Cuối tháng 3, thôn Phúc Đình (Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang) nhuộm vàng nắng xuân. Có một ngôi nhà nhỏ nằm giữa mênh mông đồi vải đang độ đơm bông trắng ngà. Đó là ngôi nhà của bà Ngô Thị Hùng, vợ liệt sĩ chống Mỹ. Dưới nếp nhà ấy vẫn đang ăm ắp kỷ niệm và hình ảnh của những cậu bé nước bạn Lào, mà một trong số đó đang trên hành trình tìm về với người mẹ thứ hai, gia đình thứ hai, quê hương thứ hai của mình. Cậu bé Lào ngày ấy nay đã là một vị tướng– Thượng tướng Sụ-von Lương-bun-mi, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào.
Mấy anh em ông Bùi Quang Tiến (con trai bà Ngô Thị Hùng) đứng ngồi không yên, chốc chốc lại dõi ánh mắt về phía con dốc dẫn lên nhà mình. Cách đây 46 năm, Tiến và Sụ-von Lương-bun-mi như hình với bóng, cũng dễ hiểu bởi hai người chạc tuổi nhau.
Tiếng động cơ ô tô ầm ì ngày càng rõ dần, và rồi hình ảnh mà gia đình bà Hùng và cả cái xóm nhỏ này chờ mong cũng hiển hiện trong mắt mọi người. Trong bộ quân phục của Quân đội nhân dân cách mạng Lào, Thượng tướng Sụ-von Lương-bun-mi đi nhanh về phía ngôi nhà thân thuộc, rồi ôm chầm lấy ông Tiến và hai người em trai kế sau. Những mái đầu đã điểm nhiều sợi bạc rung rung xúc động, và những đôi mắt như đang ầng ậng nước.
 |
Thượng tướng Sụ-von Lương-bun-mi trong phút giây gặp lại mẹ nuôi Ngô Thị Hùng. |
Phía trên bậc nhà, bà Hùng dụi mắt như để nhìn rõ hơn, rồi giọng bà nghẹn lại: “Đúng là thằng Von kia rồi”. Đi như chạy về phía hiên nhà, Thượng tướng Sụ-von Lương-bun-mi ôm chầm lấy mẹ. Những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên khuôn mặt hằn vết thời gian của bà mẹ Việt Nam. Kìm nén xúc động, một lúc sau, Thượng tướng Sụ-von Lương-bun-mi mới cất lên lời: “Mẹ ơi, mẹ vẫn khỏe chứ?”. Người trong gia đình và bà con chòm xóm ai nấy đều rưng rưng.
Trong nhà, những bức ảnh vợ chồng Thượng tướng Sụ-von Lương-bun-mi và con gái chụp chung với gia đình trong lần về thăm năm 2015 được treo trang trọng, như để bà Hùng khỏa lấp nỗi nhớ con trong những ngày xa cách. Vừa ngồi xuống ghế, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Lào kéo một người thanh niên lại gần, nhỏ nhẹ: “Mẹ ơi, con gái con đã lấy chồng. Đây là cháu rể của mẹ”. Nắm chặt tay người thanh niên, giọng bà Hùng nghẹn lại: “Thế là bà lại có thêm một đứa cháu nữa rồi”. Ngoài bậc thềm, nắng đã chan hòa. Bóng những cành cây nhảy nhót trên khoảng sân sạch sẽ. Kỷ niệm hơn 40 năm trước cứ thế ùa về, rõ nét...
Năm 1972, do bom Mỹ đánh phá ác liệt nên Trường T2- nơi dạy văn hóa cho học sinh Lào, phải sơ tán học sinh về một số địa phương. Sang học tại Việt Nam từ năm 1969, thực hiện chủ trương sơ tán của nhà trường, Sụ-von Lương-bun-mi cùng các bạn về thôn thôn Phúc Đình, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Cũng như bao gia đình khác ở địa phương, gia đình bà Ngô Thị Hùng nhận ba học sinh về nuôi, trong đó có Sụ-von Lương-bun-mi. Cảm nhận được tình cảm yêu thương chân thành mà gia đình dành cho mình, Sụ-von Lương-bun-mi đã nhận bà Hùng làm mẹ nuôi, và các thành viên trong gia đình gọi ông bằng cái tên “Von” thân mật.
 |
Thượng tướng Sụ-von Lương-bun-mi cùng phu nhân trò chuyện với mẹ nuôi. |
“Bố tôi là liệt sĩ, hy sinh năm 1967. Đang sống trong cảnh mẹ góa con côi, có thêm 3 anh em người Lào về ở cùng chúng tôi vui lắm. Mặc dù kinh tế gia đình hết sức khó khăn, anh em ăn khoai, ăn sắn để đến trường nhưng luôn đoàn kết và thương yêu nhau lắm”, ông Bùi Quang Tiến tâm sự. Trong ký ức ông, vẫn còn đó hình ảnh anh Von da ngăm đen, dáng người mập, thường hay mặc áo ba lỗ, quần đùi, cổ đeo súng dây thun kéo em đi khắp đầu làng cuối xóm bắn chim, bắt rắn, tôm, cua. Những ngày mẹ đi làm đồng áng thì anh Von luôn nhận phần trông coi cậu em trai út.
