Tâm nguyện và công việc thường ngày
Thông thường, một ngày làm việc của Carly tại trung tâm bắt đầu từ 6 giờ đến 18 giờ, nhưng gần đây, thời gian làm việc kéo dài hơn, bởi Mít (tên thật là Kiều Dương Anh) bị ốm. Mít 7 lên tuổi và mắc hội chứng đao bẩm sinh, nhận thức chậm và thường có những hành vi không kiểm soát. Ở trung tâm có các cô điều dưỡng, nhưng Mít chỉ theo Carly. Và khi bên Carly, Mít trở nên rất ngoan. Thấy vậy, Carly không về nhà mà ở lại trung tâm suốt cả ngày và đêm. Sau khi kiểm tra nhiệt độ cho Mít, Carly thở phào: "Thế là cô bé đã hạ sốt". Nhân lúc Mít ngủ say, Carly đi sang giường của Vân. Thấy Carly, Vân cười ngô nghê. Vân cũng yêu Carly lắm! Bởi thường Vân được Carly xoa bóp tay chân và bế ra ngoài phòng chơi. Vân bị bại não, tay chân không cử động được, không nói được, chỉ dùng nụ cười, ánh mắt để biểu đạt tình cảm.
 |
Carly Placek với các em nhỏ khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật xã Thụy An. |
Carly bế Vân sang giường các bạn khác để kiểm tra bỉm. Hôm nay, nhiều con trong phòng đã dùng hết tiêu chuẩn bỉm được cấp mỗi ngày. Carly lại đưa ít tiền để các cô mua thêm. Không những vậy, cả dầu gội đầu, sữa tắm… theo tiêu chuẩn của các con, khi hết Carly đều dùng tiền của mình để mua thêm. Carly còn mua đồ chơi, quần áo mới cho các con; thỉnh thoảng lại xin phép lãnh đạo trung tâm đưa các con ra ngoài chơi. Là tình nguyện viên, nên Carly không được trả lương, nhưng cô không ngần ngại làm mọi việc như các cô điều dưỡng ở đây và chẳng nề hà việc gì, từ việc cho các con ăn, tắm rửa, giặt giũ, thay bỉm... Những công việc đó bình thường vốn đã vất vả, nhưng ở trung tâm, các mẹ còn vất vả hơn nhiều, bởi các con hầu hết là trẻ mắc các chứng bệnh bại não, đao, tự kỷ… nhiều khi không tự chủ được hành vi, còn hất đổ thức ăn, thậm chí là xô ngã hoặc đánh các cô điều dưỡng…
Mít hết sốt cũng là lúc mẹ Carly bị ốm, nên không đến trung tâm. Bé Mít, bé Vân cứ chờ đợi, mong ngóng. Bé Hưng thì cứ theo sau cô điều dưỡng hỏi bập bẹ không thành câu “Ca… ly… Mẹ… đến chưa?”. Với hành trang là tình yêu thương con trẻ, công việc không có lương, cùng những điều lạ lẫm, khó khăn do khác biệt về thời tiết, khí hậu, văn hóa, ngôn ngữ… ở một đất nước xa lạ, vậy mà Carly đã kiên trì gắn bó với trung tâm được hơn 5 năm. Nhiều đứa trẻ ở trung tâm khiếm khuyết về tâm hồn, vậy mà lại có thể khắc ghi trong tâm trí hình ảnh "người mẹ" ngoại quốc.
Vì hạnh phúc trẻ thơ…
Sáng sớm thứ bảy, vùng núi Ba Vì mưa nhỏ, Carly vẫn hơi mệt sau trận ốm. Sau khi trấn an người bạn ở cùng yên tâm rằng mình đã đủ sức khỏe để tiếp tục công việc, Carly lại đi chiếc xe máy cũ vượt chặng đường gần 40km từ xã Thuỵ An đến xã Phúc Thọ dạy thêm tiếng Anh. Cuối tuần nào cũng vậy, Carly dành hai ngày nghỉ để đi dạy, có thêm tiền trang trải cuộc sống tại Việt Nam, như tiền thuê nhà, tiền ăn uống, xăng xe... Mỗi năm, cô dành hai tháng trở về Mỹ thăm gia đình, bè bạn, nhưng dành phần lớn thời gian về nước để đi làm thêm, kiếm tiền trở lại Việt Nam tiếp tục công việc thiện nguyện của mình.
