Tiếng hát như cật nứa khía nào đêm, vỡ ra thành những mảnh chói sắc, hòa điệu hơi ấm yêu thương, khát vọng và cả nỗi tủi hờn, gieo vào lòng người nỗi xót thương và sự cảm phục về một cuộc đời không may mắn, nhưng vẫn vươn lên như loài hoa luôn hướng về phía mặt trời.

Một ngày tháng năm, về huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) gặp dòng sông Đa Nhim lặng lẽ phơi mình dưới nắng hè oi ả. Truyền thuyết của đồng bào dân tộc Cơ Ho kể rằng, ngày xưa có đôi trẻ yêu nhau nhưng do mối thù giữa hai bộ tộc nên họ chẳng thể đến được với nhau. Để bảo vệ tình yêu, chàng trai và cô gái đã tìm đến cái chết. Nước mắt của họ biến thành suối, thành sông. Trong tiếng Cơ Ho, Đa Nhim có nghĩa là nước mắt. Hôm nay, cũng bên dòng sông ấy, chị Đỗ Thị Vân Lan, sinh năm 1970, ngụ tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, đã kể cho chúng tôi nghe quá khứ cuộc đời của chị, quá khứ buồn như tên của dòng sông.

Chị Đỗ Thị Vân Lan (thứ hai, từ trái sang) luyện tập văn nghệ cùng những người bạn.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở ngoại ô TP Đà Lạt, từ nhỏ, cô bé Đỗ Thị Vân Lan đã bị liệt một chân. Suốt tuổi thơ, Lan mang nỗi mặc cảm triền miên bởi sự trêu chọc của những kẻ vô tâm xung quanh. Dù thông minh, ham học nhưng hoàn cảnh gia đình và sức khỏe không cho phép nên Lan phải từ bỏ giấc mơ học hành để sớm lao vào cuộc mưu sinh. “Với một hộp đồ nghề làm tóc trong tay, tôi “lê lết” từ vùng này qua vùng khác kiếm sống. Những nơi tôi đến thường là vùng sâu, xa xôi, nghèo khó, bởi ở đó mình mới không bị cạnh tranh của những người cùng nghề nhưng có sức khỏe và vốn nhiều hơn”-chị Lan ngậm ngùi nhớ lại.

Đến tuổi trưởng thành, chị gặp một người đàn ông đem lòng yêu thương mình. Chị bảo những người khuyết tật thường mang nỗi mặc cảm nhưng tận đáy sâu thẳm tâm hồn, họ luôn khao khát được yêu thương, che chở. Bởi thế sau khi lấy chồng, chị nghĩ cuộc đời mình đã sang trang. Nhưng thật không may, khi đang mang thai đứa con thứ hai thì chồng qua đời, bỏ lại chị trong căn phòng trọ tồi tàn bên dòng sông Đa Nhim. Biến cố ấy khiến chị suy sụp rất nhiều. Thậm chí trong cơn tuyệt vọng, chị đã nghĩ đến cái chết nhưng khi nhìn vào ánh mắt trong veo của đứa con thơ, chị tự nhủ phải cố gắng vượt qua.

Để có tiền nuôi bản thân và hai con nhỏ, chị đã vắt kiệt sức lực của cơ thể vốn rất ốm yếu bằng nhiều công việc, như: Làm tóc, nhổ cỏ thuê, đan len, buôn bán quần áo, giày dép… Có lúc làm việc quá sức cộng với trái gió trở trời, đôi chân trở nên bất động, chị phải bò bằng hai tay, vừa bò vừa làm việc khiến ai nhìn vào cũng xót xa, ái ngại. Dù bữa đói, bữa no đắp đổi qua ngày nhưng chị cũng nuôi được hai con khôn lớn, ăn học đủ đầy. Đến nay cháu đầu sắp tốt nghiệp THPT, cháu thứ hai đang học lớp 9. Đó là tài sản quý giá nhất, là niềm hy vọng, nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để chị tiếp tục sống, làm việc có ích cho đời.

Trên bước đường xô dạt kiếm sống, chị Lan gặp rất nhiều người cùng cảnh ngộ. Dù biết lo cho bản thân mình đã khó, nhưng trước những số phận kém may mắn, chị chẳng đặng cầm lòng, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ. Nhiều người khuyết tật lang thang, cơ nhỡ đã được chị đón về nhà trọ, cho ăn ở, được chị tìm việc làm, thậm chí cấp cho chút vốn liếng từ số tiền mà chị đã dành dụm được để giúp họ mưu sinh. Chị tâm sự: “Là một người khuyết tật nên tôi hiểu những người kém may mắn như tôi rất cần sự đồng cảm, giúp đỡ, nên hễ gặp bất cứ người nào khó khăn, tôi sẽ tìm mọi cách để giúp họ mà không cần đáp trả”.

