“Muốn giúp học viên cai nghiện, người thầy, người cán bộ cần có sự dũng cảm, tính kỷ luật, sự chân thành, tận tâm và có kiến thức”, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Vũ Văn Trí chia sẻ với chúng tôi về tính chất phức tạp của nghề “làm thầy” những học viên cai nghiện ma túy.

Nghề nguy hiểm

Phải thâm nhập Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 (Sơn Tây, Hà Nội) vài lần, “ăn mấy bữa cơm” ở đây, chúng tôi mới được Giám đốc Vũ Văn Trí “bật mí” phần nào công việc của những người thầy đặc biệt nơi này. Sở dĩ gọi đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây là những người thầy đặc biệt vì học viên của cơ sở đều là những người nghiện ma túy.

Theo ông Trí, khi sử dụng ma túy hoặc ma túy tổng hợp, những ảo giác mạnh do ma túy gây ra khiến người dùng không kiểm soát được hành vi của mình. Ban đầu, nhiều người nghĩ sử dụng để gây hưng phấn, sành điệu, như một trò chơi vô hại, nhưng khi sử dụng tới mức nghiện thì hậu quả để lại rất nặng nề cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, để trở thành một người bình thường, hòa nhập với xã hội, họ không còn cách nào khác là phải thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy.

Giám đốc Vũ Văn Trí cùng các thầy giáo và học viên cai nghiện chuyện trò tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7. Ảnh: Duy Văn

Khi vào tới Cơ sở cai nghiện ma túy số 7, hầu hết học viên đã có thời gian dài sử dụng ma túy. Việc quản lý cả nghìn con người không còn lành lặn về thể chất lẫn tinh thần thực sự là một công việc khắc nghiệt đối với đội ngũ cán bộ nơi đây. Do vậy, người thầy ở đây cũng phải rất đặc biệt để giúp những học viên của mình sớm quên đi “cái chết trắng” đeo đẳng cuộc đời họ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trí kể: Có đợt, 80% học viên vào đây mang tiền án tiền sự. Nhiều người từng ra tù vào tội nên thường xuyên có hành vi bạo lực. Họ luôn chống đối, bất hợp tác hoặc làm ngược với những người bình thường. Mặt khác, hầu hết học viên cai nghiện sức khỏe rất kém. Rồi có những thời điểm tỷ lệ học viên mắc HIV/AIDS lên tới 30-40%. Vì thế, mặc dù đã có rất nhiều biện pháp phòng ngừa, nhưng mấy năm qua, cũng có 8-10 trường hợp cán bộ, nhân viên của cơ sở bị nhiễm lao từ học viên.

Vì vậy, khi vào cơ sở, việc đầu tiên của cán bộ, nhân viên nơi đây là tiến hành các biện pháp để bình phục sức khỏe cho học viên, rồi mới nghĩ tới chuyện cắt cơn, giải độc; sau đó từng bước giáo dục sửa đổi hành vi, nhân cách thông qua quy trình học tập, rèn luyện thể lực, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, lao động sản xuất... nhằm giúp học viên tránh xa ma túy. Giám đốc Vũ Văn Trí cho biết: "Quy trình nói ra có vẻ đơn giản vậy thôi, nhưng thực hiện vô cùng khó khăn, thậm chí nếu không có kinh nghiệm, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bản thân và học viên cai nghiện".

Lúc mới vào cơ sở, nhiều học viên lên cơn thèm ma túy, họ đập phá, chống đối... không chấp hành nội quy, quy định. Những ngày đầu, khi chưa cắt cơn, sức khỏe không ổn định, học viên rất dễ đau ốm và thường tỏ ra hung hãn, hay gây gổ. Thực tế ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 đã xảy ra trường hợp học viên tấn công cán bộ, nhân viên bằng kim tiêm, dao cạo râu... gây nguy cơ phơi nhiễm rất cao. Theo đó, không ít cán bộ, nhân viên ở cơ sở đã phải dùng thuốc phơi nhiễm. 

“Em đi cai nghiện hai năm, còn thầy đi cai cả đời”

Trước rất nhiều áp lực nhưng những người thầy đặc biệt ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 vẫn không chùn bước. Trong mỗi ca trực, mỗi công việc làm hằng ngày, những cán bộ, nhân viên ở đây luôn kiên nhẫn vận động, thuyết phục, cùng học viên tìm ra hướng giải quyết hiệu quả nhất. Cứ như thế, "mưa dầm thấm lâu", tình yêu và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 đã làm thay đổi số phận của không ít học viên. 

Quan sát học viên xếp thành hàng lối chỉnh tề khi tham gia các hoạt động, sinh hoạt tập thể mới thấy hết quá trình gian nan của những người làm công tác quản lý như ông Trí và các thầy giáo nơi đây. Ông Trí chia sẻ, rất nhiều học viên khi ở nhà chưa chắc được giáo dục đến từng chi tiết như vậy. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7, giáo dục cụ thể cho học viên từ việc đi ăn cơm như thế nào, ngồi ăn phải ra sao cho đúng quy định, không gây ảnh hưởng tới người xung quanh... là rất quan trọng. Điều này tạo ra sự tỉ mỉ, ý thức trách nhiệm của mỗi người với bản thân và cộng đồng từ việc nhỏ nhất. “Anh cứ tưởng tượng xem, hàng trăm người đi trong đội hình, chỉ cần không nhấc dép lên thôi, đã rất bụi. Ngay từ những cái tưởng chừng rất nhỏ ấy, thầy trò chúng tôi cũng phải cùng nhau sửa chữa”, ông Trí chia sẻ.  

