Nằm trên đồi cát giữa thôn Đông Đức, NTLS xã Đức Trạch như một công viên với cảnh quan đẹp và luôn được các thế hệ trong gia đình ông Xuân chăm sóc rất chu đáo. Tại nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Đức Trạch Nguyễn Hữu Thọ dẫn chúng tôi vào thăm một ngôi nhà ngói thấp nhỏ ngay gần nghĩa trang. Vừa bước chân vào tới sân, ông Thọ giới thiệu: "Đây là nhà của hội viên CCB Phan Văn Xuân, nguyên chiến sĩ Vùng 5 Hải quân. Ông Xuân cùng tôi “vào sống ra chết” ở chiến trường Campuchia và là thế hệ thứ ba của gia đình tình nguyện chăm sóc NTLS xã này. Bộ đội Hải quân chúng tôi vốn tính bộc trực, ăn sóng nói gió, nhưng đồng chí này thì trái lại. Ông ấy hiền như đất, làm nhiều mà rất kiệm lời, nếu anh không phải là CCB thì chưa chắc ông ấy đã kể chuyện đâu. Muốn hiểu rõ thêm, anh nên hỏi bà Dấn, vợ ông ấy. Bà ấy cùng con, cháu phụ giúp ông Xuân nhiều trong việc chăm sóc NTLS của xã".
 |
Cựu chiến binh Phan Văn Xuân cùng vợ và cháu chăm sóc, chỉnh trang Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đức Trạch. |
Đúng như lời ông Thọ, phải thật khéo tôi mới “moi” được một ít thông tin từ ông Xuân, nhưng chủ yếu là chuyện của lịch sử NTLS xã và chuyện ông tham gia chiến đấu, làm nghĩa vụ quốc tế. Trò chuyện với hai ông, tôi được biết: Nghĩa trang này có từ năm 1966-1967. Ban đầu chỉ có hai chiến sĩ quê ở Thanh Hóa và Nghệ An hy sinh trên trận địa pháo bờ biển, bộ đội và bà con mai táng các anh trên cồn cát, làm hàng rào tre và trồng cây xương rồng để bảo vệ. Chiến tranh ngày càng ác liệt, con em quê hương đi chiến đấu, anh dũng hy sinh và hài cốt lần lượt được đưa về quê hương. Toàn xã có hơn 500 thanh niên lên đường đi đánh Mỹ thì có gần 100 người ngã xuống trên chiến trường, nên khuôn viên của nghĩa trang ngày càng được mở rộng. Trước đây xã rất nghèo, nên việc nâng cấp nghĩa trang chỉ làm từng bước nhỏ.
Ông Xuân nhớ lại: "Hồi mới có nghĩa trang, tôi chỉ là đứa trẻ lên 10, lẽo đẽo trèo cồn cát nóng theo ông nội lên khu vực này. Hồi ấy ở đây còn hoang vu lắm. Tôi thấy ông thường vun cát, nhổ cỏ, ngày rằm nào cũng thắp hương cho các ngôi mộ. Rồi liệt sĩ trong xã được quy tập về nhiều thêm, ông lại tiếp tục vun cát, làm lại hàng rào. Tôi cũng xăng xái giúp ông nhổ cỏ, tưới hoa… Năm 1982, trước khi về với thế giới người hiền, ông nội gọi người con trai trưởng là Phan Văn Xái (tức cha tôi), dặn dò nhiều điều, trong đó nhắc đi nhắc lại phải tiếp tục làm tốt việc chăm sóc NTLS của xã. Những điều ấy cha tôi kể lại, chứ ngày ấy tôi đã đi bộ đội; được biên chế vào Đại đội 18, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ, cùng đơn vị giúp bạn Campuchia đáng đuổi bọn Pôn Pốt. Khi bị thương, tôi được đưa về điều trị ở bệnh viện tiền phương của Vùng 5 Hải quân, rồi ra quân".
Trở về quê hương khi kinh tế đất nước rất khó khăn, CCB Phan Văn Xuân nỗ lực bám biển đánh bắt gần bờ, kiếm cá đổi gạo nuôi vợ con. Sức khỏe không còn được như xưa, khi trở trời vết thương đau nhức, nhưng ông vẫn lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ để chài lưới. Dù đánh bắt được nhiều hay ít, ông vẫn thường tranh thủ giúp cha chỉnh trang, chăm sóc NTLS. Dạo ấy, ông Xái tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, mới đi được nửa cồn cát đã vã mồ hôi, chóng mặt. Vì thế, có tuần ông Xuân phải nghỉ đi biển để giúp cha hương khói ở nghĩa trang. Năm 2006, cụ Xái qua đời. Những ngày cuối đời, cụ Xái gọi ông Xuân và con cháu lại, dặn dò việc gia đình và căn dặn: “Bố bàn giao lại việc chăm sóc phần mộ các liệt sĩ ở nghĩa trang cho anh Xuân, các anh chị và các cháu. Phải nhớ làm cho chu toàn, có gì khó khăn thì xin ý kiến của lãnh đạo địa phương và Hội CCB xã giúp đỡ”.