Nhờ tấm lòng thơm thảo mà nhiều năm qua, căn phòng trọ của chị ở thị trấn Thạnh Mỹ trở thành nơi dừng chân, thành tổ ấm của hàng chục người khuyết tật gần xa. Anh Tô Thái Hội, sinh năm 1993, một người khiếm thị quê ở Phú Yên, kể: “Năm đang học lớp 10, tôi bị tai nạn giao thông và hỏng hai con mắt. Qua một diễn đàn trên mạng internet, tôi biết chị Lan nên tìm đến đây. Tại đây, tôi được chị lo cho ăn ở, được giới thiệu đến Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng học nghề xoa bóp, bấm huyệt. Mỗi ngày chị còn đi lấy vé số từ đại lý về cho tôi và các bạn bán. Nhờ đó, tôi có thể tự nuôi sống bản thân”. Còn Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1994, một người khiếm thị quê ở Bình Phước, đã gắn bó với chị Lan hơn 4 năm nay cho biết: “Cô Lan tốt với chúng em lắm. Cô lo cho chúng em từng bữa ăn, giấc ngủ; dạy chúng em học nghề, học hát. Khi thiếu thốn, ốm đau, cô luôn ở bên hỗ trợ, chăm sóc, động viên. Cô dạy chúng em phải luôn nỗ lực vươn lên. Chúng em luôn xem cô như ân nhân, như người mẹ, người chị thân thiết của mình”.

Dẫu cuộc sống chịu nhiều thiệt thòi, vất vả nhưng chị Lan là người lạc quan, rất yêu ca hát và có giọng hát khá hay. Vì đam mê mà chị đứng ra thành lập Đội Văn nghệ người khuyết tật huyện Đơn Dương. Vào mỗi buổi chiều, người dân bên dòng Đa Nhim thường thấy chiếc xe cà tàng chở đầy người cùng xe lăn, đạo cụ lầm lũi băng qua những con đường đất đỏ. Khi màn đêm buông xuống, chị và những người bạn của mình lại đem tiếng hát, tiếng đàn phục vụ nhân dân. Người đến xem khá đông, ai thương bỏ vài đồng vào chiếc thùng từ thiện, không cho cũng chẳng sao, chị và các bạn vẫn say sưa đàn hát.

Bên cạnh mục đích kiếm sống, những buổi hát rong còn là cơ hội để đội văn nghệ giúp đỡ các hội viên trong Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như trường hợp của chị Nguyễn Thị Vân ở thôn Sao Mai, xã Ka Đơn (Đơn Dương), một người khiếm thính bị bệnh ung thư, nhà rất nghèo, đang phải điều trị tại TP Hồ Chí Minh. “Chúng tôi đã tổ chức 3 buổi văn nghệ quyên góp, hỗ trợ chị Vân gần 30 triệu đồng. Nhiều thành viên còn trích khoản tiền tiết kiệm được vài triệu đồng ủng hộ chị. Chúng tôi sẽ còn hát để quyên góp tiền giúp chị chữa bệnh. Chúng tôi có thể thiếu đôi tay, đôi mắt, nhưng tấm lòng thơm thảo, sẵn sàng đùm bọc thương yêu nhau thì không bao giờ thiếu”-chị khẳng định.

Sự nhiệt tình, chu đáo đối với những người cùng cảnh ngộ khiến chị Đỗ Thị Vân Lan nhận được sự ủng hộ lớn của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng người khuyết tật tại địa phương. Tháng 6-2015, chị được bầu làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương. Nhờ sự năng nổ, tháo vát, chị giúp hoạt động hội ngày thêm khởi sắc. Từ số hội viên ban đầu chỉ vài chục người, đến nay, tổng số hội viên trong toàn huyện đã lên tới 203 người. Với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao, tặng quà, thành lập quỹ khuyến học, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ phương tiện cho người khuyết tật... giúp hội viên thêm gắn bó, thương yêu nhau, xóa đi mặc cảm, tự ti, không ngừng vươn lên trong cuộc sống.

Không chỉ giúp các hội viên, chị còn tự bỏ tiền túi, công sức để hỗ trợ những người khuyết tật từ địa phương khác đến sống tại Đơn Dương. Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương nhiều năm liền được đánh giá là đơn vị tiêu biểu của Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng và chị Đỗ Thị Vân Lan nhiều lần được biểu dương, khen thưởng. Ông Trần Mạnh Thu, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng, đánh giá: “Chị Vân Lan là một tấm gương giàu nghị lực, không ngừng vươn lên trong cuộc sống, là cán bộ nhiệt tình, gương mẫu, sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hội”.

Chia tay mảnh đất Đơn Dương khi mặt trời khuất bóng sau đồi cũng là lúc chuyến xe bắt đầu đưa "gánh hát rong" của chị tới một buôn làng hẻo lánh bên bờ Đa Nhim. Đêm nay, một góc làng quê sẽ bừng sáng và chị cùng những người bạn cất tiếng hát gọi bình minh xua tan bóng tối trong tâm hồn, gọi yêu thương, khát khao trở về.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG