QĐND - Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Xuân về, TP Cần Thơ lại sôi động những hoạt động gắn bó nghĩa tình quân dân. Tết quân dân, cái tên giản dị nhưng chan chứa tình thương và kỷ niệm trong những ngày các chiến sĩ Tây Đô “3 cùng” với dân. Đối với Anh hùng LLVT nhân dân, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (biệt danh Ba Ngay), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang), khởi nguồn của Tết quân dân chính là những ngày Tết đầm ấm của chiến sĩ Tây Đô trong sự đùm bọc chở che của nhân dân từ những ngày kháng chiến gian khổ…

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thanh Sơn kể về kỷ niệm ngày Tết trong kháng chiến ở đất Tây Đô. Ảnh Duy Văn.

Năm 1962, từ một du kích địa phương, chàng trai trẻ Lê Thanh Sơn chính thức bước vào hàng ngũ chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô khi bước sang tuổi 18. Cuộc đời quân ngũ, ông tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trên khắp chiến trường miền Tây Nam Bộ và cùng quân dân cả nước làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Ngồi trò chuyện với ông, chúng tôi mới biết biệt danh Ba Ngay là do đồng đội đặt cho ông: “Ngay” là “đánh giặc, đơn vị rút không hay, vẫn chỉ huy hai đồng chí tiếp tục chiến đấu bắt hai tù binh và thu 4 súng…”. Những kỷ niệm của thời hoa lửa vẫn dào dạt cháy trong ký ức vị tướng già với những nghĩa tình sâu đậm giữa bộ đội với nhân dân. Tình thương và sự đùm bọc của nhân dân đã giúp những người lính trẻ vượt qua khó khăn, qua nỗi sợ và dũng cảm, hiên ngang đối diện với bom, đạn của kẻ thù trong chiến tranh. Thiếu tướng Lê Thanh Sơn bồi hồi kể lại:

- Những ngày Tết trong kháng chiến, dù đầy gian khó nhưng những người mẹ, người chị và nhân dân vẫn luôn mang đến cho chúng tôi đầy đủ hương vị ngày Tết như quần áo mới hay bánh, trái cây. Tôi nhớ có lần, các mẹ trong Hội Mẹ kháng chiến có nói: “Tui thương tụi nhỏ lắm! Đi xa còn nhớ nhà, ở nhà Tết đến còn làm nũng đòi quần áo mới, thế mà đã phải cầm súng đánh giặc…” (vì đa số những người lính Tiểu đoàn Tây Đô còn rất trẻ, từ 15 đến 17 tuổi). Ngày ấy, các chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô thường được bố trí từ 3 đến 4 người, ở chung với nhà dân, cùng ăn, cùng dọn dẹp nhà cửa và lao động sản xuất như một thành viên trong gia đình. Giữa bưng biền đầy gian khó, người lính chúng tôi luôn cảm nhận được tình thương và mái ấm gia đình.

Mùa xuân năm 1965, Lê Thanh Sơn lúc đó đang là Chính trị viên Đại đội 23, thời gian này Tiểu đoàn Tây Đô đóng quân dọc từ kênh xáng Bà Đầm đến rạch Tu Ma (với số lượng khoảng 1.500 người), cách xa tầm bắn của pháo binh địch ở Vùng 4 chiến thuật (Cần Thơ). Tết năm đó được tổ chức lớn nhất và rầm rộ trong tình quân dân, nhằm biểu dương lực lượng trước quân thù. Khác hẳn mọi năm, vùng bưng biền sôi nổi, tấp nập ghe xuồng; từ Kiên Giang, đơn vị bộ đội địa phương Tiểu đoàn Rạch Giá đi ghe xuôi qua Giồng Riềng, nhân dân các huyện lỵ Hồng Dân (Bạc Liêu), Giồng Riềng, Rạch Giá (Kiên Giang) xuôi thuyền cả ngày đường và nhân dân các xã xung quanh cũng tề tựu đầy đủ nơi Tiểu đoàn Tây Đô đóng quân với số lượng khoảng 7.000 người cùng tổ chức đón Tết. Ban Cán sự Tỉnh đội và lãnh đạo Tỉnh ủy cũng đến dự. Lần đầu tiên, ngày Tết ở bưng biền nhộn nhịp và khí thế vui hơn ngày hội. Bộ đội và nhân dân cùng tổ chức, tham gia vui chơi, tranh tài ở nhiều trò chơi: Đá banh, thả vịt, đi cầu trơn… cùng nghe văn nghệ. Các ghe chở dưa hấu và trái cây tấp nập ghé bờ. Các mẹ, các chị, nhân dân, bộ đội cùng gói và nấu bánh tét, bánh lá dừa, cùng mang lại hương vị đầy đủ của những ngày Tết tại vùng giải phóng.

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn còn nhớ rõ, mặc dù bộ đội và nhân dân quây quần vui chơi 4 ngày Tết nhưng địch không hề có một phản ứng nào. Có một số đồn bốt dân vệ của địch bỏ chạy ngay từ khi thấy lực lượng bộ đội đi ngang qua. Sư đoàn 21 chủ lực của địch thì co cụm rút về Cần Thơ bảo vệ cơ quan đầu não Vùng 4 chiến thuật vì hoang mang nghĩ rằng, cách mạng đang chuẩn bị dồn toàn lực lượng tấn công… Vì vậy, không khí vui chơi được tổ chức rầm rộ, an toàn trong 4 ngày trước họng súng quân thù.

Cái Tết này đã mang đến khí thế, là điểm khởi đầu cho các ngày Tết mang đậm tình quân dân trong chiến tranh của Tiểu đoàn Tây Đô nói riêng và của  LLVT các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. Tình quân dân là động lực và sức mạnh tinh thần lớn lao cho bộ đội hăng hái chiến đấu diệt thù. Đặc biệt hơn, qua những ngày đó, thanh niên các địa phương đã xác định rõ nhiệm vụ, vai trò của tuổi trẻ và tòng quân nhiều hơn, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh.

Đến bây giờ, truyền thống quý báu đó đã và đang được LLVT TP Cần Thơ phát huy và tiếp nối. Năm 2016 là năm thứ 10 Bộ CHQS thành phố tổ chức Tết quân dân. Với chủ đề “Lực lượng vũ trang TP Cần Thơ về với cội nguồn và chung sức xây dựng nông thôn mới”, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Tây Đô về với quê hương Thới Lai giàu truyền thống cách mạng, nơi đã từng nuôi dưỡng, che chở đùm bọc LLVT Cần Thơ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi còn gặp nhiều khó khăn, chung tay góp sức cùng bà con đón một mùa xuân vui tươi, đầm ấm...
VIỆT HÀ