So với toàn quốc thì thành phố Sài Gòn-Gia Định nói riêng, Nam Bộ nói chung bước vào cuộc kháng chiến sớm hơn. Trong cuộc chiến đấu với quân xâm lược, Ban tiếp tế và cứu thương của các đô thị, các địa phương từng bước hình thành, có nhiệm vụ tiếp tế cho các đơn vị bộ đội và LLVT đánh địch. Ở Sài Gòn-Gia Định, Ban tiếp tế mặt trận Đông Nam và Tây Nam của thành phố đã quản lý 62 nhà máy, xưởng xay xát lúa. Bên cạnh việc tổ chức tiếp tế cho LLVT chiến đấu trong thành phố, Ban tiếp tế và cứu thương có nhiệm vụ bảo đảm một phần cho nhân dân ở nội thành, đồng thời tổ chức vận chuyển máy móc, thiết bị vật tư cần thiết ra ngoại thành để chuẩn bị tiềm lực cho kháng chiến lâu dài...

leftcenterrightdel
 Dựng vật cản trong thành phố Hà Nội năm 1946. Ảnh tư liệu.
Cùng với cả nước, thủ đô Hà Nội đi đầu trong cuộc chiến đấu kìm chân địch. Đối với Pháp, chúng coi Hà Nội là mục tiêu trọng yếu nhất cần phải nhanh chóng đánh chiếm trong vòng 24 giờ làm bàn đạp mở rộng tiến công đánh chiếm các thành phố, thị xã khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhằm thực hiện âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh”, chiếm đóng hoàn toàn Việt Nam và các nước Đông Dương.

Trong tháng 11-1946, Ủy ban bảo vệ thành phố, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội nhanh chóng được thành lập để tổ chức chiến đấu kìm chân địch. Để bảo toàn lực lượng và vật chất hậu cần, nhiều bệnh viện, kho tàng, xưởng máy, vật tư đã được di chuyển ra khỏi nội thành. Thế nhưng, mỗi chiến sĩ tự vệ ở lại chiến đấu được chuẩn bị sẵn 15kg gạo và một số thực phẩm khô cần thiết. Các gia đình có người ở lại nội thành cũng phải chuẩn bị đủ số gạo, muối, thức ăn khô, nhất là tích trữ thêm nước ở các chum, vại. Nhiều gia đình còn đào giếng để có thêm nguồn nước cung cấp cho các lực lượng chiến đấu. Liên khu 1 tổ chức dự trữ ba tháng lương thực, thực phẩm; quản lý sử dụng một nửa số vũ khí, đạn dược của toàn mặt trận. Các trạm cấp cứu thương binh của cả quân y và dân y được triển khai ở cả ba liên khu...

Ngoài sự chuẩn bị của nội thành, ở các xã, huyện ngoại thành đều thành lập Ban tiếp tế để chi viện và phục vụ cho chiến đấu trong thành phố. Đặc biệt, ta còn lập ra các kho lương thực ở Thanh Liệt, Mễ Trì và đặt ở một số điểm ven sông Nhuệ. Để tiếp nhận, điều trị thương bệnh binh, các bệnh viện dân y được triển khai ở Văn Điển, Cự Đà, Khúc Thủy. Quân y viện Trung ương triển khai ở Vân Đình (Hà Đông) là tuyến tiếp nhận chính thương binh, bệnh binh của mặt trận.

Lúc 20 giờ 3 phút, ngày 19-12-1946, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ đã cắt điện toàn thành phố. Đây là hiệu lệnh nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội và cuộc kháng chiến toàn quốc. Để phục vụ bộ đội và dân quân chiến đấu, các đội nữ “hỏa đầu quân” tổ chức nấu cơm, đem nước uống đến tận trận địa. Nhiều người mẹ, người chị trong “hội úy lạo” còn tặng quà động viên bộ đội, chăm sóc thương binh. Các tổ nuôi quân, ban ngày bảo đảm cơm nước, đêm xuống lại bí mật vượt vòng vây ra bãi sông Hồng và những cánh đồng lân cận hái rau xanh, tìm thực phẩm về cho đơn vị.

Từ ngày 23-12-1946, lực lượng chiến đấu ở Hà Nội đã hình thành thế trận “trong đánh, ngoài vây” quân địch, trong đó cuộc chiến đấu ở Liên khu 1 diễn ra khá ác liệt. Đây cũng là khu trung tâm buôn bán của thành phố, có nhiều chợ lớn với nhiều loại hàng hóa như: Chợ Bắc Qua, chợ Gạo, chợ Hàng Da, chợ Đồng Xuân. Do đó, lực lượng bám trụ ở liên khu đã dựa vào nguồn tiếp tế tại chỗ để chiến đấu. Đến ngày 7-1-1947, lực lượng chiến đấu của Hà Nội được tổ chức lại: Trung đoàn 102 đứng chân ở Liên khu 1, Trung đoàn 48 ở Liên khu 2 và Trung đoàn 52 ở Liên khu 3. Thời điểm này, đường tiếp tế từ ngoại thành vào Liên khu 1 vẫn chủ yếu đi theo ven sông Hồng qua cầu Long Biên. Lực lượng vận chuyển chính là dân quân, khi vào thành mang theo vũ khí và thực phẩm tươi, khi ra tổ chức chuyển thương binh về tuyến sau.

Ở phía tây và phía nam Hà Nội, các Trung đoàn 52 và 48 đã dựa hẳn vào vùng tự do, được nhân dân hết lòng ủng hộ, giúp đỡ. Chỉ trong hai ngày 20 và 21-12-1946, nhân dân Tả Thanh Oai đã đóng góp hơn 150 tấn thóc cho bộ đội. Hội phụ nữ các xã ngoại thành cử người nấu cơm, tiếp nước cho bộ đội, dân quân, tự vệ. Riêng bảo đảm quân y, hầu hết số thương binh vừa và nặng được chuyển về các bệnh viện dân y để chăm sóc, cứu chữa...

Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm trong tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, cứu chữa thương binh, bệnh binh cho chiến đấu dài ngày ở đô thị, song Ban tiếp tế và cứu thương của các đô thị, các địa phương, các lực lượng đã quán triệt sâu sắc, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, dựa vào dân, động viên và tổ chức toàn dân tham gia làm tiếp tế, bảo đảm hậu cần cho các lực lượng vũ trang chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Các đơn vị tiếp tế đã kết hợp tốt giữa việc huy động và sử dụng nguồn lực tại chỗ với các nguồn lực từ các địa phương lân cận trong tiếp tế hậu cần và bảo đảm quân y, góp phần quan trọng vào chiến công chung của quân và dân ta trong kiềm chế sức mạnh ban đầu của địch, bảo toàn và phát triển lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài để đi đến thành công của cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, chúng ta thực hiện bảo đảm hậu cần trong những điều kiện mới. Vì vậy, ngành hậu cần quân đội xác định tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm công tác tiếp tế hậu cần và bảo đảm quân y trong những ngày Toàn quốc kháng chiến nói riêng, công tác bảo đảm hậu cần trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nói chung để hoàn thành tốt công tác bảo đảm hậu cần cho quân đội huấn luyện, công tác, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù trong mọi tình huống. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải tích cực, chủ động, xây dựng thế trận hậu cần quốc phòng toàn dân trên phạm vi cả nước, trên từng hướng, từng địa bàn chiến lược, xây dựng thế trận hậu cần khu vực phòng thủ ở các đô thị ngày càng hùng hậu, vững chắc. Tập trung xây dựng ngành hậu cần quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, xứng đáng làm nòng cốt cho hậu cần quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng DƯƠNG VĂN RÃ

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần