Anh Nguyễn Văn Hòa, chồng chị Bảy, cho biết: "Thấy vợ làm việc nghĩa nên tôi rất đồng tình và ủng hộ. Quả thật, kinh tế vợ chồng tôi chưa giàu, nhưng nghĩ thương những người nghèo khó, người không may gặp hoạn nạn, nên vợ chồng tôi gắng sức để làm".

Sau hai giờ đồng hồ toàn tâm toàn ý với công việc, nồi cháo vừa chín tới, tỏa mùi thơm phức, cũng là lúc chị Bảy chuẩn bị mang cháo đến từng gia đình. Xuân Hương là xóm có địa hình trải rộng, nhiều đồi núi, các hộ dân sống rải rác, nên để đưa cháo đến được 22 gia đình, chị phải mất gần 3 giờ đồng hồ. Tôi theo chân chị đến nhà bà Nguyễn Thị Kỷ. Bà Kỷ năm nay đã 82 tuổi, bị mù lòa, sống neo đơn. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của bà Kỷ, chị Bảy không chỉ nấu cháo mang đến tận nhà, mà còn tặng chăn màn, quần áo và những vật dụng phục vụ cuộc sống hằng ngày. Bà Kỷ không giấu nổi xúc động, nói: "Chị Bảy rất giàu lòng thương người. Không chỉ nấu cháo rất ngon, chị còn dành thời gian đưa đến tận nơi cho từng người. Thật lòng, tôi không biết phải nói thế nào để cảm tạ tấm lòng thơm thảo của chị Bảy".

Chị Dương Thị Bảy (bên trái) tặng quà phụ nữ nghèo trong thôn.

Tuy điều kiện kinh tế gia đình chưa khá giả, nhưng với tấm lòng thơm thảo, sẻ chia với những cảnh đời éo le, hằng ngày chị Bảy tiết kiệm chi tiêu, dành dụm mỗi tháng hơn 400.000 đồng để nấu cháo giúp người nghèo trong xóm. Chị đã thầm lặng làm công việc này gần hai năm qua. Chị Bảy chia sẻ: “Tôi muốn chia sẻ tình cảm của mình với những người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh nặng, người mang thương tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Làm được việc đó tôi thấy rất vui”.

Hiện nay, bát cháo tình thương không còn là mô hình mới, nhưng cách làm của chị Bảy vẫn khiến mọi người nể phục. Cùng với việc nấu những bát cháo tình thương, đối với những hộ đặc biệt khó khăn, hộ nghèo có khả năng lao động, chị Bảy lại giúp đỡ phát triển kinh tế. Chị kể: "Để thoát nghèo, ngoài làm ruộng, vợ chồng tôi từng đi buôn bán khắp nơi. Sau khi thấy ở các huyện miền xuôi nhiều hộ chăn nuôi hiệu quả, tôi cất công tìm hiểu, học hỏi, rồi về phát triển chăn nuôi trâu bò, lợn nái". Ban đầu nuôi với số lượng ít, dần dần tăng tổng đàn và đến nay gia đình chị trở thành nơi cung ứng lợn giống cho bà con trong và ngoài xã. Cũng từ đây, chị có điều kiện hỗ trợ con giống cho những hộ đặc biệt khó khăn. Đối với hộ nghèo, chị cho vay con giống về nuôi đến khi xuất bán rồi mới trả vốn. Cứ như thế, trong suốt 15 năm qua, trung bình mỗi năm có từ 10 đến 12 hộ nghèo được chị Bảy giúp đỡ. Đến nay, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị Nguyễn Thị Bích là một trong số đó. Chị Bích kể: "Sau ca phẫu thuật của chồng, kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thật may, nhờ được chị Bảy giúp cho con bò nái sinh sản, từ đó gia đình tôi mới có điều kiện vươn lên. Không riêng gia đình tôi mà còn nhiều gia đình trong xóm cũng được chị Bảy giúp đỡ. Tấm lòng của chị Bảy thật hiếm có".

Năm 2018, ngoài duy trì hoạt động bát cháo từ thiện cho người khuyết tật, người già neo đơn, hỗ trợ lợn giống, bò giống cho gia đình khó khăn hoạn nạn, chị Bảy còn có những cách làm mới, giúp đỡ thêm nhiều đối tượng khó khăn trên địa bàn.