Theo lời dặn của cha, vợ chồng ông Xuân mở chiếc hộp mà lâu nay cha vẫn giữ cẩn thận trên gác xép, thấy trong đó không có gì đáng kể; quý giá nhất là cuốn sổ đã cũ ghi danh sách, quê quán các liệt sĩ ở nghĩa trang mà hằng ngày, khi còn sống cha ông vẫn chăm sóc cho từng phần mộ. Ngôi mộ nào còn hài cốt, ngôi nào đã được hồi hương, cụ Xái đều ghi rõ. Trong danh sách ấy có 6 liệt sĩ ở ngoại tỉnh được cụ Xái gạch chân bằng mực đỏ. Ông Xuân vẫn nhớ lời cha dặn: “Liệt sĩ ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc thì ai cũng đều phải kính trọng. Nhưng đối với người của địa phương khác nằm lại quê hương mình, các con phải quan tâm nhiều hơn. Vì cha mẹ, vợ con, họ hàng của các anh ấy đều ở xa. Các con nhớ thường xuyên phải hương khói, không được để các anh ấy buồn…”.
Ông Xuân chia sẻ: "Cha không dặn thì chúng tôi vẫn luôn quan tâm coi sóc phần mộ các liệt sĩ. Mỗi lần đi biển, tôi dặn vợ thay mình sáng sớm quét dọn lá khô, chỉnh trang các phần mộ sạch sẽ; chiều tối nhớ bật điện ở cổng cho sáng, nhắc nhở lũ trẻ không được đùa nghịch ở nơi tôn kính. Hiện nay, nghĩa trang đã được xây dựng lại khang trang, chứ hồi trước khuôn viên và một số phần mộ chưa xây, mỗi khi có tin mưa bão, dù làm việc gì tôi cũng thu xếp về sớm, khẩn trương thu dọn đồ dễ vỡ, khơi dòng chống xói lở… Cẩn thận như vậy, nhưng hai trận bão cuối năm 2016 tràn qua gây nhiều thiệt hại cho xã, trong đó có NTLS. Mặc dù nhà bị bay ngói, đồ đạc ướt sũng, nhưng vợ chồng tôi vẫn tranh thủ dọn dẹp trong và ngoài nghĩa trang; lau chùi các phần mộ, phối hợp với chính quyền kịp thời tu sửa nghĩa trang...".
Bà Nguyễn Thị Dấn, vợ ông Xuân là người đảm đang, thấu hiểu và chia sẻ với chồng trong việc chăm sóc NTLS của xã. Lúc ông đau ốm, bà thay chồng quét dọn, hương khói ở nghĩa trang. Từ ngày ông Xuân giao lại việc đi biển cho con trai, vợ chồng ông có điều kiện và nhiều thời gian để cùng nhau chăm sóc NTLS của xã hơn. Buổi sáng, bà quét dọn; buổi chiều ông lau chùi phần mộ, bia ghi danh, đài tưởng niệm. Hàng chục năm qua, cả ba thế hệ trong gia đình ông Xuân đều kiên trì, thầm lặng, tự nguyện trông coi, chăm sóc các phần mộ trong NTLS, xem đó là bổn phận, là sự tri ân đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ba năm gần đây, chính quyền xã có khoản bồi dưỡng cho gia đình 100.000 đồng/tháng, ông bà dành toàn bộ số tiền đó để mua hương hoa tri ân các liệt sĩ.
Ngày nào cũng có mặt ở nghĩa trang, nên ông Xuân thuộc nằm lòng họ, tên, quê quán, vị trí an nghỉ trong nghĩa trang của từng liệt sĩ. Vừa lau chùi ngôi mộ đầu ở hàng thứ ba, ông Xuân vừa kể với tôi: "Đây là liệt sĩ Nguyễn Thạc Bằng, sinh năm 1953, hơn tôi 3 tuổi, quê ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Trước khi hy sinh, anh Bằng là bộ đội pháo binh. Ngày đó, khẩu đội của anh Bằng đang chiến đấu bảo vệ bờ biển Đức Trạch thì bị pháo kích của địch từ biển bắn vào, 4 người hy sinh. Các anh ấy nằm lại đây từ đầu tháng 5-1972, đến nay đã 46 năm rồi đấy...
Cán bộ, nhân dân địa phương, nhất là các gia đình liệt sĩ ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… khi vào thăm người thân yên nghỉ tại NTLS xã Đức Trạch đều khâm phục, cảm ơn gia đình ông Phan Văn Xuân. Hơn 50 năm qua, ba thế hệ trong gia đình ông luôn cần mẫn, hết lòng chăm lo phần mộ các liệt sĩ yên nghỉ nơi đây.
Bài và ảnh: XUÂN VUI