Gặp Đại úy PGS, TS Nguyễn Thị Bích Hường, ấn tượng đầu tiên của tôi, đó một cô gái dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt tươi sáng, nói chuyện thông minh, dí dỏm… nhưng ít ai biết, chị có trái tim đầy nhiệt huyết, một bản lĩnh, nghị lực phi thường, luôn nỗ lực vươn lên trong công việc và cuộc sống.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Thanh Hà (Hải Dương), bố chị cũng từng là sĩ quan quân đội, công tác ở Quân khu 3, mẹ là giáo viên dạy văn ở quê nhà, Bích Hường may mắn được thừa hưởng những đức tính tốt đẹp từ bố mẹ. Và cũng chính bố mẹ đã có ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp sau này của chị.
Với ước mơ được đứng trên bục giảng, tốt nghiệp THPT, Bích Hường đăng ký dự thi vào Khoa Sư phạm (nay là Đại học Giáo dục), Đại học Quốc gia Hà Nội. Ước mơ được đứng trên bục giảng là vậy, nhưng cô gái trẻ còn một ước muốn nữa là có điều kiện nghiên cứu về cách bảo quản, giữ gìn quả vải thiều Thanh Hà. Vì vậy, Bích Hường chọn ngành Hóa học để theo đuổi mơ ước của mình. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp đại học, chị chưa đi tìm việc làm ngay, mà quyết định tiếp tục con đường học tập, nâng cao trình độ; bằng cách vừa đi học cao học, vừa đi dạy thêm để có tiền trang trải. Được sự động viên từ bố mẹ, Bích Hường đã bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ năm 2007, được hội đồng đánh giá cao. Năm 2008, chị tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khi đang làm nghiên cứu sinh, cơ hội nghề nghiệp mở ra với chị khá nhiều, vậy nhưng các bạn bè ngạc nhiên khi năm 2011, chị lại tình nguyện vào phục vụ trong quân đội và được nhận công tác tại Học viện Hậu cần. Chị bảo: “Trong tôi là sự kết hợp tính kỷ luật của người bố sĩ quan quân đội và hình ảnh dịu dàng, nhưng nghiêm khắc của người mẹ giáo viên. May mắn đến với tôi khi Học viện Hậu cần cần tuyển giáo viên môn hóa.
 |
Phòng thí nghiệm là nơi Đại úy PGS, TS Nguyễn Thị Bích Hường luôn tìm đến sau mỗi giờ giảng. |
Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn khi chưa quen với môi trường quân ngũ. Về lý do tình nguyện vào phục vụ tại Học viện Hậu cần, chị chia sẻ: “Học viện Hậu cần là một trong những trường giàu truyền thống của quân đội, là chiếc nôi đào tạo đội ngũ cán bộ hậu cần, tài chính cho toàn quân và một số nước bạn; là trung tâm nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự… tôi tin tưởng đây sẽ là một môi trường tốt để học hỏi, trưởng thành và cống hiến cho sự nghiệp trồng người mà mình theo đuổi”.
Dù gặp không ít khó khăn, nhưng với bản lĩnh đứng lớp và chuyên môn vững vàng, chị đã vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm học 2011-2012 là thời điểm chị gặp nhiều khó khăn nhất, do vừa nhận công tác, công việc nhiều, luận án dang dở...; con nhỏ, mọi việc trong gia đình phần lớn chị phải lo liệu. Chị đã khéo léo sắp xếp, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Tháng 12-2012, ở tuổi 30, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Tổng hợp, nghiên cứu cấu tạo và thăm dò hoạt tính sinh học của các phức chất Pd(II), Ni(II) với một số dẫn xuất thiosemicacbazon” và trở thành một trong những nữ tiến sĩ trẻ nhất trong quân đội. Được biết, đề tài này chị ấp ủ từ năm học thứ 3 ở trường đại học và được các thầy, cô định hướng, chỉ bảo. Với những kết quả nghiên cứu ban đầu của đề tài, chị mong muốn có thể tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa về khả năng ức chế sự phát triển tế bào ung thư của một số phức chất.
