Ông Chín cầu đường nghề “tay ngang”
Về xã Long Thạnh, hỏi ông Chín Song, từ già tới trẻ không ai không biết. Những việc làm của ông như đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân vùng quê nghèo nơi đây. Bởi thế, bà con thường gọi ông với cái tên thân mật: “Ông Chín cầu đường”. CCB, Đại tá Võ Chín Song năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng sức khỏe vẫn khá tốt, trí tuệ minh mẫn và rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện tại địa phương. Ông Chín Song sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp. Năm 1960, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Hòa bình lập lại, ông chuyển về Phòng Biên phòng Quân khu 9 công tác, rồi nghỉ hưu.
 |
Cầu Vàm Đình nối hai ấp Trường Khánh 1 và Trường Khánh 2, được xây dựng bằng nguồn kinh phí do ông Chín Song kêu gọi quyên góp. |
Sau khi nghỉ hưu, ông chọn vùng đất Hậu Giang (quê vợ) làm nơi an cư. Là Bộ đội Cụ Hồ nên ông luôn tâm niệm: Dù làm việc gì, dù trên cương vị nào cũng phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì thế, ông tham gia nhiều hoạt động của địa phương. Thấy con cháu đi học mỗi ngày, phải qua lại trên những cây cầu khỉ chênh vênh đầy nguy hiểm, đường sá, cầu cống xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, từ đó ông nảy ra ý tưởng xây cầu, sửa chữa đường để bà con đi lại được thuận tiện hơn. “Ngày xưa còn chiến tranh thì tôi đi đánh giặc, giờ hòa bình rồi mình phải tham gia đóng góp xây dựng quê hương. Hơn nữa, địa phương đang còn khó khăn, cần mọi người chung tay, giúp sức. Tôi thấy đường sá xuống cấp, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, nhất là các cháu học sinh, nên tôi cùng vài người bạn vận động bà con quyên góp, ủng hộ ngày công xây cầu, sửa cầu, vá đường... ”, ông Chín Song chia sẻ.
Từ những ý tưởng đó, năm 2001, ông vận động, kêu gọi hội viên Hội CCB xã Long Thạnh thành lập đội xây cầu. Ban đầu, đội chỉ có hai thành viên, nhưng sau đó thấy ông làm công việc có ích cho ấp, cho xã nên các thành viên khác cũng tự nguyện đăng ký tham gia. Đến nay, đội của ông có gần 20 người, khi có nhiều việc có thể lên đến gần 30 người.
 |
Ông Chín Song (bên trái) cùng với thành viên trong đội của mình đi dọn vệ sinh tuyến đường trong ấp Trường Khánh 1. |
Năm 2017, trong một đợt đi công tác, thấy việc đi lại của bà con hai ấp Trường Khánh 1 và Trường Khánh 2 phải phụ thuộc vào những chuyến đò ngang mỗi khi qua kênh, thế là ông Chín Song đứng ra vận động quyên góp, ủng hộ được hơn 170 triệu đồng rồi cùng anh em trong đội trực tiếp thi công cây cầu. Và chỉ chưa đầy hai tháng, cầu Vàm Đình đã hoàn thành trong niềm vui mừng khôn xiết của người dân hai ấp Trường Khánh 1 và Trường Khánh 2.
Ông được nhiều người nơi miền quê này yêu mến, kính trọng không chỉ bằng những việc làm thiết thực mà còn qua lời nói, nghĩa cử cao đẹp. Đó là khi vận động nguồn kinh phí để xây cầu, những chi phí phát sinh, ông đều dùng tiền cá nhân để chi trả. Tính đến nay, ông và các hội viên Hội CCB xã Long Thạnh đã tu sửa 8 cây cầu cũ, xây mới 15 cây cầu ở các ấp trong xã. Bên cạnh đó, ông và mọi người còn tích cực tham gia tu sửa đường nông thôn, dọn vệ sinh môi trường để bà con đi lại thuận tiện.