Là người có nhiều năm gắn bó với cơ sở này, Giám đốc Vũ Văn Trí biết rằng, để cai nghiện thành công, cần nhất là ổn định tư tưởng cho học viên. “Tư tưởng là rất quan trọng. Người nghiện ma túy dứt khỏi ma túy là hết sức khó khăn; thêm nữa, họ có tâm lý sợ đi cai nghiện. Chính suy nghĩ này khiến sự lệ thuộc vào ma túy của họ càng lúc càng lớn. Do vậy, đại đa số người nghiện ma túy không muốn đi cai nghiện. Thêm một nguyên nhân “tư tưởng” nữa là vấn đề gia đình, vợ con. Tỷ lệ ly hôn ở nhóm người nghiện khá cao. Vợ con thường không chấp nhận việc người nghiện phá phách, buông thả, thiếu trách nhiệm với gia đình. Bên cạnh đó, người nghiện thường không có khả năng tài chính, ở nhà thì nợ nần hoặc vướng vào pháp luật... mâu thuẫn dần tích tụ, bất hòa tăng lên, vòng luẩn quẩn đẩy họ ngày càng lún sâu vào ma túy.

Biết được thực trạng như vậy, những người thầy ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 luôn xác định giải pháp đầu tiên là ổn định tư tưởng cho người nghiện để họ bình phục dần dần, rồi kết hợp với các giải pháp tiếp theo. Ông Trí tâm sự: “Gần 20 năm nay, tôi chưa có được cái tết nào trọn vẹn với gia đình và hầu hết đội ngũ cán bộ ở cơ sở cũng như vậy. Nhiều học viên khi hiểu công việc của chúng tôi thường vẫn nói: “Em đi cai nghiện hai năm, còn thầy đi cai cả đời”.

Sau những giờ phút tận tụy, niềm vui đem lại cho ông Trí và những đồng nghiệp ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 là tình cảm, sự biết ơn của học viên, gia đình họ, bởi mỗi học viên ngày vào và ngày ra khỏi cơ sở thực sự là hai con người khác nhau. Ông Trí tự hào: "Tôi rất mừng mỗi khi gặp lại học viên của cơ sở khi họ trở về với cộng đồng và tìm được cho mình công việc cũng như niềm vui trong cuộc sống. Sau mỗi lần như thế, tôi lại thấy có thêm động lực để làm tốt hơn nữa công việc của mình...".

Thầy phải nêu gương, học viên mới noi theo

Lấy ví dụ một việc tưởng rất đơn giản như cấm hút thuốc. Trước tiên, muốn cấm học viên, cán bộ tại cơ sở phải gương mẫu không hút thuốc. Hay chuyện cấm nói bậy, nói tục thì cán bộ cũng không được nói bậy, nói tục. Nói gọn lại, từ tác phong mang mặc đến lời nói, cử chỉ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên luôn phải “chuẩn chỉnh” để trở thành tấm gương trong giáo dục, thuyết phục học viên. “Tấm gương của cán bộ, nhân viên như thế nào thì kết quả giáo dục, rèn luyện học viên như thế. Mục tiêu của cơ sở là “trả về” gia đình, xã hội càng nhiều người lành lặn cả về mặt tinh thần và thể chất càng tốt. Đó là tâm nguyện của mỗi cán bộ, nhân viên ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 này”, ông Trí chia sẻ.

Hỏi về những trường hợp đặc biệt trong học viên, ông Trí cho biết nhiều vô kể. Những trường hợp học viên bị kích động, gây nguy hiểm cho người khác còn rất nhiều. Với mỗi học viên, lựa chọn phương pháp nào để kiềm chế là cả một câu chuyện dài, đòi hỏi sự chuyên tâm, tấm lòng của người quản lý. Nhiều trường hợp học viên vào đây luôn có hành vi chống đối, khi thì ngấm ngầm, khi thì trực diện. Với những trường hợp như vậy, cán bộ phải rất kỳ công. Với các trường hợp đặc biệt, Giám đốc Vũ Văn Trí luôn dành thời gian nhiều hơn để tìm hiểu, gặp gỡ. Ông chủ động bàn bạc với ban lãnh đạo xác định cách thức, biện pháp giáo dục học viên hiệu quả nhất. Bằng sự kiên trì, tỉ mỉ, với biện pháp nhẹ nhàng, tình cảm, hầu hết các trường hợp, ông đều thuyết phục được họ chấp hành. Mỗi lần như vậy, bài học rút ra từ những cách làm đã thành công lại được ông cho phổ biến trong toàn cơ quan. Tuy nhiên, theo Giám đốc Vũ Văn Trí thì bài học lớn nhất, luôn được cán bộ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 “nằm lòng”, đó là càng sâu sát, càng chân thành, càng nêu gương thì càng được học viên yêu quý, từ đó họ tự giác chấp hành và hiểu rõ hơn vì sao mình chọn con đường vào đây.

NGUYỄN HÒA