi ở Việt Nam, ví dụ như xây nhà, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thế nhưng, Toyota chúng tôi đến thăm các mẹ không phải với mục đích để tuyên truyền, quảng bá mà thực sự muốn hòa mình vào cộng đồng xung quanh-nơi chúng tôi đặt nhà máy và coi như quê nhà của Toyota vậy”. Một Tết nọ, đến thăm nhà một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ đã mời tôi uống trà và nói: “Tôi biết ông thích uống trà nên tôi đã mua loại trà ngon này!”. Ông tìm hiểu thì được biết loại trà đó rất đắt, nhất là so với cuộc sống đạm bạc của mẹ.
Ông lặng đi vì xúc động. Có lẽ đó là một trong những ly trà mùa xuân ngon và ấm áp nhất đối với ông trong cuộc đời… Sau này, ông viết trong hồi ức: “Tôi luôn tâm niệm: Công việc của Toyota ở đây không chỉ là đạt vị trí số 1 về thị phần, mà còn phải nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, tạo được lòng tin và yêu mến trong lòng người dân Việt Nam!”.
Và trong suốt 20 năm qua, câu chuyện Toyota cùng sát cánh với Việt Nam đã không còn chỉ là điều tâm niệm, mà đã trở thành một câu chuyện thực tế với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần làm phong phú cuộc sống của con người và cho sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam. Với quyết tâm tiếp tục sát cánh với Việt Nam, đại diện cho Toyota tại Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta đã công bố khẩu hiệu mới của công ty nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, đó là “Chuyển động tiên phong”, có nghĩa là tiếp tục cung cấp những chiếc xe tốt nhất cho cuộc sống và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
CÔNG MINH