Bác Phan Hoàng Oanh sinh năm 1945, ở xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang; vào bộ đội địa phương năm 1963, bị địch bắt và đày ra Côn Đảo đầu năm 1970, tham gia nổi dậy giải phóng Côn Đảo mùa Xuân năm 1975 và ở lại xây dựng Côn Đảo từ đó đến nay. Đặc biệt, gia đình bác Oanh có “truyền thống”… cựu tù kháng chiến. Thân sinh của bác là cán bộ Việt Minh xã, từng bị thực dân Pháp bắt giam ở khám lớn Rạch Giá. Người anh trai đầu và người em thứ chín của bác cũng từng bị địch giam cầm ở các nhà tù Phú Lợi và Vỵ Thanh thời chống Mỹ, cứu nước... Gia đình bác có 4 người đã và đang là cán bộ của huyện Côn Đảo: Bản thân bác từng là Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin, rồi Chánh văn phòng Huyện ủy Côn Đảo trước khi nghỉ hưu; vợ bác là bà Trần Thị Chuỗi, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Côn Đảo; hai người con: Anh Phan Văn Biên là cán bộ Huyện ủy và chị Phan Mỹ Xuyên là nhân viên Ban Quản lý di tích Nhà tù Côn Đảo.
Bác Oanh kể với phóng viên về lịch sử hào hùng của Nhà tù Côn Đảo.
Từ ngày nghỉ hưu và được bầu làm Trưởng ban liên lạc Cựu tù kháng chiến huyện Côn Đảo, bác Oanh cùng vợ hầu như cả ngày có mặt ở Trụ sở Ban quản lý Di tích Nhà tù Côn Đảo. Bác gái được địa phương cho phép mở một quán nước nhỏ trong khuôn viên, vừa để có thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống, vừa làm chỗ dừng chân cho cựu tù và du khách khắp nơi về thăm Côn Đảo. Bác trai thì luôn bận bịu với vai trò của một “hướng dẫn viên” tự nguyện…
Chuyện về “địa ngục trần gian” và chí khí kiên cường bất khuất của những người tù cách mạng ở Côn Đảo thì nhiều lắm, nhưng có hai sự kiện của hai mùa xuân mà bác Oanh ấn tượng sâu sắc nhất. Đó là sự kiện thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu ở Trại 6-nơi bác bị giam cầm vào mùa xuân 1972 và khí thế nổi dậy của các trại tù để tự giải phóng Côn Đảo trong Đại thắng mùa Xuân 1975…
Từ những năm 40 của thế kỷ trước, trong các trại tù ở Côn Đảo đã có các tổ chức đảng để lãnh đạo phong trào đấu tranh của tù chính trị. Do địch điên cuồng đàn áp phá hoại, nên nhiều tổ chức đảng trong các trại tù bị vỡ, bị mất liên lạc. Ngày 3-2-1972, đúng dịp kỷ niệm 42 năm Ngày thành lập Đảng, Đại hội đại biểu các chi bộ phòng giam ở Khu B Trại 6 đã họp tại phòng 3 để thành lập Đảng bộ nhà tù, mang tên Đảng bộ Lưu Chí Hiếu-người chiến sĩ kiên cường trong cuộc đấu tranh chống ly khai Đảng và đã hy sinh trong chuồng cọp ngày 24-12-1961. Lúc đó, bác Oanh chưa là đảng viên, nên được phân công ngồi đánh cờ ở cửa để canh gác bảo vệ đại hội. Nhờ vậy, những ý kiến thảo luận và nghị quyết của đại hội bác đều “vô tình” nắm được. Sau này, Đảng bộ ra Tập san Xây dựng mỗi tháng một số, chép thành 10 bản phát cho 10 phòng của Khu B Trại 6, bác cũng được tham gia việc “phát hành”. Bác nói: Việc thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của tù chính trị câu lưu ở Côn Đảo. Đó thực sự là bộ tham mưu chiến đấu, lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù nhân Trại 6 nói riêng và Nhà tù Côn Đảo nói chung. Đỉnh điểm là cuộc nổi dậy của các trại tù dưới sự lãnh đạo của Đảo ủy lâm thời, giải phóng hoàn toàn Côn Đảo từ đêm 30-4 đến rạng sáng 1-5-1975. Hôm đó, bác Oanh được phát một khẩu súng trường do địch giao nộp, biên chế vào tiểu đoàn quân quản của LLVT cách mạng Côn Đảo, tham gia duy trì trật tự an ninh, bảo vệ chính quyền cách mạng vừa được thành lập trên đảo.
Bốn hôm sau, sáng 4-5-1975, chuyến tàu đầu tiên của Hải quân ta cập đảo, mang theo 500 tấm ảnh Bác Hồ và hàng nghìn lá cờ Tổ quốc theo yêu cầu của Đảo ủy liên lạc vô tuyến với Thành ủy Sài Gòn-Gia Định ngày 2-5-1975. Toàn Côn Đảo tràn ngập trong cờ, hoa và ảnh Bác Hồ. Cựu tù và nhân dân phấn khởi diễu hành trên các tuyến đường dẫn đến các trại giam đã bị phá toang cửa. Cựu tù Phan Hoàng Oanh cũng hòa vào dòng người, hô vang: “Bác Hồ muôn năm! Bác Tôn muôn năm!”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”, “Nhiệt liệt chào mừng Quân Giải phóng anh hùng!”…
Bài và ảnh: TUYÊN HÓA