QĐND - Chữ của thầy, công lao, nhiệt huyết và nhân cách của thầy đã nằm trong hành trang của các thế hệ học trò. Tết này, Trường Sĩ quan Chính trị tròn 40 tuổi. Đọc lại, học lại chữ của thầy, nhớ về những kỷ niệm với thầy để thấy rõ mình hơn, để thêm yêu hơn mái trường phía sau vòm cổng cổ kính, lưu giữ dấu tích, hào khí ông cha trên đất Kinh Bắc…
Mùa thu năm 1996, trước khi rời Trường Sĩ quan Chính trị (lúc bấy giờ là Phân viện Sĩ quan Chính trị-Học viện Chính trị) nhận công tác, tôi đến chào tạm biệt thầy-Trung tướng, PGS Văn Cương. Thầy đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục giúp nhà trường làm chủ nhiệm một số đề tài khoa học. Với phong cách nho nhã, đức tính khiêm nhường, thầy rời khu nhà làm việc dành cho Ban giám hiệu, chuyển về một căn phòng nhỏ. Cuối buổi chiều hằng ngày, thầy thường xách vợt đến sân Câu lạc bộ đánh cầu lông với mọi người, thái độ thân tình, hòa nhã như một người cha, người chú trong gia đình.
Thấy tôi ngập ngừng ngoài cửa, thầy gọi: “Tùng Sơn à! Cậu vào đi” (trong cuộc sống đời thường, nhất là sau khi nghỉ hưu, Trung tướng, PGS Văn Cương thường xưng hô với mọi người như vậy, kể cả với người trẻ như chúng tôi). Tôi vào thưa với thầy, đã nhận quyết định vào công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2. Thầy rót trà rồi cười nhân từ: "Trong ấy tớ có ông bạn làm Hiệu trưởng. Cứ mỗi lần tớ vào Nam là thể nào ông cũng bắt “nộp thuế” cho ông buổi nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên”.
Người bạn của thầy Văn Cương là Trung tướng Lê Nam Phong, năm nay đã vào ngưỡng “cửu thập”. Hồi ấy, sau khi nhận công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 2, tôi lên chào “bố” Phong (cách gọi thân mật của cán bộ, giáo viên, học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 đối với Trung tướng Lê Nam Phong) và kể cho bố nghe chuyện về thầy Văn Cương. Mới đây, bố Phong đến chơi với Ban đại diện phía Nam, Báo Quân đội nhân dân, tôi lại nhắc chuyện ấy, bố Phong vẫn nhớ như in. Bố kể thêm những kỷ niệm về người bạn, người đồng đội ở đất Kinh Bắc: “Ông ấy nho nhã, chữ nghĩa đầy mình, phong cách làm việc và ứng xử rất hợp tình, hợp lý; lúc cần nhu thì ra nhu, lúc phải cương cũng rất cương. Cán bộ chính trị phải noi gương, học tập ông ấy. Mỗi lần nghe ông ấy nói chuyện, cán bộ, giáo viên ở Lục quân 2 thích lắm…”.
Nói về chữ nghĩa của thầy Văn Cương thì các thế hệ học viên Sĩ quan Chính trị, ai đã từng là học trò của thầy đều ít nhiều ảnh hưởng, cả về vốn kiến thức lẫn phong cách diễn đạt. Những người gần gũi, gắn bó với thầy càng nhiều thì sự ảnh hưởng ấy càng sâu sắc. Những năm học tập ở trường, tôi nằm trong nhóm học viên được trường điều lên tham gia với cơ quan tuyên huấn vẽ tranh cổ động, kẻ pa-nô, làm mô hình mẫu Phòng Hồ Chí Minh ở Phòng Huấn luyện (sau này là Phòng Đào tạo). Thầy thường đến xem và góp ý, chỉnh sửa. Thầy am hiểu các lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật rất sâu rộng nên những góp ý, chỉ đạo của thầy rất thiết thực. Việc nhà trường tổ chức dạy phụ đạo cho học viên những hình thức nghệ thuật như: Âm nhạc, hội họa, vũ quốc tế… là thực hiện chủ trương, tâm huyết của thầy. Những năm chúng tôi học, thầy Văn Cương đã chỉ đạo quyết liệt việc “tuyên chiến” với tật nói ngọng, viết sai chính tả. Cán bộ, giáo viên, học viên phải luyện tập, khắc phục cách phát âm, dùng từ lẫn lộn giữa “n” và “l”, giữa “tr” với “ch”; “s” với “x”, dấu ngã với dấu hỏi… Thầy nói: “Việc sử dụng ngôn ngữ trong nói và viết không thể tách khỏi đặc trưng văn hóa vùng, miền, nhưng tật nói ngọng thì phải khắc phục”.
Dịp Tết năm 1995, học viên chúng tôi được nhận món quà đặc biệt của thầy. Đó là những tấm bưu thiếp trang nhã, in thư của thầy Văn Cương, bắt đầu bằng chữ “QUÀ XUÂN”, tiếp đó là lời tựa: “Nhân đọc sách, thấy điều hay! Nếu mỗi người hiểu và làm được những điều trong này thì sẽ thành người hay, việc tốt. Xin gửi mỗi người một bản, gọi “Quà xuân”…
Chữ của thầy tặng học trò là đúc kết phương châm xử thế theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức của con người, cả phương Đông và phương Tây, từ cổ chí kim. Đó là những cách ứng xử có ý nghĩa thiết thực trong đời sống hằng ngày, chẳng hạn: Khi viết hay nói thì nên để tên người khác trước tên mình, ví dụ, thay vì “Tôi và anh ấy”, hãy viết “Anh ấy và tôi”, điều này thể hiện đức tính khiêm nhường, biết trân trọng người khác. Hoặc khi bắt tay phụ nữ thì không nên bóp chặt và lắc, mà nên nhẹ nhàng, ấm áp. Khi tiếp xúc với phụ nữ, tránh hỏi về tuổi tác (năm sinh) và thu nhập… Chữ thầy dạy, càng ngẫm càng thấy bổ ích, thiết thực đối với đời sống văn hóa, hành vi ứng xử của cán bộ chính trị. Đó cũng chính là những biểu hiện sinh động của phương châm giáo dục mà thầy tâm huyết: Dạy chữ, dạy người, dạy nghề. Mỗi lần nói chuyện với học viên, thầy thường lấy những câu chuyện trong dân gian, điển tích đông-tây, kim-cổ để truyền thông điệp giáo dục một cách dân dã, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Gặp gỡ học viên trước kỳ thi tốt nghiệp, sau khi tâm sự thân tình, thầy chúc: “Mong tất cả các em đừng “Cười như sĩ tử hỏng thi/ Khóc như con gái khi đi lấy chồng...”.
Đã có nhiều học trò, trong đó có những người hiện nay là tướng lĩnh, nhà khoa học… viết bài tri ân, khẳng định công lao đóng góp to lớn của thầy Văn Cương đối với các thế hệ Sĩ quan Chính trị. Ngày thầy từ giã cõi đời, tôi có viết bài “Nhớ thầy Văn Cương” như một lời tri ân. Xuân này, trong không khí về nguồn mừng ngôi trường sĩ quan trên đất Kinh Bắc tròn 40 tuổi, đọc lại chữ của thầy, nhớ những kỷ niệm về thầy từ hơn 20 năm trước, vẫn như thấy thầy đang ở trước mặt, đi trên con đường rợp bóng xà cừ, dáng người thanh mảnh, bước khoan thai…
TÙNG SƠN