Anh cùng đồng đội đã thiết kế, chế tạo thành công nhiều sản phẩm vũ khí, khí tài mới, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Hải quân…
Khi còn là học sinh THPT, Nguyễn Tiến Thìn-chàng trai quê huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương- đã đam mê với ngành kỹ thuật và màu xanh áo lính, nên quyết định chọn thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự thay vì Đại học Bách khoa Hà Nội như phần đông các bạn trong lớp. Sau thời gian học tập và rèn luyện tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, Thìn cùng 14 bạn nữa được chọn để tham gia chương trình đào tạo tại Trường Đại học Quốc phòng ở thành phố Brno, Cộng hòa Séc. Tại đây, Thìn được học kiến thức kỹ thuật quân sự và rèn luyện cùng các bạn học viên quân đội Séc và một số học viên nước ngoài. Môi trường quân đội của nước bạn có nhiều khác biệt so với Quân đội nhân dân Việt Nam, tuy nhiên mọi người đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập. “Sau gần 6 năm liên tục học tập, tôi và các bạn trở về nước, tham gia vào công tác nghiên cứu kỹ thuật của quân đội. Những điều học được ở nước bạn, từ những vị giáo sư đáng kính và giản dị, những người bạn Séc thân thiết, nhiệt tình, ngoài kiến thức kỹ thuật quân sự chuyên ngành còn là thái độ nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu và tinh thần làm việc nhóm, cách nghiên cứu khoa học rất bài bản…”, Nguyễn Tiến Thìn kể lại.
 |
Thượng úy Nguyễn Tiến Thìn (bên phải) cùng đồng nghiệp trao đổi nghiệp vụ. |
Về công tác tại Phòng Vũ khí đặc chủng (Viện Kỹ thuật Hải quân), Thìn có nhiều cơ hội để học hỏi và rèn luyện nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước và quân đội xác định là một trong những quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại nên ngành kỹ thuật hải quân cũng phải phát triển mạnh mẽ gấp nhiều lần để đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật, phục vụ huấn luyện và SSCĐ của Bộ đội Hải quân. Với vai trò, nhiệm vụ và định hướng trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học-kỹ thuật hải quân hàng đầu của quân đội nên đòi hỏi mỗi kỹ sư, nghiên cứu viên của Viện Kỹ thuật Hải quân phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật các kiến thức công nghệ mới. Phòng Vũ khí đặc chủng nơi Nguyễn Tiến Thìn trực tiếp công tác là một trong số những phòng chuyên môn có bề dày lịch sử nghiên cứu khoa học về vũ khí hải quân, các thế hệ đi trước từng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về nghiên cứu khoa học. Những năm gần đây, phòng luôn giữ vững danh hiệu đơn vị nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất quân chủng, giành được cúp vĩnh viễn sau 3 năm liên tiếp nhận giải. Nhiệm vụ của phòng bao gồm công tác làm chủ, nghiên cứu sửa chữa, cải tiến, chế tạo mới các loại vũ khí hải quân nên hàng năm đảm nhiệm hàng chục đề tài, công việc nhiều và nặng nề, quân số phân tán, thường xuyên công tác xa đơn vị. Là cán bộ nghiên cứu của phòng, Thìn xác định phải không ngừng học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước.
Nguyễn Tiến Thìn được đào tạo về chuyên ngành tên lửa phòng không, thuộc bộ môn kỹ thuật hàng không và tên lửa, nên khi về công tác tại Phòng Vũ khí đặc chủng, anh gặp nhiều khó khăn do chưa được tiếp xúc thực tế với các hệ thống vũ khí hải quân, đặc biệt là tên lửa hải quân. Qua một thời gian công tác, dưới sự giúp đỡ tận tình của đồng chí, đồng đội, anh đã bắt kịp với tác phong công tác, tinh thần làm việc hăng say của tập thể đơn vị. Theo định hướng của lãnh đạo, chỉ huy phòng, Thìn tập trung nghiên cứu chuyên sâu mảng vũ khí tên lửa, đặc biệt là công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ cao trong điều khiển vũ khí.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong thời gian công tác tại đơn vị, Nguyễn Tiến Thìn được tham gia nghiên cứu chế tạo hàng chục sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tiêu biểu như các dự án tích hợp vũ khí, súng điều khiển từ xa, thiết kế chế tạo hệ thống ngư lôi, hệ thống phóng bom… Tuy trong môi trường nghiên cứu còn nhiều khó khăn, trang thiết bị nghiên cứu, thí nghiệm còn thiếu, nhưng anh và đồng đội đã nỗ lực khắc phục khó khăn, luôn hoàn thành sản phẩm đúng thời hạn, bảo đảm yêu cầu đề ra, được đơn vị sử dụng đánh giá cao.
