Nhiệm kỳ 2011-2015, ngành ngân hàng đã đứng trước vô vàn gian nan, thử thách do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất cập nội tại nền kinh tế. Thế nhưng, “lửa thử ngành ngân hàng” như sự đánh giá của các đại biểu Quốc hội, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Nhân dịp đầu Xuân mới Bính Thân, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình xung quanh câu chuyện quản lý điều hành chính sách tiền tệ. Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Nhiệm kỳ 2011-2015, ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đổi mới theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường nhằm kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát từ mức cao trong năm 2011 xuống ổn định ở mức thấp một con số. Thanh khoản của hệ thống từ chỗ thường xuyên căng thẳng khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao, đẩy mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD) lên tới 20-25%/năm vào giữa năm 2011, mặt bằng lãi suất đã giảm nhanh và mạnh, đến nay chỉ bằng 50% mức lãi suất vào cuối năm 2011. Tình trạng đô-la hóa đến nay đã được khắc phục, tỷ giá từ biến động mạnh đã cơ bản ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam nâng lên, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao. Thị trường vàng được sắp xếp lại căn bản là nhân tố quan trọng giúp ổn định tỷ giá và hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Chất lượng tín dụng được nâng cao, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Những thành tựu đạt được nêu trên là tiền đề quan trọng cho ngành ngân hàng thực hiện triển khai nhiệm vụ trong năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Ảnh: THANH PHƯƠNG
PV: Vậy theo đồng chí, bài học gì được rút ra qua các gian nan, thử thách này?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Trên cơ sở các kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành CSTT từ nhiệm kỳ vừa qua là:
Thứ nhất, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hệ thống; từ đó đưa ra các giải pháp, công cụ chính sách một cách nhất quán, linh hoạt nhưng không chủ quan, triển khai thống nhất trong toàn hệ thống.
Thứ hai, thường xuyên cập nhật diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế.
Thứ ba, sự hỗ trợ tích cực của công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giúp bảo đảm trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, công tác thông tin tuyên truyền là một công cụ truyền tải CSTT một cách hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về những giải pháp chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Chính phủ và của NHNN.
PV: Định hướng điều hành CSTT năm 2016 là gì, thưa đồng chí?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Trên cơ sở đánh giá diễn biến và dự báo về kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, trong năm 2016, NHNN tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống. Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20%; đồng thời căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp.
Trong năm 2016, NHNN sẽ điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; về cơ bản năm 2016, NHNN sẽ điều hành lãi suất ổn định như hiện nay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nếu được sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 0,2-0,5%/năm.
Nụ cười duyên dáng của nhân viên Ngân hàng TMCP Quân đội. Ảnh: HƯƠNG THỦY
PV: Tái cơ cấu các TCTD được Quốc hội đánh giá là thành công nhất trong quá trình tái cơ cấu ở Việt Nam. Ngành ngân hàng có thỏa mãn với kết quả này chưa? Sắp tới ngành có tiếp tục tái cơ cấu?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Sau 4 năm triển khai quyết liệt, đến nay Đề án 254 về tái cơ cấu các TCTD cơ bản đã được thực hiện đúng mục tiêu, định hướng đề ra. NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém. Sự ổn định, an toàn hoạt động, khả năng chi trả của hệ thống các TCTD được giữ vững và cải thiện; xử lý kịp thời các sự cố thanh khoản, không để xảy ra rút tiền gửi trên diện rộng; không để đổ vỡ, khủng hoảng ngân hàng xảy ra ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước; nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các TCTD giảm đáng kể, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn, chi trả đầy đủ; nhân dân tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và trong lĩnh vực ngân hàng được tăng cường, tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh. Hệ thống các TCTD tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, tăng trưởng tín dụng và cung ứng dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đồng thời giảm mạnh lãi suất cho vay đi đôi với duy trì sự ổn định tỷ giá của đồng tiền Việt Nam (VND), góp phần ổn kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quá trình cơ cấu lại các TCTD chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách Nhà nước. Nợ xấu được xử lý hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ của hệ thống các TCTD đã giảm từ khoảng 17,21% vào tháng 9-2012 xuống còn 2,72% đến cuối tháng 11-2015, đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% trước thời hạn 31-12-2015. Số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm dần. Các tổ chức tài chính, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã đánh giá cao những nỗ lực và kết quả thực hiện cơ cấu lại các TCTD. Những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua đối với quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là hệ thống các TCTD đã chứng tỏ sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đối với ngành ngân hàng, đây là thành công lớn, đặc biệt là trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính và những vướng mắc về khuôn khổ pháp lý.
Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cơ cấu lại triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD; kiên quyết xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; phát triển hệ thống các TCTD theo hướng đa năng, hiện đại, hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình, có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, chuẩn mực an toàn hoạt động phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
PV: Trong hệ thống ngân hàng hiện nay có một ngân hàng mang tên Quân đội (MB). Đồng chí đánh giá thế nào về mô hình hoạt động của ngân hàng này? Theo đồng chí, trong thời gian sắp tới, MB có cần phải tiếp tục tái cơ cấu?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức, một số ngân hàng hoạt động yếu kém, bị thua lỗ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng Ngân hàng TMCP Quân đội đã thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đề ra, hoạt động kinh doanh có lãi, uy tín, vị thế trên thị trường được khẳng định và tiếp tục được nâng lên. MB là ngân hàng có quy mô lớn trong khối các ngân hàng TMCP, có năng lực cạnh tranh tốt với các chỉ tiêu hoạt động chính đều tăng trưởng qua các năm.
Trong thời gian sắp tới, MB cần tiếp tục tái cơ cấu để phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững hơn, đồng thời phấn đấu để trở thành ngân hàng có quy mô lớn hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn cả thị trường trong nước và khu vực.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
PHÚ QUÝ (thực hiện)