Hương Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Kỳ, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Kinh tế khó khăn nên chuyện học hành của con trẻ ở Hương Sơn cũng không được nhiều gia đình quan tâm. Bởi vậy, một số em phải bỏ học giữa chừng. Thấu hiểu, chia sẻ tình cảnh đó, nhằm động viên giúp đỡ một phần để các em có điều kiện tiếp tục tới trường, chị Bảy đã tiết kiệm chi tiêu hằng ngày, dành dụm trao hai suất học bổng cho hai em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trị giá mỗi suất 1,2 triệu đồng) và trao quà tặng một em học sinh vượt khó học giỏi, với trị giá 500.000 đồng. Đối với những gia đình phụ nữ khó khăn, bị bệnh tim bẩm sinh, chị Bảy hỗ trợ gà giống, tạo điều kiện cho các chị phát triển chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Chị vừa hỗ trợ 100 con gà giống cho hai gia đình trong xóm, đồng thời trao số tiền hỗ trợ một triệu đồng, giúp đỡ gia đình anh Trịnh Xuân Hùng, chị Chu Thị Hương Sen, người cùng xóm bị hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà và tài sản vào cuối tháng 5 vừa qua; trao 15 suất quà tặng người khuyết tật trong xóm. Được nhận quà, ông Phan Văn Sơn, thương binh hạng 4/4, bị nhiễm chất độc hóa học, ở xóm Hương Sơn, sống đơn thân, già yếu, xúc động nói: “Vợ và hai con của tôi đã mất, nhưng may mắn có được chị Bảy thường xuyên qua lại thăm nom, tặng quà…Tôi rất cảm ơn tấm lòng thơm thảo của chị”.

Những món quà của chị Bảy trao tặng người nghèo, người khó khăn, hoạn nạn trong xóm tuy về giá trị vật chất không lớn, nhưng thể hiện rõ tấm lòng yêu thương, ấm áp tình người. Nói với chúng tôi về chị Bảy, bà Tạ Thị Thắm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hương Sơn, cho biết: “Ban đầu, nhiều người cho rằng chị Bảy làm như thế là muốn nổi tiếng, bởi kinh tế gia đình cũng chưa thật khá giả. Thế nhưng, theo thời gian, từ việc làm này lại tiếp việc làm khác của chị Bảy khiến bà con lối xóm dần thay đổi cách nghĩ, rất nể phục trước tấm lòng thơm thảo của chị. Người dân ở đây thường nói, giá như trong thôn, trong xã có nhiều người làm được như chị Bảy thì người nghèo, người khuyết tật trên địa bàn sẽ vơi bớt khó khăn. Mặt khác, những việc làm và sự giúp đỡ của chị Bảy còn là động lực để mỗi người phấn đấu vươn lên”.

Chuyện làm việc thiện của chị Bảy đã có sức lan tỏa, lay động nhiều tấm lòng nhân hậu. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hương Sơn đã phát động phong trào thực hành tiết kiệm chi tiêu, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức nấu cháo tình thương cho trẻ em nghèo tại các trường mầm non, đảm nhận chăm sóc gia đình người có công, người già neo đơn. Với nghĩa cử đầy nhân văn, chị Bảy đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Kỳ tôn vinh gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Anh Trâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Kỳ, chia sẻ: “Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, chị Dương Thị Bảy ở xóm Xuân Hương, xã Hương Sơn đã có những việc làm nhân ái rất thiết thực. Chúng tôi đang nhân rộng điển hình này để các cơ sở hội học tập và chỉ đạo phụ nữ xã Hương Sơn tiếp tục vận động cán bộ, hội viên phụ nữ chung tay góp sức hỗ trợ chị Bảy duy trì và nhân rộng mô hình “Bát cháo tình thương”.

Suốt nhiều năm âm thầm làm việc thiện, chị Bảy đâu biết rằng, tấm lòng của mình là ngọn lửa ấm lan truyền thông điệp yêu thương, thức tỉnh những ai còn thờ ơ, vô cảm trước những buồn đau, bất hạnh của những người xung quanh. Câu chuyện người phụ nữ nông thôn miền núi một nắng hai sương cần cù lao động, dành dụm từng đồng tiền, bát gạo giúp đỡ người nghèo khiến nhiều người biết đến đều phải suy nghĩ... 

Bài và ảnh: NGUYỄN THƯƠNG - CẨM TÚ