Một trong những thành công của Nguyễn Tiến Thìn và đồng đội trong thời gian qua là đã nghiên cứu chế tạo hệ thống nạp đạn điều khiển từ xa cho bệ súng 12,7mm. Nói về cơ sở, tính cần thiết của đề tài sáng kiến này, Thượng úy Nguyễn Tiến Thìn phân tích rằng: Bệ súng 12,7mm điều khiển từ xa do Phòng Vũ khí đặc chủng nghiên cứu chế tạo từ năm 2015 dùng để lắp đặt trên tàu, xuồng chiến đấu. Cơ cấu nạp đạn đồng bộ theo súng dạng dây kéo, chỉ thực hiện nạp đạn được bằng tay, trong khi đó, các hoạt động của bệ súng về quay tầm, hướng, ngắm bắn, phát hỏa đều điều khiển từ xa. Như vậy, nếu giữ nguyên cơ cấu nạp đạn bằng dây kéo của súng sẽ không đồng bộ cùng hoạt động điều khiển của bệ súng, việc nạp đạn thêm phần khó khăn trong điều kiện tàu đi trên biển, chưa kể mỗi lần đạn thối, pháo thủ phải ra bệ súng và xử lý kỹ thuật tại chỗ. Vấn đề này đặt ra yêu cầu nghiên cứu thay đổi hệ thống nạp đạn cho phù hợp, đồng bộ cùng với hệ thống điều khiển từ xa, trọng tâm là việc cải tiến cơ cấu nạp đạn của súng 12,7mm từ dạng dây kéo bằng tay thay bằng hệ thống nạp đạn sử dụng động cơ điện được điều khiển từ xa, đồng thời vẫn bảo đảm chế độ nạp đạn tại chỗ.
Từ đòi hỏi của thực tiễn cộng với niềm đam mê sáng tạo, sau quãng thời gian tìm tòi nghiên cứu đến quên cả ngày nghỉ, giờ nghỉ, sĩ quan trẻ Nguyễn Tiến Thìn đã chế tạo thành công “Hệ thống nạp đạn điều khiển từ xa cho bệ súng máy phòng không 12,7mm”. Hệ thống điều khiển này bảo đảm cho các xạ thủ có thể chiến đấu lâu dài, thoải mái, an toàn, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của hỏa lực trên tàu, xuồng. Đánh giá về tính ưu việt của sáng kiến cải tiến kỹ thuật do Nguyễn Tiến Thìn làm chủ đề tài, Đại tá Hồ Minh Hùng, Trưởng phòng Vũ khí đặc chủng, khẳng định: “Sáng kiến nạp đạn điều khiển từ xa đã được nghiệm thu bắn đạn thật và đưa vào sử dụng, có ưu điểm đơn giản, độ tin cậy cao, nạp đạn nhẹ nhàng và đồng bộ với hệ thống điều khiển giá súng từ xa. Đặc biệt, sản phẩm đã thêm một lần khẳng định khả năng thiết kế, chế tạo các hệ thống điều khiển vũ khí ngay tại trong nước và không cần lệ thuộc vào nước ngoài. Hơn nữa, sản phẩm hoàn toàn có thể ứng dụng không những cho súng máy phòng không 12,7mm điều khiển từ xa mà còn có thể nâng cấp để điều khiển nạp đạn cho các bệ pháo tự động chế tạo trong nước như: 14,5mm, 23mm và 25mm…”
Với tính năng ưu việt và khả năng ứng dụng cao trong thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Hải quân, hệ thống nạp đạn điều khiển từ xa cho bệ súng 12,7mm do Nguyễn Tiến Thìn chế tạo đã được Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng nghiệm thu; đoạt giải Ba, Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo'' trong quân đội năm 2016.
“Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi được công tác tại đơn vị nghiên cứu khoa học hàng đầu của Quân chủng Hải quân, được đóng góp cho công tác bảo đảm kỹ thuật của quân chủng và quân đội. Trong thời gian tới, tôi tự nhủ sẽ tiếp tục cố gắng học tập, trau dồi kiến thức để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn...”, Nguyễn Tiến Thìn chân thành chia sẻ.
Bài và ảnh: NGÔ DUY ĐÔNG