Do hồ sơ bị thất lạc và di chứng của vết thương, suốt gần 40 năm, thương binh Trần Đình Hòe đã không thể tìm được đường về quê mẹ. Ngần ấy năm trời đằng đẵng, ông sống trong sự chăm sóc, thương yêu của người thân và cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình). Rồi điều kỳ diệu đã đến, vào đúng ngày 27-7, người thương binh tâm thần bỗng rành rẽ cất lên tiếng gọi quê nhà... 

38 năm lãng quên hình ảnh quê nhà

Thần thái tươi tỉnh, lời kể rõ ràng, khi gặp thương binh Trần Đình Hòe, tôi không thể ngờ đây chính là người đã bị mất trí nhớ tới 38 năm trời. Chiều hôm ấy, trong ngôi nhà tình nghĩa do Bộ Quốc phòng tặng (tại xóm Cối, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), ông Hòe đã kể cho tôi nghe quãng đời giống như chuyện cổ tích của mình.      

- Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn các bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng viên đã giúp tôi dần dần lấy lại sức khỏe, rồi phục hồi trí nhớ. Năm 2013, nhờ sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, gia đình tôi còn được tặng ngôi nhà tình nghĩa. Phấn khởi lắm! - ông Hòe mở đầu câu chuyện với tôi như thế.

Ông Hòe năm nay gần 80 tuổi, quê gốc ở xã Sơn Tân, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), bị thương năm 1969, khi tham gia chỉ huy đánh đồn Chóp Chài. Lúc ấy ông Hòe đang giữ chức Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 72, thuộc Tỉnh đội Quảng Nam. Vết thương ở đầu quá nặng, sau nhiều năm dưỡng thương, Trần Đình Hòe vẫn “nửa tỉnh nửa mê”. Giữa năm 1970, ông được chuyển ra Trại Thương binh C (tên gọi cũ của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan hiện nay) trong tình cảnh giấy tờ tùy thân bị thất lạc, không người thân thích. Với nỗ lực trong chăm sóc, điều dưỡng của trung tâm, sức khỏe ông Hòe dần hồi phục. Chỉ có điều, trí nhớ của ông vẫn “mù tịt” hình ảnh về quê nhà...

Dù là thương binh tâm thần, ông Hòe vẫn may mắn nên duyên với bà Nguyễn Thị Luân, một cô giáo dạy cấp 1 ở địa phương - gần Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Họ đã có với nhau tới... 5 người con (4 gái, 1 trai), tất cả đều khỏe và lành lặn. Việc một cô giáo trẻ tự nguyện lấy anh thương binh tâm thần làm chồng cũng là điều phi thường, nhưng đó là chủ đề của một câu chuyện khác. Còn hôm ấy, trong căn nhà gọn ghẽ, khang trang, bà Nguyễn Thị Luân đã nghèn nghẹn nói với tôi: “Anh ấy đã vì dân, vì nước mà chịu đau đớn, thiệt phận đã đành. Nhưng điều tôi thương anh ấy hơn cả là suốt mấy chục năm, chưa được thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên trong dịp Tết...”.

Điều day dứt của bà Luân chỉ xuất phát từ nguyên do duy nhất: Chồng bà không sao nhớ lại hình bóng quê nhà...

Ban giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan thăm hỏi thương binh Trần Đình Hòe tại nhà riêng. 

Niềm hạnh ngộ vỡ òa...

Bác sĩ Lâm Quang Đạo, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, là một người cởi mở, dễ gần. Nhắc đến chuyện thương binh Trần Đình Hòe, anh cho hay: Đặc điểm của thương binh tâm thần do di chứng của chiến tranh là thường chỉ nhớ được hiện tại, quên mất quá khứ. Để giúp họ phục hồi trí nhớ, trung tâm phải có phương pháp điều trị, thuốc thang, điều dưỡng phù hợp; giúp họ tham gia vào các hoạt động xã hội, sinh hoạt tập thể, tạo tâm lý vui vẻ, phấn khởi, giảm các cơn rối loạn, kích động...

Bác sĩ Đạo kể: “Khi tiếp nhận thương binh Trần Đình Hòe, mọi người chỉ biết anh ấy quê ở Quảng Nam. Sau này, chúng tôi đã gửi công văn, thậm chí cử người về Quảng Nam tìm kiếm gia đình giúp anh Hòe, nhưng không có kết quả. Ở trung tâm, hiện có khoảng 30 trường hợp thương binh tâm thần chưa tìm được quê quán”.

Cuộc sống luôn có những bất ngờ, kỳ diệu. Trong dịp 27-7-2007, có đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam đến thăm và tặng quà trung tâm. Nghe có “đồng hương” đang điều dưỡng tại đây, đoàn công tác đã tìm gặp thương binh Trần Đình Hòe. Lúc gặp, ông Hòe vẫn ngơ ngác lắc đầu khi được hỏi về quê quán của mình. Chỉ đến khi vị trưởng đoàn khéo léo nhắc tới những địa danh Bồ Bồ, Hòn Tàu, Chu Lai, Chợ Được... và nhất là trận đánh đồn Chóp Chài nổi tiếng năm xưa, như từ cõi xa lắm, thương binh Trần Đình Hòe chợt bừng tỉnh trí nhớ. Ông thảng thốt reo lên: “Đồn Chóp Chài có tôi tham gia đấy! Nó ở gần quê tôi. Nhà tôi ở xã Sơn Tân mà”.

Ngay lập tức, đoàn công tác tỉnh Quảng Nam đã “kết nối” gia đình ông Hòe với chính quyền xã Sơn Tân, thuộc huyện Quế Sơn. Sau đó ít ngày, ông Hòe cử hai cô con gái lớn đi “tiền trạm” trước. Bữa ấy là một buổi sáng mùa đông, cô con gái cả Trần Thị Lý điện thoại về cho bà Luân, giọng nghẹn ngào: “Đúng quê bố rồi mẹ ơi!”.

Niềm vui vỡ òa trong căn nhà nơi xóm Cối.

Cuộc đoàn viên lịch sử đã diễn ra vào đúng mùa Xuân năm 2008. Bữa ấy, đích thân bà Luân đưa chồng về quê nội. Bố mẹ ông Hòe đã mất từ lâu, người thân thiết nhất chỉ còn người cậu ruột, tên là Đỗ Thông, năm đó cũng gần 90 tuổi. Gặp nhau, cậu cháu, người thân, xóm làng mừng mừng, tủi tủi trong niềm hạnh ngộ kỳ thú. Trên bàn thờ bảng lảng khói hương, ông Hòe vẫn kịp nhận ra bức hình của mình thời trẻ chưa kịp gỡ xuống!

Cuộc đoàn viên diệu kỳ giữa “liệt sĩ trở về” với gia đình nơi xứ Quảng là một cái kết đẹp, thấm đẫm tình người và sự tri ân...

Bài và ảnh: LÊ THIẾT HÙNG