Nhiều vị khách đến thăm trung tâm, thấy cô gái trẻ ngoại quốc chăm sóc các cháu khuyết tật, ban đầu tỏ ra tò mò, thích thú; nhưng cũng có người không hiểu chuyện, nên tặc lưỡi mà rằng: “Người nước ngoài có nhiều tiền, nên đi làm thiện nguyện âu cũng là chuyện thường”. Sau khi nghe kể về Carly, họ càng thêm khâm phục. Kỳ thực, Carly không có nhiều tiền, nhưng cô có sức lao động và tấm lòng nhân ái bao la. Với hành trang đó, Carly chấp nhận từ bỏ công việc ổn định tại một thành phố ở nước Mỹ, tạm xa bố mẹ và người yêu để đến với những đứa trẻ kém may mắn ở Việt Nam. Đó là việc không phải ai cũng có thể làm được và sẵn sàng làm.
Qua tâm sự của Carly, chúng tôi biết thêm rằng, từ khi còn bé, Carly đã được cùng mẹ làm nhiều việc để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư tại địa phương. Tấm lòng nhân ái của mẹ cứ thế lan tỏa sang cô con gái nhỏ. Thời điểm ấy, một hàng xóm của gia đình Carly sinh con mắc hội chứng đao bẩm sinh. Do thường xuyên chăm sóc và chơi đùa cùng cô bé kém may mắn, Carly thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ bị khiếm khuyết và cô đã không ngần ngại đăng ký trở thành tình nguyện viên của Tổ chức Helping hands Việt Nam, nhằm giúp đỡ nhiều hơn các trường hợp trẻ kém may mắn tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật, ở xã Thụy An.
Miệt mài với công việc thiện nguyện ở đất nước cách xa quê hương mình nửa vòng trái đất, mải miết đem hạnh phúc đến với những mảnh đời kém may mắn, nên đôi khi Carly quên mất hạnh phúc của riêng mình. Khoảng cách địa lý khiến trái tim của Carly và người yêu dần không còn đồng điệu và năm ngoái họ đã chia tay. Vậy nhưng, mỗi lần nhắc đến Carly, chàng trai đó vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ và tình cảm yêu mến cô bạn gái cũ luôn vì cộng đồng. Còn Carly tâm niệm: “Thời gian hạnh phúc nhất của mình là được ở bên các em nhỏ tại trung tâm”.
Chúng tôi càng thêm ngạc nhiên, thán phục, khi biết Carly muốn được nhận Mít làm con nuôi, đưa về Mỹ để chữa bệnh. Nhiều lần, cô bắt gặp Mít học theo hành động của các cô điều dưỡng khi chăm sóc con và các bạn, rồi mô phỏng lại bằng việc bón thức ăn cho búp bê, tắm cho búp bê, xoa bóp tay chân cho búp bê… Qua thời gian dài chăm sóc Mít, Carly phát hiện cô bé rất thông minh, có thể chữa trị hồi phục phần nào, nếu đủ điều kiện về tài chính. Bởi vậy, cô mong muốn được nhận Mít làm con nuôi để đưa về Mỹ chữa trị…
Mong muốn là vậy, nhưng Carly gặp khó khăn trong việc nhận con nuôi, bởi hoàn cảnh gia đình Mít khá đặc biệt. Mẹ Mít bỏ đi khi phát hiện con gái bị bệnh đao; bố Mít lấy vợ khác, nên đành gửi con vào trung tâm. Bà nội Mít thương đứa cháu gái nhỏ bệnh tật, nên thỉnh thoảng lại vào trung tâm thăm. Biết Carly có ý định nhận nuôi và đưa cháu gái về Mỹ, bà biết là tốt cho cháu mình, nhưng không đành lòng. Hiện Carly vẫn đang chờ đợi sự đồng ý từ phía gia đình Mít. Cô nói rằng, khi chưa hoàn tất thủ tục nhận Mít làm con nuôi thì cô chưa về hẳn nước Mỹ.
Năm ngoái, mẹ của Carly đến Việt Nam thăm trung tâm. Ban đầu, bà dự định khuyên con gái hãy nghĩ đến hạnh phúc riêng tư, trở về Mỹ lập gia đình và ổn định cuộc sống. Nhưng khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của các cháu tại trung tâm và tình cảm của Carly dành cho các cháu, bà từ bỏ ý định, ủng hộ những việc làm của con gái và nguyện vọng được nhận con nuôi của cô. Carly đã lựa chọn một lẽ sống mà nhiều người soi vào phải suy ngẫm khi cô yêu mến những đứa trẻ khuyết tật như con mình. Quả là cuộc sống muôn màu và tình người còn mãi…
Một ngày cuối tháng 4, chuẩn bị lên máy bay trở lại Việt Nam sau chuyến về thăm quê, Carly viết dòng chữ “Trở về nhà!” trên trang facebook của mình. Ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật xã Thụy An cho chúng tôi xem những dòng chữ đó với cảm xúc trào dâng vì cảm động…
Bài và ảnh: PHAN THU SA