Ngược dòng thời gian, mọi người lại nhớ về một kỷ niệm khó quên, đó là một lần có báo động máy bay Mỹ sắp đến ném bom đánh phá, đáng ra phải xuống hầm trú ẩn thì anh Von và Tiến lại chạy đi xem pháo cao xạ và các lực lượng phòng không của ta đánh trả địch. Chạy về nhà không thấy các con đâu, bà Hùng hoảng hốt, quáng quàng chạy đi tìm. Gặp các con, bà vội kéo đến chỗ trú ẩn an toàn.
Trong không khí xúc động của ngày hội ngộ, Thượng tướng Sụ-von Lương-bun-mi chia sẻ với mọi người, rằng với ông, trở lại Phúc Đình chính là hành trình trở về quê hương, về với mẹ, với gia đình. Xưa ở nơi đây, ngoài được các thầy cô giáo dục, truyền thụ kiến thức, ông còn được người mẹ thứ hai của mình chăm lo, dạy dỗ. Có ngày máy bay địch đánh bom, có ngày thiếu cái ăn, nhưng trong khó khăn muôn bề ấy mẹ vẫn lo cho mấy anh em từng củ sắn, củ khoai.
Nắm bàn tay nhăn nheo của người mẹ năm nay đã bước sang tuổi 80, người con tên Von của mẹ Hùng bộc bạch với mọi người: Ngày ấy, mẹ đã dặn tôi rằng “Con được đất nước Lào gửi sang Việt Nam học tập để mai này về làm cán bộ. Thế nên con phải cố gắng học tập thật tốt để trở về góp phần dựng xây quê hương, đất nước”. Lời dạy của mẹ chính là động lực, là chân lý sống, là điều tôi luôn khắc ghi trong lòng để không ngừng cố gắng phấn đấu vươn lên trong suốt 40 năm qua, và lời dạy ấy cũng sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời mình. Mấy chục năm qua, tôi vẫn luôn nhớ về gia đình mình, nhớ tiếng nói đầy yêu thương của mẹ. Vợ tôi thì thường xuyên hỏi bao giờ mình lại về Việt Nam thăm mẹ. Những điều đó đã thôi thúc chúng tôi trở về bên mẹ.
Gặp lại con, khóc nhiều hơn nói vì niềm hạnh phúc đến quá bất ngờ, bà Hùng xúc động: “Ngày ở với mẹ, con còn nhỏ. Nay con đã khôn lớn, trưởng thành, giữ trọng trách trong quân đội, mẹ mừng không kể xiết. Mẹ mong con ngày càng tiến bộ hơn”.
 |
Tổng Tham mưu trưởng QĐND Lào và phu nhân chụp ảnh cùng các thành viên trong gia đình mẹ nuôi Ngô Thị Hùng. |
Làng xóm giờ đã đổi thay nhiều, nhà nhà khang trang, đường sá rộng dài, sạch đẹp hơn xưa. Ngôi nhà tranh vách đất 4 gian mà cậu bé Von sống ngày nào giờ đã được thay bằng căn nhà tình nghĩa dành tặng gia đình chính sách được khánh thành năm 2011. Trong vườn nhà, cùng với nhiều loại cây trái mới trồng, những cây cau của hơn 40 năm trước vẫn đang lặng lẽ vươn lên, tạc dáng thẳng đứng trên nền trời xanh ngắt, tựa như khát vọng tìm về với bà mẹ Việt Nam của vị tướng Lào.
Trưa đến, bên mâm cơm gia đình có mẹ, có các em, anh Von cứ khen món ăn ngon. Tóc mẹ nay đã bạc trắng, tóc con cũng đã hoa râm bởi thời gian, sương gió, song tiếng nói, câu cười vẫn ăm ắp tình cảm như những ngày xưa. Gió vườn trưa xào xạc gợi nét yên bình. Hương thơm hoa vải thoang thoảng không gian.
Ghi chép của PHẠM HOÀNG HÀ