Sớm bén duyên với nghiên cứu khoa học, nên đến thời điểm này, chị đã công bố hơn 30 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, như: Tạp chí hóa học, Tạp chí Phân tích hóa lý và sinh học…; đồng thời hướng dẫn thành công 3 luận văn thạc sĩ, tiếp tục hướng dẫn một học viên cao học. Số lượng các đề tài khoa học của chị cũng ngày càng nhiều hơn và còn tham gia biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu học tập cho các đối tượng học viên, tiêu biểu, như: Giáo trình “Hóa học hữu cơ” tập 2; tài liệu “Hướng dẫn thực hành thí nghiệm Hóa học đại cương”… Các đề tài, giáo trình, tài liệu đó đều có tính thực tiễn cao, nhiều đề tài đạt giải cao trong các cuộc thi tuổi trẻ sáng tạo, vận dụng tốt vào thực tế giảng dạy, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy bậc đại học ở Học viện Hậu cần.
Đối với chị, các đề tài nghiên cứu đều gắn với thực tiễn đời sống, sinh hoạt của bộ đội, như Đề tài “Tổng hợp và nghiên cứu khả năng kháng khuẩn và kháng nấm của phức chất neodim trên một số loại rau xanh trồng ở Học viện Hậu cần”, với mục đích diệt vi khuẩn có hại trên rau xanh. Đề tài đã được thực nghiệm trên vườn rau của một số tiểu đoàn học viên đạt kết quả tốt, tiến tới nhân rộng trong các đơn vị. Đề tài “Nghiên cứu tạo mẫu vải quân trang phủ bạc kích thước nanomet có khả năng sát khuẩn”, nhằm khử các kháng khuẩn, kháng nấm ngấm vào quần áo bộ đội, mà nếu không được giặt thường xuyên thì số vi khuẩn, nấm xấu, hại này sẽ gây bệnh trên da người. Đề tài này có ý nghĩa thiết thực đối với các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn về nguồn nước và điều kiện sinh hoạt.
Khi nghiên cứu các đề tài khoa học, chị gặp không ít khó khăn, nhất là kinh phí và trang thiết bị thí nghiệm. Vì thế, không ít lần chị phải sử dụng số tiền tiết kiệm ít ỏi của vợ chồng. Chồng chị, anh Đỗ Văn Quân cũng là giáo viên dạy môn hóa của một trường THPT ở quận Ba Đình, Hà Nội. Vốn quen thân và yêu nhau từ ngày còn học đại học, nên anh rất hiểu, cảm thông và hết lòng giúp đỡ vợ. Có những đêm, chị trằn trọc suy nghĩ, tự thiết kế các thiết bị thí nghiệm hoặc thay đổi các điều kiện phản ứng để phù hợp với các thiết bị vốn có trong phòng thí nghiệm. Nhận thấy niềm đam mê và tính hiệu quả trong các đề tài nghiên cứu, Ban giám đốc Học viện Hậu cần đã có nhiều hình thức, biện pháp hỗ trợ để chị sớm hoàn thành các đề tài nghiên cứu.
Trong công tác giảng dạy, chị cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được học viên tin yêu, dành nhiều tình cảm tốt đẹp. Với sự trăn trở, làm thế nào để có những bài giảng hay, hấp dẫn, thu hút được sự hứng thú, say mê của học viên, trong quá trình giảng dạy, chị luôn tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp nhất. Với từng đối tượng học viên, chị áp dụng một phương pháp giảng dạy phù hợp, nhằm tạo ra những tiết học sinh động, giàu tính ứng dụng, giúp học viên vừa nắm bắt tốt kiến thức, vừa nâng cao kỹ năng học, tự học và vận dụng vào thực tế, để sau này ra trường, học viên có kiến thức cơ bản về lý thuyết cũng như thực tiễn.
Đánh giá về Đại úy, PGS, TS Nguyễn Thị Bích Hường, Thiếu tướng Hà Tuấn Vũ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Hậu cần cho biết: "PGS, TS Nguyễn Thị Bích Hường xứng đáng là tấm gương tiêu biểu ở học viện trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tin rằng, với sức trẻ và lòng say mê nghề nghiệp, PGS, TS Nguyễn Thị Bích Hường sẽ đạt nhiều thành tích hơn nữa trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học".
Bài và ảnh: LÊ QUÝ HOÀNG