Điều hết sức đáng mừng là bà Huỳnh Thị Đen (vợ ông) và các con cháu trong gia đình luôn hết lòng ủng hộ những việc làm của ông. “Ổng còn khỏe thì ổng đi làm. Chồng mình làm việc có ích cho xã hội, có gì mà ngăn cản”, bà Đen nói.
Đội quân xây cầu, vá đường đặc biệt
Hằng ngày, bà con nơi đây luôn bắt gặp những ông già tay cầm dụng cụ hăng hái tham gia các công việc tại địa phương, như: Làm cầu, vá đường, dọn dẹp vệ sinh. Ông Trần Ngọc Hải, 63 tuổi, trước đây từng là lính của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, từng bị thương ở tay, lại bị bệnh huyết áp cao, nhưng khi thấy cái lợi từ những việc làm của ông Chín Song nên tự nguyện xin tham gia. “Thấy bà con trong xóm vui mừng khi có cây cầu bê tông, con đường được sửa chữa không còn ổ voi, ổ gà do anh Chín mang lại nên tôi theo. Mọi sinh hoạt đi lại của bà con thuận tiện hơn, nhất là các cháu học sinh, nên tôi vui lắm. Tính ra đến nay tôi theo anh Chín Song cũng gần 20 năm", ông Hải chia sẻ.
 |
Cầu Ngãi Cũ 1-Trường Khánh 1 do ông Chín Song thiết kế, cùng các thành viên xây dựng. |
Cũng như ông Hải, thấy việc làm của ông Chín Song có ích nên nhiều người tự nguyện tham gia. “Đi bộ đội riết quen, giờ về ở nhàn rỗi không làm gì, thấy anh Chín Song với mấy ổng làm việc có ích, tôi liền tham gia”, ông Lưu Ngọc Tựu, 64 tuổi, bày tỏ.
Công việc tuy có phần không hợp với sức già, lại làm việc không công, đôi khi phải bỏ tiền túi để mua nguyên vật liệu nhưng ai cũng nhiệt tình và hăng hái, chỉ mong sao nhanh chóng hoàn thành để cầu thông, đường thoáng cho bà con qua lại. Không chỉ bắc cầu, nâng cấp đường, đội của ông Chín Song còn phát quang bụi rậm để cảnh quan được thông thoáng. “Cầu xây, đường sửa rồi mà thấy bà con hay mấy cháu học sinh bị tán cây che khuất tầm nhìn, xảy ra tai nạn giao thông là chúng tôi chịu không nổi. Nên hễ thấy đoạn nào cây cối rậm rạp là chúng tôi tới phát quang luôn”, ông Chín Song bày tỏ.
Tuổi cao, gương sáng
Nhìn lại thời gian đã qua, ông Chín Song không thể nhớ mình đã vá được bao nhiêu ki-lô-mét đường bị bong tróc tại các ngõ ngách vùng quê nghèo huyện Phụng Hiệp. Ông Đoàn Ngọc Lợi, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Long Thạnh chia sẻ: “Tấm gương chú Chín Song luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng để các cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Xuất thân từ bộ đội, là cán bộ hưu trí, mặc dù tuổi đã gần 80, nhưng chú vẫn đứng ra thành lập đội xây cầu, vá đường. Công việc của các chú chủ yếu là vá những tuyến đường trên địa bàn và kinh phí thì do các chú tự đóng góp. Riêng với những nơi cần xây cầu, một phần địa phương hỗ trợ kinh phí, phần còn lại do chú Chín Song đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp. Sau đó, đội các chú sẽ đứng ra xây cầu mà không nhận bất cứ khoản thù lao nào".
Ông Lợi còn cho biết thêm, gần 20 năm qua, đội của ông Chín Song đã hỗ trợ xây rất nhiều chiếc cầu bắc qua sông. Đội luôn được chọn là mô hình tiêu biểu để đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã học tập và noi theo. Ngoài ra, ông Chín Song còn là người có uy tín và nhận được sự tín nhiệm rất cao của bà con trong xã. Những gia đình nào có mâu thuẫn, vợ chồng bất hòa, chỉ cần ông lên tiếng thì bà con đều nghe theo...
Bài và ảnh: LÊ CƯỜNG